Niềm tin vào báo chí tăng lên: Cơ hội đối với các tờ báo địa phương?
Sau nhiều thập kỷ niềm tin dành cho tin tức báo chí sụt giảm, kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy kể từ năm ngoái, niềm tin với báo chí, đặc biệt là báo chí địa phương, đã tăng lên.
Một cuộc khảo sát của Poynter Media cho thấy có 76% người Mỹ "rất tin tưởng" vào truyền hình địa phương, và 73% số người được khảo sát tin tưởng vào các tờ báo địa phương. Con số này tương phản với tỷ lệ 55% số người tin tưởng vào mạng lưới truyền hình quốc gia, 59% số người tin tưởng vào các tờ báo quốc gia và 47% số người tin vào các tờ báo điện tử.
Sự phân chia thái độ đối với tin tức địa phương và quốc gia đặc biệt rõ rệt giữa những người theo đảng Cộng hòa: 71% cho biết họ tin tưởng tin tức truyền hình địa phương, cao hơn 43 điểm phần trăm so với những người tin tưởng vào truyền hình quốc gia. Tương tự, 62% số người theo đảng Cộng hòa cho biết họ tin tưởng các tờ báo địa phương, cao hơn 33 điểm phần trăm so với tỷ lệ dành cho các tờ báo quốc gia.
Những phát hiện này gợi nhớ đến nghịch lý cho rằng người Mỹ không tán thành Quốc hội, nhưng ủng hộ các nghị sỹ. Jason Reifler, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Exeter ở Anh, đồng tác giả của nghiên cứu Poynter, cho biết giống như việc các thành viên của Quốc hội phục vụ cho cử tri và mang tiền về cho các bang của họ, báo chí địa phương mang đến những thông tin hữu ích cho người dân địa phương.
Reifler cùng với Brendan Nyhan, thuộc Đại học Michigan và Andrew Guess, thuộc Đại học Princeton, đã tiến hành khảo sát 2.000 người, để có được kết quả trên.
Những phát hiện này thực sự nhấn mạnh rằng báo chí địa phương và báo chí quốc gia là khác nhau, và công chúng cảm nhận về chúng cũng khác nhau, Joy Mayer, Giám đốc dự án Niềm tin với báo chí, nhận định.
"Hầu hết các nhà báo địa phương không đưa tin tức liên quan đến những vấn đề chính trị quốc gia. Họ đưa tin về các hoạt động thể thao ở trường học, các doanh nghiệp địa phương, hoạt động giáo dục cũng như tình trạng tội phạm có ảnh hưởng tới cộng đồng ở địa phương đó."
Theo nghiên cứu của Poynter, sự tin tưởng dành cho báo chí địa phương cao ngang bằng với tỷ lệ được Gallup ghi nhận vào năm 1976 - với 72% số người được hỏi tin tưởng vào tất cả các loại hình truyền thông - khi mà trước đó 4 năm, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về mức độ tin tưởng dành cho báo chí.
"Bất cứ ai nói rằng mọi người không tin vào truyền thông nghĩa là không xem xét kỹ. Niềm tin dựa trên trải nghiệm, và người ta đã có trải nghiệm sâu sắc và lâu dài với các nhà xuất bản tin tức của địa phương," David Chavern, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của News Media Alliance, chia sẻ.
Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích báo chí toàn đưa tin giả, niềm tin với tất cả các loại hình báo chí đã tăng lên, so với con số khảo sát được Poynter đưa ra vào tháng 11/2017. Khi đó, chỉ có 54% số người được hỏi bày tỏ "rất tin tưởng" vào báo chí. Trong một khảo sát trước đó chỉ 8 tháng, tỷ lệ này là 49%.
Khảo sát trước đó của Gallup vào tháng 9/2016, thời điểm đang diễn ra cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, ghi nhận 32% số người được hỏi tin tưởng vào báo chí, nhưng sau 1 năm, tức là vào tháng 9/2017, tỷ lệ này tăng lên thành 41%.
Nyhan, đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng: "Thật nguy hiểm khi người ta nghĩ rằng cứ là đảng viên Cộng hòa thì ghét báo chí hoặc khắt khe với báo chí. Khảo sát cho thấy thái độ đối với báo chí địa phương không bị ảnh hưởng bởi các đảng phái chính trị.
Joel Simon, giám đốc điều hành của Ủy ban bảo vệ các nhà báo ở New York cho biết: “Khi giới truyền thông đưa những thông tin về những sự việc mà công chúng trải qua trong đời sống hàng ngày, họ sẽ cảm thấy những thông tin này là chính xác. Còn khi xem, nghe, đọc những thông tin trong phòng họp của Nhà Trắng, công chúng ít nhận thức ở góc độ bản chất của báo chí, mà chủ yếu họ nhận thức về cảm xúc đối với chính trị hoặc đối với Tổng thống."
Những phát hiện trong khảo sát mới này của Poynter về tin tức địa phương có thể giúp các cơ quan báo chí tìm kiếm đối tượng người đọc/người xem để tăng doanh thu quảng cáo trong bối cảnh các cơ quan báo chí phải vật lộn để tồn tại như hiện nay.
"Tất cả chúng ta đều thắc mắc về tương lai của các tờ báo địa phương, chúng khó cạnh tranh trên quy mô lớn nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn hại nếu như bị tác động bởi vấn đề niềm tin đối với báo chí," Tom Rosenstiel, giám đốc điều hành của Viện Báo chí Mỹ ở thủ đô Washington nhận định./.