Niềm tự hào của bản Vi

08/04/2014 17:59

(Baonghean) - Quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” nay đã không còn ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào dân tộc Thái bản Vi, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp). thành tích 12 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 của bản đã chứng minh điều đó...

Về thăm bản Vi trên con đường dẫn vào khu vực sinh sống của người dân đã được bê tông hoá, những ngôi nhà sàn được cách điệu, mái ngói lợp đỏ tươi. Gặp chị Vi Thị Lý – người đã có thâm niên hơn 17 năm làm cộng tác viên dân số, chị vui vẻ cho biết: Bản Vi hiện có 56 hộ với 253 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Thái... Trước đây bản Vi còn nhiều khó khăn do hủ tục lạc hậu, người dân chỉ biết lên rừng kiếm củ mài, củ sắn thay cơm, đã thế gia đình nào cũng sinh đông con, dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng, bệnh tật. Trước tình cảnh đó, những người đứng đầu bản đã bàn bạc với nhau phải làm gì đó để thoát nghèo. Bàn đi tính lại, cuối cùng mọi người đã nhận ra vì sinh nhiều con, vì không chịu phát triển kinh tế mới sinh ra nghèo đói… Từ năm 2001 cả bản ra quy ước các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3.

Tuyên truyền dân số cho người dân bản Vi
Tuyên truyền dân số cho người dân bản Vi

Sau khi ra quy ước, bản Vi thành lập CLB “Không sinh con thứ 3”. Đến nay, CLB duy trì hoạt động với 46 cặp vợ chồng tham gia. Từ năm 2002 đến nay, bản Vi không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3. Việc một bản làng vùng cao thực hiện thành công KHHGĐ đã là một điều đáng ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên hơn hết đó là ý thức và sự tiến bộ trong tư tưởng của đồng bào miền núi. Những cặp vợ chồng có 2 con cả trai lẫn gái, họ không sinh con thứ 3 đã đành nhưng có rất nhiều cặp vợ chồng trong bản có con một bề vẫn không sinh con thứ 3. Hiện bản Vi có 10 cặp vợ chồng sinh con một bề, trong đó có 8 cặp sinh con gái, nhưng đến nay không có trường hợp nào sinh con thứ 3.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Vi Thị Nguyệt, một trong những gia đình sinh con một bề là gái, là thành viên tích cực của Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”. Chị cho biết: “Tham gia câu lạc bộ, được cán bộ dân số tuyên truyền, vận động, quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” từ lâu đã không còn trong nếp nghĩ của người Thái bản Vi. Tôi sinh toàn con gái nhưng không nặng nề bởi lẽ chỉ muốn nuôi con khỏe, ngoan, học giỏi và tập trung làm ăn kinh tế nâng cao đời sống cho gia đình...”.

Nói về công tác DS KHHGĐ, chị Vi Thị Lý cho hay: Theo quy ước của bản, những người là cán bộ trong bản, nếu vi phạm sẽ bị cắt danh hiệu thi đua cho dù ở các lĩnh vực khác họ đã hoàn thành xuất sắc. Hàng ngày, chúng tôi đi đến từng nhà để vận động các ông bố, bà mẹ, hướng dẫn họ cách dạy dỗ và chăm sóc con cái. Có những cụ già muốn con mình sinh thêm cháu trai, cũng không thích cái quy ước mà cả bản đặt ra nhưng nhờ quá trình tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, dần dần các cụ thông hiểu và thương con dâu hơn. Nhờ thực hiện thường xuyên, liên tục có hiệu quả cuộc vận động về DS/KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản, không những các cặp vợ chồng có điều kiện chăm sóc con cái tốt, không có cháu nào suy dinh dưỡng mà còn có thời gian tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Đến nay, bản Vi có 90% số hộ có nhà sàn lợp ngói và nhà xây kiên cố, là bản vùng cao nhưng thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/năm, hàng năm có trên 90% hộ đạt Gia đình Văn hoá.

Chia sẻ về kinh nghiệm và hiệu quả tuyên truyền dân số, chị Lý cho biết thêm: “Muốn vận động được các cặp vợ chồng thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch thì trước hết phải tạo dựng được sự thân mật, gần gũi với họ. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tổ chức ký cam kết hàng năm, đồng thời tuyên truyền, vận động chồng và gia đình nhà chồng nhằm xóa bỏ mặc cảm, quan niệm trai gái, để cùng nhau thực hiện kế hoạch hóa gia đình...”. Nhờ vậy, tỷ lệ người áp dụng các biện pháp tránh thai đã phát động trên 90%; tỷ lệ người chấp nhận biện pháp tránh thai trong bản đạt gần 80%; việc thực hiện chỉ tiêu hàng năm của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, mô hình bản không có người sinh con thứ 3 trở lên bền vững trong nhiều năm liền.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư bản Vi, ông Vi Thanh Hải tự hào cho biết: “Năm 2001, bản Vi là đơn vị đầu tiên của huyện miền núi Quỳ Hợp được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng Văn hóa. Là một bản người dân tộc Thái, chúng tôi vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Thái, đó là nghề dệt thổ cẩm. Điều đáng tự hào hơn, với thành tích 12 năm liên tục không có người sinh con thứ 3, bản Vi, xã Bắc Sơn được huyện đánh giá là bản điển hình trong việc chấp hành chính sách, pháp luật dân số”.

Bài, ảnh: Phạm Ngân

Mới nhất
x
Niềm tự hào của bản Vi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO