Niềm vui của một bưu tá
(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, người dân xã Thạch Giám (Tương Dương) đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông gần 60 tuổi đi chiếc xe máy chở chồng thư- báo suốt ngày rong ruổi khắp các bản làng. Không kể nắng hay mưa, có những khi đường bị sạt lở và ngập lũ, ông vẫn cần mẫn với công việc của mình. Người chúng tôi đang nói tới là ông La Hồng Muôn (1958) ở bản Mác, là người bưu tá được đánh giá tận tụy và trách nhiệm với công việc.
Ông La Hồng Muôn vượt cầu bản Lau (xã Thạch Giám- Tương Dương) để mang thông tin đến với bà con nhân dân |
Thời trẻ, La Hồng Muôn từng là một cán bộ Đoàn nhiệt tình, gương mẫu và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào thanh niên xã Thạch Giám. Sau đó, ông chuyển sang làm cán bộ chính sách, rồi cán bộ Hội Nông dân xã nên có điều kiện tiếp xúc và nắm bắt được nhu cầu tiếp nhận thông tin của bà con nhân dân. Từ năm 2001, ông Muôn xin làm bưu tá của xã, nhiệm vụ hàng ngày là lên bưu điện trung tâm huyện nhận báo chí, công văn, thư từ rồi chuyển về các đơn vị, tổ chức và bà con dân bản. Từ đó đến nay, ngày nào ông cũng cần mẫn với công việc của mình. Vai khoác chiếc túi đựng công văn và bì thư, sau xe buộc một chồng báo lớn, cứ thế trong ngày đi hết toàn bộ 9 bản trong xã.
Xã Thạch Giám tuy nằm gần trung tâm huyện nhưng diện tích rộng, các bản lại nằm rải rác, các bản ở xa địa hình phức tạp nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong những ngày mưa lũ. Trước đây, khi chưa có cầu bản Lau bắc qua sông Lam, người dân bản Chắn, bản Mác, bản Lau và bản Nhẫn phải đi lại bằng thuyền. Ông Muôn cũng vậy, hàng ngày đều đặn qua lại trên sông để chuyển những thông tin cần thiết đến với mọi người. Giờ đây, việc đi lại đã thuận tiện hơn nhưng không thể nói là đã hết vất vả, nhất là đường đến bản Khe Chi và sang bản Nhẫn vẫn còn khó khăn, mùa mưa lũ nước thường dâng cao và gây sạt lở.
Ông La Hồng Muôn (trái) giao báo cho người dân. |
Ông La Hồng Muôn chia sẻ: “Làm bưu tá khá vất vả, nhất là những ngày mưa to, nắng gắt nhưng tôi vẫn thấy thực sự thoải mái, vui vẻ. Bởi công việc hàng ngày của mình là đem đến những thông tin mới và đem cả niềm vui đến với mọi người. Hơn nữa, hàng ngày đi đến các bản, tôi cũng có được những niềm vui, đó là được gặp gỡ, giao lưu với bà con, anh em, bạn bè và được tiếp nhận, chia sẻ những thông tin mới”. Ông Muôn cho biết thêm, các loại công văn, thư và báo ông đều cố gắng đưa hết trong ngày, vì đối với thông tin càng đến sớm càng có giá trị. Nhất là đối với đội ngũ cán bộ như Bí thư chi bộ, trưởng bản và người có uy tín ở các bản làng, ngày hàng luôn trông chờ tin tức từ báo chí. Có những già làng ở bản xa, chờ đến lúc cuối buổi chiều vẫn chưa nhận được báo trong ngày liền nhờ con cháu gọi điện hỏi. Dù đang bận rộn, hoặc trời đang mưa lớn ông Muôn vẫn hứa sẽ đưa báo đến được trong ngày. Nhìn thấy họ nhận lấy tờ báo, vội tìm chiếc kính rồi bật điện lên đọc, ông thấy lòng mình vui hẳn lên, quên đi những vất vả khi phải đi đường trong lúc mưa gió hay trong buổi chiều muộn.
Trước đây, có một thời gian ông được điều động chuyển công văn, giấy tờ và thư, báo lên các xã vùng dọc sông Nậm Nơn (nay là vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ), mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 2 - 3 ngày trời. Vừa đi thuyền máy, vừa cuốc bộ, tối đến ngủ nhờ nhà dân, ông La Hồng Muôn vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm của ông được các cấp chính quyền và ngành Bưu điện ghi nhận bằng nhiều giấy khen, đó chính là sự động viên, khích lệ đối với những người lặng lẽ đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển văn hóa - thông tin.
Được biết, khoản phụ cấp dành cho bưu tá còn khiên tốn, hiện tại khoảng hơn 1 triệu đồng, đối với vùng miền núi có thể không đủ chi phí xăng xe nhưng ông La Hồng Muôn vẫn quyết định gắn bó lâu dài. Bởi lẽ, với ông đó không còn đơn thuần là công việc mà còn là niềm vui, sự tâm huyết.
Công Kiên