Niềm vui nhân lên mỗi ngày...
(Baonghean) - Tôi còn nhớ, khi đang còn là biên tập viên của báo, mỗi sáng lên tòa soạn làm việc, tôi thường bắt gặp hình ảnh một vài bác cao tuổi đứng xem báo Nghệ An treo trước bảng tin. Có hôm, một bác ngần ngại hỏi tôi: "Cô ơi, tôi muốn mua báo thì mua ở đâu?". Hồi đó, Báo Nghệ An chưa có bán ở các bưu điện. Tôi biếu bác tờ báo của mình, bác cảm ơn và giải thích: "Tôi thấy có một bài báo hay quá, muốn lưu lại cô ạ. Ngày nào tôi và mấy ông bạn già cũng qua đây, đọc báo ngay sau khi người của tòa soạn treo lên bảng tin. Mình là người Nghệ, sống trên đất Nghệ phải đọc tờ báo của địa phương mình chứ." Lời nói giản dị ấy, đã khiến cả một ngày tôi làm việc phấn chấn hơn.
Đôi khi, có những bạn đọc, cộng tác viên tìm xuống tận tòa soạn. Họ mang theo một quãng đường xa, khi thì quả bưởi, quả ổi được hái trong vườn nhà, khi thì chục bánh đa quê để sẻ chia với anh chị em trong tòa soạn, thay cho một lời cảm ơn, lời động viên, tin tưởng. Cũng không ít lần, tôi nhận được những bài viết, những bức thư đầy tâm huyết. Có những bức thư mà nét chữ run run, người viết đã cao tuổi, phải đi bộ mấy cây số từ một bản vùng sâu ra bưu điện để tận tay gửi cho Báo Nghệ An. Bác ấy viết: "Tin ở tờ báo tỉnh nhà, tôi viết bài báo nhỏ này mong được đăng lên để giúp cho bà con vùng cao quê tôi bớt cái khổ". Cũng từ rất nhiều bài báo như vậy đăng trên Báo Nghệ An, những con đường, những cây cầu đã được xây dựng, những mô hình mới được triển khai, nhân rộng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhiều số phận được giúp đỡ, nhiều nỗi oan ức được giãi bày, nhiều niềm tin, sự công bằng trở lại.
Một cộng tác viên, một bạn đọc trung thành của báo mà tôi nhớ mãi, đó là bác Võ Văn Vinh ở Thị trấn Đô Lương. Không ít lần, "người thợ cày" ấy khiến chúng tôi nghẹn lời khi tìm đến tòa soạn với mái tóc bạc sương, đôi chân tập tễnh, chiếc xe cà tàng và chiếc ba lô lấm bụi đường xa chỉ để gửi một bài báo, một tấm ảnh sau chuyến lặn lội ở các bản làng vùng sâu.
Độc giả vùng cao với báo Nghệ An. Ảnh: Cao Duy Thái
Tôi được nghe kể, khi báo Nghệ An đến với bộ đội Trường Sa, các chiến sỹ nhà giàn, có anh lính đã khóc vì cảm giác như gặp lại cả quê hương trên đôi tay mình. Trong một cuộc điện thoại với nhân vật một bài viết- Thiếu tá Trang Hải Âu- Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1- Phúc Tần, tôi được anh nhắn gửi: Nhờ phóng viên chuyển lời của anh em đồng hương ngoài này, cảm ơn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, cảm ơn Báo Nghệ An, đã là nguồn động viên rất lớn đối với cán bộ và chiến sỹ nơi đảo xa. Và nếu được, nhờ báo hãy nhắc tên những đồng đội - đồng hương... để cha mẹ, vợ con những người lính đọc tờ báo tỉnh nhà, biết được rằng chúng tôi ở đây vẫn vững vàng tay súng, và luôn có cả quê hương, dân tộc đứng bên mình.
Không ít lần, trong những chuyến đi, được thấy, được nghe bà con kể về nỗi háo hức đón chờ tờ báo của mình, hỏi thăm từng tác giả, phóng viên, nhận xét từng bài viết lại thấy mình dường như vẫn còn mắc nợ. Mắc nợ vì những dòng viết vội, mắc nợ vì sự thiếu trở trăn, mắc nợ vì đi chưa đủ, hiểu chưa thấu hết những điều mong mỏi của bạn đọc. Nhưng cũng có không ít niềm vui đến thật giản dị, bất ngờ. Như câu chuyện người hát rong mù trong một bài viết đã tìm được nhiều tấm lòng chia sẻ, giúp đỡ. Hay Pu Đên - ngôi đền cổ ở Mường Choọng đang được phục dựng như mong mỏi của bà con Châu Lý. Như người phụ nữ nhiễm HIV đã tìm thấy niềm hạnh phúc sau bao nhiêu bất hạnh dồn đuổi...
Và tôi tin, mỗi cán bộ, phóng viên trong Tòa soạn Báo Nghệ An, cũng có những kỷ niệm, những niềm vui riêng mình như thế. Để mỗi lần đến với cơ sở, cánh phóng viên chúng tôi thường có thầm một niềm tự hào: là phóng viên báo Đảng, tờ báo của tỉnh nhà. Sự đón tiếp ân cần, cởi mở, gần gũi của cán bộ và nhân dân đã tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh, sự cố gắng. Những góp ý thẳng thắn, chân thành khiến mỗi người trăn trở. Nhiều người đã từng nói: Báo Nghệ An "lành" chứ chưa "mạnh". Điều ấy đã thôi thúc sự làm mới mình, và những gì làm được của ngày hôm nay, chưa thực sự như mong muốn nhưng cũng luôn nhận được những động viên, ghi nhận: Tờ báo đã "đẹp hơn, phong phú hơn, đã tiên phong đấu tranh với nhiều mặt tiêu cực, thiết thực hơn với mỗi người dân" (nhận xét của bác Hà Văn Tải- TP. Vinh).
Sẽ còn nhiều điều để nói về những dấu ấn của báo Nghệ An trong cuộc sống, trong lòng bạn đọc. Nhưng tôi chỉ xin được kể về một hình ảnh cảm động thế này mà tôi đã gặp ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Đó là hình ảnh của 3 người đàn ông, 3 cộng tác viên trung thành của báo, 10 giờ sáng thứ Bảy nào cũng hẹn nhau ở Bưu điện huyện để xem tờ "Nghệ An cuối tuần". Ngày nắng cũng như mưa, mùa Đông cũng như mùa Hè, Bưu điện huyện là điểm gặp gỡ của Cao Duy Thái, Thái Tâm và Võ Ngọc Sơn. Cao Duy Thái còn trẻ, nhưng Thái Tâm và Võ Ngọc Sơn đều ở tuổi đã lên lão, niềm đam mê viết báo cộng với tình cảm với Báo Nghệ An đã xóa mờ khoảng cách giữa họ. Sở dĩ họ phải có mặt ở bưu điện vào quãng thời gian ấy vì lúc này "Nghệ An cuối tuần" mới về. Đọc và lấy báo xong, câu chuyện giữa họ, bên tách cà phê, xoay quanh những bài báo. Họ bàn nhau viết thế nào cho hay, cho trúng và quả thật mỗi người đều đã chắc tay viết hơn sau mỗi lần "sinh hoạt" như thế. Cũng cần nói thêm rằng, nhà của anh Cao Duy Thái ở tận Châu Lý, cách Trung tâm huyện 15 cây số. Thế mới biết, để giữ được thói quen ấy, phải có những cố gắng thế nào, phải giữ được niềm tin, tình yêu với tờ báo ra sao. Anh tâm sự: "Mấy anh em chúng tôi thường nói với nhau, mình phải cố gắng vì niềm tin của người dân, niềm tin của anh chị em trong tòa soạn. Mỗi bài viết hay, viết trúng đều đã trở thành niềm vui chung của anh em và cả gia đình suốt một tuần".
Cũng như vậy, đối với mỗi phóng viên Báo Nghệ An, viết không chỉ là công việc, là trách nhiệm mà đã trở thành niềm vui nhân lên, sự đền đáp cho những bạn đọc đã yêu mến, tin tưởng và mong chờ tờ báo mỗi ngày.
T. V