Những vần thơ đẹp nhất
(Baonghean) - Thi ca Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay đã xây dựng được nhiều hình tượng đẹp, mà theo tôi, đẹp nhất là hình tượng Bác Hồ.
Nói về quá trình ba mươi năm bôn ba hải ngoại của Bác, nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ nổi tiếng “Người đi tìm hình của Nước”. Hình ở đây theo tác giả giải thích là hình ảnh mới của đất nước, hình thái mới của cách mạng.
Khi sống ở Paris, để chống lại cái rét, Người phải ủ một hòn gạch trong bếp, khi nằm ngủ đặt dưới giường cho ấm. Từ sự việc đó, tác giả viết: Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá!
“Viên gạch hồng” tượng trưng cho nhiệt tình cách mạng của người chiến sĩ và “mùa băng giá” vừa diễn tả cái rét ghê gớm của phương Tây vừa tượng trưng cho chủ nghĩa thực dân. Câu thơ mang thủ pháp đối lập nhằm diễn tả quyết tâm cao độ của Bác trên hành trình cứu nước.
Cảm động biết bao khi Bác đọc Luận cương của Lê Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa: “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ LêNin”.
Đó là sự gặp gỡ kỳ diệu giữa hai tâm hồn vĩ đại. Chính nhờ đọc Lênin mà Bác đã tìm thấy con đường cứu nước nên Người mừng đến phát khóc.
Giây phút Bác về Tổ quốc năm 1941 cũng được khắc họa khá thành công:
Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai.
Chế Lan Viên đã thiêng liêng hóa khoảnh khắc đó của lịch sử. “Màu hồng” ở đây tượng trưng cho cuộc cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Từ trong màu hồng đó, Người đã nhìn thấy tương lai một nước Việt Nam tự do độc lập không còn bóng dáng bọn thực dân phát xít, điều mà cả dân tộc Việt Nam đang cháy lòng mong đợi.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Bác cùng Trung ương Đảng và Chính phủ sống ở Chiến khu Việt Bắc. Nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ xuất thần khi viết về Người trong những năm tháng này:
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa dùm Việt Bắc khôn nguôi nhớ Người
Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu, túi vải, đẹp tươi lạ thường
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người
(Việt Bắc)
Nhà thơ Xuân Diệu bình luận đây là “bức vẽ của một danh họa về Bác”. “Mắt sáng ngời” nói trí tuệ phi thường của Người. “Áo nâu, túi vải” nói tác phong giản dị. Hình ảnh “ung dung yên ngựa” nói cái tư thế luôn làm chủ bản thân, làm chủ tình thế của lãnh tụ vĩ đại. Bác đẹp như một “ông tiên cách mạng” giữa núi rừng Việt Bắc.
Ngày Bác đi xa, có biết bao nhiêu vần thơ khóc Người. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có những vần lục bát xúc động :
Nắng chiều lúa ngã xôn xao
Mây về lưng núi cao cao rạng ngời
Nước non, non nước bồi hồi
Nghe thân yêu vọng tiếng Người đâu đây
Mây hồng chim vút cánh bay
Sông xa một dải dâng đầy nhớ thương.
(Chiều Thu nhớ Bác)
Nỗi đau xót của cả một dân tộc đã lan ra cùng thiên nhiên và cũng mênh mông không cùng như thiên nhiên.
Đến viếng Lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương viết :
Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng
Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ
Ngày ngày đoàn người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa Xuân.
(Viếng lăng Bác).
Mặt trời trên cao soi sáng lăng Bác. “Mặt trời trong lăng rất đỏ” - một ẩn dụ chỉ hình ảnh Bác - soi sáng tâm hồn tất cả chúng ta.
Giây phút huy hoàng nhất của cuộc chống Mỹ cứu nước là lúc quân ta giải phóng Sài Gòn. Nhà thơ Tố Hữu viết :
Ôi! Buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa
(Toàn thắng về ta)
Khái quát tình cảm của nhân dân ta đối với Bác, tôi cho câu ca dao sau đây là hay nhất :
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Bác không chỉ là sen của Việt Nam mà còn là “sen của loài người” như Chế Lan Viên từng nhận xét, vì cả năm châu bốn biển ca tụng Người, tôn vinh Người là vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Người đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới đập tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân...
Cảm ơn các nhà thơ đã giúp bạn đọc cảm nhận sâu sắc hơn tầm vóc thiên tài của Bác, và do đó càng thêm phấn khởi, tin tưởng khi đi trên con đường cách mạng do Người vạch ra cho dân tộc ta!
Phan Bá Hàm