Nợ đọng BHXH, BHYT: Trách nhiệm thuộc về ai?

13/07/2014 16:52

(Baonghean.vn) - Những năm qua, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp ở Nghệ An đối với người lao động diễn ra ngày càng nghiêm trọng và trở thành bệnh “mãn tính”: danh sách doanh nghiệp nợ ngày càng kéo dài, số nợ đọng năm sau cao hơn năm trước. Theo thống kê, Nghệ An là một trong 10 tỉnh thành có tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm cao nhất cả nước.

Chính sách an sinh nhân văn

Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách tốt đẹp, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, góp phần đảm bảo cho người dân cũng như người lao động từ khi mới sinh ra cho đến khi đi làm và khi hết tuổi lao động ổn định cuộc sống lâu dài; góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, chính sách BHXH và BHYT được thể chế hoá bằng hai luật là: Luật BHXH và Luật BHYT. Xét về mặt bản chất: BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện, BHYT là hình thức bảo hiểm mang tính cộng đồng chia sẻ sâu sắc được áp dụng trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho mọi người, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT...

Người dân làm thủ tục BHYT tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Ảnh: trần hải
Người dân làm thủ tục BHYT tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Ảnh: trần hải

Chính sách BHXH, BHYT hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản "đóng - hưởng" được hình thành và phát triển, tạo ra bước đột phá quan trọng về sự bình đẳng của người lao động về chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, mức đóng BHXH hằng tháng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) được tính theo mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và tỷ lệ đóng được quy định rõ theo từng năm. Ví dụ, đối với đối tượng tham gia đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN) bắt buộc, kể từ tháng 1/2014 trở đi, mức đóng BHXH bằng 26% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 18%. Mức đóng BHYT bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%. Mức đóng BHTN bằng 2% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% ; đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thì từ tháng 1/2014, mức đóng bằng 22% mức thu nhập tháng.

Công ty cổ phần Vận tải công nghiệp tàu thủy Nghệ An Vinashin -  đơn vị nợ tiền BHXH lớn. Ảnh: Trần Hải
Công ty cổ phần Vận tải công nghiệp tàu thủy Nghệ An Vinashin - đơn vị nợ tiền BHXH lớn. Ảnh: Trần Hải

Việc tham gia đóng BHXH, BHYT giúp cho NSDLĐ bớt những khó khăn, lo lắng về nguồn lao động của doanh nghiệp, yên tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh; còn NLĐ, khi tham gia đóng BHXH từ 20 năm trở lên khi hết tuổi lao động hoặc mất sức lao động thì được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng. Người lao động tham gia BHXH, BHYT có quyền lợi khi ốm đau sẽ được khám, chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí; được nhận tiền trợ cấp ốm đau do không làm việc được, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản được nghỉ khám thai, được nghỉ vì sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con và trợ cấp thai sản; khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra. Ngoài ra, người lao động còn được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật nhằm nâng cao thể lực. Khi người lao động mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc gửi đi học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới.

Nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài

Quỹ BHXH, BHYT hiện đang được báo động có nguy cơ đổ vỡ trong tương lai gần do mất cân đối thu - chi. Sự tồn vong của quỹ bị uy hiếp từ tình trạng nợ đọng BHYT, BHXH kéo dài, với việc các doanh nghiệp, NSDLĐ chây ì, trốn tránh việc đóng BHXH, BHYT cho NLĐ... Riêng tại Nghệ An, tính đến ngày 31/5/2014, trên địa bàn có 659 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên 3 tháng với số tiền 106 tỷ đồng, trong đó có 192 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội trên 6 tháng là 75,3 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, như: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 24 nợ bảo hiểm với thời gian 44 tháng, với số tiền nợ là trên 11,4 tỷ đồng; Tổng Công ty xây lắp dầu khí Nghệ An nợ bảo hiểm với thời gian nợ là 30 tháng, với số tiền gần 8,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Nạo vét và xây dựng đường biển 2 nợ 71 tháng, với số tiền trên 5,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại 423 nợ trên 2,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng 16 Vinaconex nợ 21 tháng, với số tiền trên 4,4 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vận tải công nghiệp tàu thủy Nghệ An Vinashin nợ trên 7,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Dầu khí Anh Sơn nợ trên 4,7 tỷ đồng.

Lý giải cho vấn đề trên, ông Ngô Ngọc Thanh, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh giải thích: Về khách quan, đó là tình trạng suy thoái kinh tế chung đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ không có khả năng nộp; về chủ quan, có nhiều công ty xây dựng chưa thu hồi được vốn bỏ ra làm công trình, nhiều đơn vị nông, lâm, ngư nghiệp thất thu do ảnh hưởng thời tiết. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp cố tình dây dưa kéo dài việc đóng bảo hiểm xã hội. Số doanh nghiệp này có thể chia ra 3 loại: một là, doanh nghiệp có điều kiện đóng BHXH, BHYT cho NLĐ nhưng lại tận dụng nguồn này đưa vào sản xuất kinh doanh và chịu phạt chậm nộp vì mức phạt, mức tính lãi còn thấp hơn lãi vay ngân hàng; hai là, doanh nghiệp chỉ đóng một phần rồi tiếp tục chây ì, trốn, nợ đọng; loại thứ ba là doanh nghiệp đã thu của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình. Và sâu xa hơn là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp kém, hầu hết chủ doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng người lao động là “tài sản” của doanh nghiệp mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh. Trong khi đó, chế tài xử lý còn quá nhẹ, phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe (sau rất nhiều lần kiến nghị mới được tăng từ tối đa 30 triệu đồng lên 75 triệu đồng); Luật pháp nước ta cũng chưa quy định vì nợ đóng BHXH, BHYT mà doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động; hệ thống chính sách BHXH, BHYT quy định chức năng thẩm quyền, trải qua nhiều thời kỳ nên thiếu tính đồng bộ, thậm chí chồng chéo; lực lượng mỏng, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trốn đóng bảo hiểm cũng còn nhiều nan giải.

Bảo hiểm xã hội tỉnh phải chịu trách nhiệm chính

Đại diện cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng, chây ì, trốn tránh nộp BHXH, BHYT là do NLĐ ở các doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật, cụ thể là Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật BHYT nên chưa ý thức được trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội... NLĐ kém hiểu biết, đó là một sự đáng trách song lời biện giải này cho thấy, NLĐ ở các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị hầu hết đều chưa được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chính sách BHXH, BHYT. Qua khảo sát thực tế, hầu hết NLĐ trong tỉnh hiện đang mù mờ về chính sách này, không biết rõ quyền lợi mình được hưởng và trách nhiệm đến đâu. Bên cạnh đó, cũng thấy rằng, Cơ quan BHXH chưa phối hợp tốt với các cơ quan thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương trong việc tuyên truyền các chính sách, Luật BHXH, BHYT đến người lao động. Nói như vậy, quyền lợi của NLĐ hiện nay vẫn đang phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của NSDLĐ, thủ trưởng các cơ quan đơn vị. Một khi quyền lợi NLĐ không được đảm bảo thì NLĐ vẫn bị bóc lột.

Bảo hiểm Xã hội là cơ quan được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài, số lượng lớn như hiện nay, phải khẳng định, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan này. Tình trạng nợ đọng, chây ì, trốn tránh sẽ không thể diễn ra nếu nợ BHXH, BHYT được phát hiện sớm thông qua sự giám sát của NLĐ. Có thể xem NLĐ như là khách hàng, đối tác của cơ quan Bảo hiểm xã hội khi họ đã được cơ quan này ký hợp đồng tham gia đóng, lập danh sách quản lý, hàng tháng có trách nhiệm đóng nhưng bản thân lại không hề biết số tiền đóng của mình đã được nhập về quỹ BHXH, BHYT hay chưa. Rõ ràng, NLĐ không hề được cơ quan bảo hiểm xã hội thông tin, phản hồi lại. Nếu NLĐ được cập nhật thông tin hàng tháng thì chắc chắn không xảy ra tình trạng đơn khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền lợi nhiều như thời gian qua. Phải chăng cơ quan bảo hiểm xã hội mới chỉ quan tâm đến việc “thu” chứ chưa quan tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ “chăm lo” trở lại cho NLĐ, chưa giao quyền giám sát cho NLĐ? Các thông báo nợ lâu nay mới chỉ được cơ quan bảo hiểm xã hội gửi đến các chủ doanh nghiệp, NSDLĐ. Trong khi đó, không riêng gì NSDLĐ mà NLĐ cũng phải thực hiện việc trích lương, thu nhập của mình để đóng BHXH, BHYT. Và ngay tại cơ quan Báo Nghệ An, chỉ đến khi kế toán đơn vị này phát hiện ra từ năm 2008 - 2014, một số nữ công nhân viên nghỉ chế độ thai sản vẫn phải đóng BHXH, BHYT mà không được hưởng chế độ nên đã làm thủ tục yêu cầu mới được cơ quan BHXH tỉnh chi trả lại 17 triệu đồng. Ví dụ điển hình này càng thêm chứng tỏ, cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa chủ động, chưa quan tâm thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ.

Là một cơ quan thực hiện chức năng đảm bảo an sinh xã hội nhưng mối liên kết giữa cơ quan bảo hiểm với người lao động hiện nay đang kém xa so với mối quan hệ giữa các ngân hàng nhà nước, tư nhân với khách hàng của mình. Bản chất việc đóng quỹ phòng rủi ro và đảm bảo lợi ích khác hẳn với việc gửi tiền sinh lời nhưng rõ ràng cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn chưa có một phương tiện thông tin liên lạc hai chiều tương tự như thẻ ATM gắn kết tin nhắn báo sự thay đổi tài khoản. Thiết nghĩ, việc tạo thông tin hai chiều đó là không khó với trình độ công nghệ kỹ thuật hiện nay. Dư luận đang đặt ra câu hỏi liên quan đến trình độ năng lực, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội đã làm hết mình chưa hay vẫn còn du di cho doanh nghiệp? Đặc biệt là sau khi để xảy ra sai sót cấp trùng 1 triệu thẻ bảo hiểm y tế trên cả nước (75.000 thẻ ở Nghệ An), gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT lớn như hiện nay cũng nên xem xét ở khả năng, năng lực “thu hồi nợ” của nhân viên bảo hiểm xã hội; các tổ thu hồi nợ chưa mạnh tay kiến nghị tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp; ngành Bảo hiểm xã hội chưa đảm bảo thu đúng, kịp thời...

