“Ni cô Huyền Trang”- Ngày ấy, bây giờ!

24/06/2013 16:49

(Baonghean) - Khán giả truyền hình vừa xem xong 10 tập phim tài liệu về lực lượng “Biệt động Sài Gòn - Gia Định”. Bộ phim thêm một lần gợi thức người xem nhớ lại bộ phim truyện “Biệt động Sài Gòn” (4 tập), ra đời vào những năm 80 của thế kỷ trước, mà dấu ấn về hình ảnh “Ni cô Huyền Trang” trong phim do NSƯT Thanh Loan thủ vai, còn lưu mãi trong lòng người hâm mộ cho đến tận bây giờ.

Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan sinh năm 1951 ở một làng cổ Hà Nội. Hồi nhỏ, Thanh Loan hay được ba mẹ cho đi theo đến rạp Hồng Hà để xem kịch và niềm mơ ước trở thành diễn viên của chị cũng bắt đầu từ đó. Trong nhà không có ai làm nghệ thuật, mọi người chỉ muốn chị trở thành bác sỹ. Nhưng nghe theo bạn bè, chị trốn nhà đi thi tuyển vào Văn công quân đội, trúng tuyển vào Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị khi mới tròn 17 tuổi.

Thanh Loan sở hữu vẻ đẹp đặc trưng của thiếu nữ đất Hà Thành, với khuôn mặt trái xoan xinh xắn, có vóc dáng đẹp và đài từ đạt chuẩn. Chị chính thức chạm ngõ làng điện ảnh với bộ phim truyện đầu tiên “Người về đồng cói” (1973), chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lê Lựu.

Với hình tượng nhân vật Riêng, Thanh Loan đã kịp lưu lại trong lòng khán giả hình ảnh sinh động về một cô đội trưởng đội sản xuất, với áo cánh nâu non nhanh nhẹn, hồn nhiên, tươi rói, tế nhị trong yêu đương... Chính vẻ đẹp duyên dáng đầy ma lực ấy cùng lối diễn xuất dung dị, không khoa trương ngay từ vai diễn đầu tiên được điện ảnh phát hiện, đã đặt nền móng vững chắc cho con đường dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy của người diễn viên. Thanh Loan trở thành một trong những cái tên được các đạo diễn săn đón và khán giả hâm mộ.



Thanh Loan trong vai ni cô Huyền Trang.

Nhưng có lẽ phải đến vai ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân) mới chính là vai diễn “đo ni đóng giày” với người đẹp phố cổ Hà Thành. Sau này chị đã từng tâm sự: “Đây có thể là “đỉnh” mà tôi không bao giờ vượt qua được”! Hình ảnh “ni cô Huyền Trang” đằm thắm, thánh thiện, với đôi mắt thẳm sâu vời vợi mà chị hóa thân từ nguyên mẫu một nữ chiến sỹ biệt động thành, có tên là Phạm Thị Bạch Liên, cô gái miệt vườn vùng Sa Đéc, Đồng Tháp theo cha lên Sài Gòn vào học trường dòng. Vì có tham gia vào phong trào học sinh “xuống đường” phản đối chiến tranh nên cô bị đuổi học, Bạch Liên đã xuống tóc đi tu tại chùa Bổn Nguyện, rồi trở thành chiến sỹ biệt động dưới vỏ bọc với pháp danh “Ni cô Huyền Trang”.

Ngôi chùa là nơi có nhiều tăng ni, phật tử lui tới nhưng ít ai biết đó là mạng lưới cách mạng đang phát triển. “Huyền Trang” là một mắt xích quan trọng của đội quân biệt động hoạt động nội thành. Ni cô phải chôn dấu một mối tình với người đội trưởng biệt động thành Tư Chung (dưới vỏ bọc là chủ hãng sơn Đông Á), không ít lần tê tái chứng kiến cảnh người yêu cùng người đóng giả làm vợ (cũng là chiến sỹ biệt động), sống “hạnh phúc” giữa Đô Thành... Với sự thành công của phim và sức thu hút khán giả lúc bấy giờ, cái tên “Ni cô Huyền Trang” đã gắn cuộc đời Thanh Loan với đồng nghiệp và công chúng hâm mộ. Chị được phong tặng NSƯT vào năm 1993, được mọi người vinh danh là “tứ mỹ nhân” của làng điện ảnh về dòng phim kháng chiến cùng với NSND Trà Giang vai Dịu trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; NSND Như Quỳnh vai Nết trong “Đến hẹn lại lên”; Diễn viên Thúy An phim “Cánh đồng hoang”.

Ngoài phim “Biệt động Sài Gòn”, khán giả còn biết đến tài năng diễn xuất của Thanh Loan qua các phim: “Bài ca ra trận”; “Phương án ba bông hồng”; “Tình yêu đã chết”; “Bí mật thành phố Cấm”, “Bản đề án bị bỏ quên”! Sau những vai diễn đình đám để đời, chị chuyển sang làm phát thanh viên cho chương trình Vì An ninh của Đài Truyền hình Việt Nam, xây dựng chương trình An toàn giao thông phát trên đài năm 1992 - 1993 khá thành công.



NSƯT Thanh Loan trong vai trò đạo diễn.

Sau này chị theo học khóa đạo diễn phim tài liệu, chị đi sâu khai thác, khám phá mảng đề tài cuộc đời, sự nghiệp của các chiến sỹ công an nhân dân trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, như các phim: “Cảnh sát mặc thường phục”; “Nơi dòng sông chảy ngược”; “Dấu vết cháy”, và đặc biệt là phim “Bộ trưởng của chúng tôi” (chân dung về cố Bộ trưởng công an đầu tiên, Trần Quốc Hoàn), đã để lại thêm dấu ấn tài năng của chị trong vai trò đạo diễn. Chị trở thành nữ Đại tá giữ trọng trách là Phó Giám đốc nghệ thuật của Điện ảnh Công an nhân dân. Công việc quản lý bận rộn, phải đi nhiều nơi hết vào Nam ra Bắc đã không cho chị có thời gian đóng phim nữa, nên dù nhớ màn ảnh da diết nhưng đành phải chấp nhận. Và cũng vì lâu không thấy chị xuất hiện trên phim, nên đã có không ít lời đồn thổi, ác ý, nào là “người đẹp” bị đánh ghen, bị tạt a xít vào mặt ...

Về nghỉ hưu năm 2008, chị sống hạnh phúc với chồng là Phó Giáo sư - Tiến sỹ Toán học (hơn chị 10 tuổi), cùng con cháu trên phố Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội. Đã lên chức bà ngoại nhưng giai nhân Hà Nội một thời, “Ni cô Huyền Trang” ở tuổi 60 vẫn còn đẹp lắm. Chị tâm sự: “Dẫu có tuổi nhưng người phụ nữ nên dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao; đơn giản như đi bộ, chơi cầu lông, bơi lội... để giữ gìn sức khỏe và hoàn thành công việc của mình”. Chiều chiều “Ni cô Huyền Trang” lại sắp xếp thời gian đến sàn nhảy, không chỉ dìu dặt trong vũ điệu cổ điển mà còn quyến rũ với những vũ điệu hiện đại. Mỗi khi có đồng nghiệp ới gọi đi làm phim, Thanh Loan lại sẵn sàng lên đường với niềm đam mê cống hiến.


Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)

Mới nhất
x
“Ni cô Huyền Trang”- Ngày ấy, bây giờ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO