Niềm vui ở một mái trường
(Baonghean) - Chúng tôi ghé thăm Trường THCS Hội - Nga (huyện Quỳ Châu) vào lúc các thầy cô đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối cho học sinh và hướng dẫn các em chăm sóc, tưới tắm vườn rau. Tiếng kẻng vang lên, các em tập trung đến nhà bếp bê cơm, thức ăn soạn ra những dãy bàn xếp sẵn, bữa tối thật vui vẻ, ngon lành...
(Baonghean) - Chúng tôi ghé thăm Trường THCS Hội - Nga (huyện Quỳ Châu) vào lúc các thầy cô đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối cho học sinh và hướng dẫn các em chăm sóc, tưới tắm vườn rau. Tiếng kẻng vang lên, các em tập trung đến nhà bếp bê cơm, thức ăn soạn ra những dãy bàn xếp sẵn, bữa tối thật vui vẻ, ngon lành...
Dẫn khách đi tham quan nhà bếp, nhà ăn và vườn rau, cô giáo Hoàng Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để có được bữa cơm như thế cho các em tưởng đơn giản nhưng thực sự là một nỗ lực lớn của tập thể giáo viên, thể hiện tấm lòng yêu thương và sự quan tâm con trẻ. Bởi lẽ, điều kiện kinh tế - xã hội ở đây cách xa miền xuôi, việc vận động con em đến trường và ăn ở bán trú không phải là chuyện dễ dàng”. Theo lời cô Nguyệt, trước đây Trường THCS Hội - Nga, gồm 2 điểm trường ở 2 xã Châu Hội và Châu Nga, nằm cách nhau hơn 10km. Điều này đã gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục cũng như bố trí đi lại của giáo viên. Đặc biệt, Châu Nga là xã vùng sâu, vùng xa nên gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, các em học sinh phải gánh chịu thiệt thòi.
Học sinh Trường THCS Hội - Nga (Quỳ Châu) chăm sóc vườn rau. |
Trước tình hình đó, nhà trường đã bàn bạc và đi đến thống nhất việc thực hiện chế độ bán trú, nhập 2 điểm trường về tại điểm xã Châu Hội. Kế hoạch này lúc đầu gặp không ít khó khăn, vì hầu hết phụ huynh của xã Châu Nga không đồng ý, sáp nhập về Châu Hội có nghĩa là học sinh xã Châu Nga phải vượt chặng đường hơn 10km để đến trường. Trong khi đó, phần lớn học sinh đều còn nhỏ, bố mẹ không yên tâm khi để con em mình tự đi về trên đoạn đường vất vả, đặc biệt là mùa mưa lũ. Cán bộ, giáo viên của trường nhiều lần gặp lãnh đạo xã Châu Nga và các già làng, trưởng bản để phối hợp triển khai vận động. Không ít giáo viên đã đi đến từng nhà, gặp gỡ phụ huynh có con em đang theo học để vận động. Điều quan trọng là giúp bà con nhận thức được sự đúng đắn của chủ trương nhập 2 điểm trường, học sinh Châu Nga sẽ được học và sinh hoạt tập trung, có cơ hội giao lưu, học hỏi để nâng cao các kỹ năng, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Việc đưa đón học sinh, nếu gia đình nào khó khăn, hàng tuần nhà trường sẽ giúp bằng cách bố trí giáo viên đưa đi, đón về.
Khi hiểu được “cái lý” của thầy cô, người dân Châu Nga liền đồng ý. Vậy là, từ năm học 2013 - 2014, Trường THCS Hội - Nga chính thức sáp nhập 2 điểm trường, tập trung về điểm Châu Hội. Việc đầu tiên của nhà trường là sắp xếp, bố trí nơi ăn, chốn ở cho những em ở xa. Tiếp đến là lo khoản kinh phí để mua giường nằm, bàn ăn, xoong nồi, bát đĩa... Số tiền Nhà nước trợ cấp cho học sinh bán trú còn hạn chế, lại không có biên chế cấp dưỡng và quản sinh nên nhà trường phải cắt cử giáo viên thay phiên nhau nấu ăn cho các em. Ban đêm, lại thay phiên nhau trực, hướng dẫn các em lên lớp học bài và nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Cuối tuần, những em ở Châu Nga có nhu cầu về thăm gia đình nhưng bố mẹ không có phương tiện ra đón, các thầy cô sẵn sàng chở về tận nhà, đầu tuần lại vào tận nơi đón trở lại trường.
Việc nhập 2 điểm trường, tạo điều kiện cho học sinh được học tập và sinh hoạt tập trung đã góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Khả năng tiếp nhận tri thức của học sinh cũng ngày một tiến bộ rõ rệt, chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn ngày một nâng lên. Trước đây, xã Châu Nga chưa hề có học sinh giỏi cấp huyện ở bậc THCS, đến năm học 2013 - 2014, đã có tới 10 em được công nhận danh hiệu này. Cán bộ và nhân dân xã Châu Nga thực sự vui mừng, phấn khởi và tự hào.
Bài, ảnh: CÔNG KIÊN