Nâng cao năng lực, đạo đức công vụ

Nhằm thu hồi các khoản nợ này, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện các biện pháp như giao chỉ tiêu thu nợ cho cán bộ chuyên môn, cán bộ chuyên quản đến nắm tình hình, đôn đốc việc thu nợ; đồng thời phân công cán bộ chuyên quản thu thường xuyên kiểm tra, đối chiếu đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Hàng tháng thực hiện việc thông báo gửi nợ, tính lãi (15 ngày/lần) đến các doanh nghiệp. Cơ quan Bảo hiểm đã tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ thanh tra liên ngành thu nợ bảo hiểm xã hội, tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động nợ lớn; phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội một tháng 1 lần làm việc với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (từ đầu năm đến nay đã làm việc với 78 doanh nghiệp), chuyển danh sách đơn vị nợ đọng cho thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện xử phạt hành chính, ra quyết định trích tiền từ tài khoản ngân hàng chuyển sang quỹ bảo hiểm; phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ đối với những doanh nghiệp có tổ chức đảng; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh để nắm tình hình và tuyên truyền luật tới người lao động; phối hợp với các ban ngành gửi kiến nghị lên UBND tỉnh để UBND tỉnh thông báo ra các bộ, tổng công ty chủ quản có giải pháp thanh toán nợ; gửi thông báo về huyện ủy, UBND huyện, thành, thị nhờ các địa phương nhắc nhở... Và cuối cùng là khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm Xã hội (các công ty như Công ty cổ phần Nạo vét và xây dựng đường biển 2, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 24, Công ty cổ phần xây dựng cầu đường Nghệ An, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại 423, Công ty cổ phần Công nghiệp ô tô Trường Sơn đã bị Bảo hiểm Xã hội tỉnh gửi đơn kiện ra tòa và có quyết định thi hành án; Bảo hiểm Xã hội tỉnh đang tiếp tục làm thủ tục khởi kiện Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy Nghệ An Vinashin và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An).

Những nỗ lực đó đã thu lại một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục. Đó là, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách đóng theo bảng lương chứ không đóng theo doanh thu. Ngay cả biện pháp mạnh tay nhất là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa (khả năng thắng kiện 100%) cũng không phát huy hiệu quả do khả năng thu hồi nợ cũng rất thấp, thủ tục, hồ sơ khởi kiện phức tạp, quá trình thụ lý và xét xử chậm. Và dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội khó có thể xác định được số tài khoản cũng như tài sản của doanh nghiệp, không thể tự phong tỏa được số tài khoản ngân hàng, cũng như tài sản. Bên cạnh đó, việc phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp cũng không dễ dàng bởi động chạm đến lợi ích của các ngân hàng. Vì vậy, doanh nghiệp càng có thêm thời gian để rút tài khoản. Ở một số doanh nghiệp, các tài sản có giá trị cũng thường được thế chấp để vay ngân hàng...

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An kiến nghị Luật Bảo hiểm Xã hội và pháp luật hiện hành cần điều chỉnh mức lãi chậm đóng theo hướng cao hơn gấp nhiều lần lãi suất vay ngân hàng cùng kỳ; áp dụng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; xử lý hình sự hành vi của cá nhân người sử dụng lao động cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội hoặc đã trích tiền đóng của người lao động mà không đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội coi như đối tượng hình sự; tăng thêm quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội, có quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn, trao cho ngành Bảo hiểm xã hội quyền thanh tra ngành; bảo hiểm phải thiết kế thu như thuế, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội thì phải phá sản.

Để đòi được nợ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cần phải nhanh, kiên quyết và có kỹ năng. Trong khi chờ Luật sửa đổi thì cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp ngành và bản thân Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cần tập trung nhân lực trực tiếp xuống các đơn vị nợ đọng để đôn đốc, thu hồi nợ, nắm bắt tình hình và giúp đỡ các doanh nghiệp, phát hiện các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Quan trọng hơn, ngay từ bây giờ, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; thay đổi tư tưởng, tư duy, phương châm hoạt động bằng việc nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với NLĐ, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với NLĐ. Mỗi cán bộ bảo hiểm xã hội cần ý thức được rằng - lâu nay, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bắt buộc hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ. Hay nói cách khác, đây là tiền của người lao động được trích ra để “nuôi” bộ máy quản lý này; tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao kiến thức về chính sách pháp luật cho NLĐ, từ đó phát huy vai trò, ý thức tham gia, giám sát việc thực hiện BHXH, BHYT cho họ... Có như vậy, cơ quan BHXH mới tạo được lòng tin của NLĐ và nhân dân, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước được phát huy và đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng.

Thanh Sơn

Mới nhất
x
Nợ đọng BHXH, BHYT: Trách nhiệm thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO