Niềm vui cây lúa

26/05/2015 14:40

(Baonghean) - Trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, cây lúa luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Hơn thế, nông dân nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển hướng phát triển trên đồng ruộng, đem lại giá trị mới cho cây lúa.

Nâng thu nhập từ sản xuất lúa giống

Ông Nguyễn Khắc Khiêm ở xóm 17, xã Phúc Thành (Yên Thành) có 10 năm sản xuất lúa giống, qua mỗi vụ, ông lại tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và đảm bảo chất lượng hạt giống. Ngoài áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ cấu giống mới phù hợp nhu cầu sản xuất, thì việc làm vệ sinh đồng ruộng, khử lúa lẫn rất quan trọng. Vụ xuân năm 2015, gia đình ông gieo cấy trên một mẫu, trong đó có 6 sào làm lúa giống đưa lại kết quả khả quan. Ông Khiêm chia sẻ: “Sản xuất giống hiệu quả thực tế cao gấp 1,5 lần thóc thịt, gia đình tôi năm nào cũng làm 6 sào giống, được HTX thu mua toàn bộ với giá phù hợp nên kinh tế gia đình càng ngày càng ổn định hơn”.

Cùng với gia đình ông Khiêm, phong trào sản xuất lúa giống đã được nhiều hộ trên địa bàn xã Phúc Thành tham gia đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu xóm 14, có hơn 30 hộ tham gia sản xuất lúa giống trên cánh đồng Lốc với diện tích 7 ha nếp nguyên chủng N87. Trước khi vào vụ sản xuất nông dân được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ 50% giá giống ban đầu, 100% thuốc bảo vệ thực vật khi có sâu bệnh và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá lúa giống lại cao gấp 1,5 lần lúa thương phẩm nên nông dân rất phấn khởi. UBND xã Phúc Thành đã đứng ra ký hợp đồng với các công ty cung ứng giống cây sản xuất lúa giống. Riêng vụ xuân 2015, xã đưa vào sản xuất trên 65 ha lúa giống, với 450 hộ tham gia. Trong đó gồm 35 ha giống lúa nếp N87, đạt năng suất 65 tạ/ha; gần 30 ha giống lúa Trân Châu hương, Thiên ưu 8 năng suất đạt 60 ta/ha; và 2 ha giống lúa lai F1 đạt năng suất 30 tạ/ha.

Thu hoạch lúa xuân ở Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Thu hoạch lúa xuân ở Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Để đảm bảo cho bà con sản xuất thành công, UBND xã giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đảm nhiệm các khâu giống, vật tư và đầu ra cho bà con nông dân. Đặc biệt, sau khi xã thực hiện dồn điền, đổi thửa, bà con nông dân được sản xuất trên diện tích đất liền vùng, liền thửa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ khâu giống, vật tư phân bón, đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như công tác quản lý đồng ruộng. Từ các khâu đó tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, khoa học, giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường, vừa tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Nhiều hộ nông dân có điều kiện về đất đai, tâm huyết với nghề nông cùng nhau hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tích cực đầu tư nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Hiện xã Phúc Thành là địa phương dẫn đầu huyện thực hiện thành công việc sản xuất giống lúa lai F1 đạt kết quả tốt, được Bộ NN&PTNT đánh giá cao, với năng suất bình quân đạt 1,5 tạ /sào. Mặc dù sản suất giống lúa lai F1 phức tạp và phải thực hiện nhiều công đoạn nghiêm ngặt trong kỹ thuật thâm canh, nhưng giá trị kinh tế lại cao gấp 5 - 6 lần so với giá lúa thường.

Phát huy lợi thế đó, hiện nay với sự hỗ trợ của chương trình cạnh tranh phát triển nông nghiệp, nông thôn, xã đầu tư thêm 5 máy cày đa chức năng, 1 máy gặt đập liên hoàn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, sân phơi, nhằm phục vụ cho việc sản xuất các loại lúa giống đạt chất lượng cao. Cùng đó, xã tập trung liên kết, làm tốt vai trò cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ lúa giống để tạo sự ổn định, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Anh Tuấn - Hồng Hạnh

(Đài Yên Thành)

Xây dựng thương hiệu gạo thơm đặc sản

Đối với huyện vùng cao biên giới Quế Phong, điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt, huyện đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam khảo nghiệm thành công giống lúa Japonica cho năng suất, chất lượng cao và hướng tới xây dựng thương hiệu gạo thơm đặc sản.

Qua 4 năm tổ chức thực hiện, giống lúa Japonica đã khẳng định khả năng chịu lạnh, phù hợp với thời tiết ở Quế Phong. Khả năng chống chịu các loại sâu bệnh đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ tốt hơn các loại giống lúa khác. Bên cạnh đó giống lúa này có thể trồng cả 2 vụ chính, năng suất bình quân đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Chất lượng gạo thơm ngon, khi nấu cơm không bị nát, để nguội không bị khô cứng. Giá thương phẩm được thu mua cao gấp đôi so với các giống lúa thuần, giống lúa cao sản khác tại địa phương.

Được mùa lúa (Châu Kim, Quế Phong). Ảnh: P.B
Được mùa lúa (Châu Kim, Quế Phong). Ảnh: P.B

Rất nhiều gia đình ở các xã Mường Nọc, Tri Lễ, Châu Kim và Tiền Phong đã chuyển sang trồng lúa Japonica, nâng tổng số diện tích giống lúa này lên 300 ha trong vụ xuân 2015. Để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất lúa gạo, huyện Quế Phong xây dựng đề án phát triển thương hiệu gạo thơm đặc sản. Trong thời gian đầu, người nông dân được hỗ trợ 100% giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất, tỷ lệ sẽ giảm dần ở những năm tiếp theo; đồng thời huyện đưa sản phẩm gạo tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ và được khách hàng đánh giá rất cao. Ông Lang Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xây dựng thương hiệu lúa gạo đặc sản mang tính vùng, miền, bước đầu đã tạo được môi trường tích cực, nâng cao kỹ năng sản xuất cho người nông dân, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ từ vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ, làm đất; sử dụng cùng một loại giống lúa được xác nhận đạt chất lượng; tuân thủ thời vụ xuống giống, chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa…

Đến nay, đồng bào vùng cao Quế Phong đã rút ngắn chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất. Điều đó chứng minh khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất của nông dân, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa tập trung, nâng ưu thế cạnh tranh trong sản xuất. Từ đó mở ra cơ hội mới, giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từng bước phát triển bền vững.

Vân Thanh

(Đài Quế Phong)

Mới nhất
x
Niềm vui cây lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO