Nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng bền vững ở Vườn Quốc gia Pù Mát

Lê Thanh 06/05/2020 06:29

(Baonghean) - Gắn bảo vệ với phát triển rừng đi đôi với bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm đang là nhiệm vụ quan trọng và cũng là những thành tích mà Vườn Quốc gia Pù Mát đã đạt được trong thời gian qua.

Gắn bảo vệ với phát triển rừng

Vườn Quốc gia Pù Mát thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 94.715,4 ha rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp du lịch sinh thái và các loại hình dịch vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn vùng đệm. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với quá trình xây dựng và phát triển của Vườn.

Sa mu dầu - cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Pù Mát.
Sa mu dầu - cây Di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Pù Mát.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu là phải bảo vệ ổn định vốn rừng được giao quản lý. Theo đó, Vườn Quốc gia Pù Mát đã tổ chức đồng bộ các giải pháp, biện pháp để quản lý, bảo vệ rừng và ngăn chặn các vụ việc vi phạm đến quản lý, bảo vệ rừng.

Thường xuyên thực hiện tuyên truyền trong nhân dân về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp); về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, hiểu biết pháp luật để hạn chế tác động vào rừng, hạn chế khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cùng đó tăng cường tổ chức truy quét, tuần tra rừng, theo dõi diễn biến rừng. Trong 5 năm qua đã tổ chức 2.497 đợt truy quét, tuần tra rừng (tăng 922 đợt so với nhiệm kỳ trước), phát hiện và xử lý hành chính, hình sự nhiều vụ việc vi phạm đến khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã. Các vi phạm được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Công an huyện Anh Sơn bàn giao động vật hoang dã cho Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: TL
Công an huyện Anh Sơn bàn giao động vật hoang dã cho Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: T.L

Song song với đó, Vườn Quốc gia Pù Mát đã tổ chức cho người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng hình thức giao khoán (từ năm 2015 - nay đã giao khoán 135.285 lượt ha rừng cho 4.711 lượt hộ gia đình, 100 nhóm hộ gia đình và các tổ chức có liên quan; tổng kinh phí đã chi trả là gần 38 tỷ đồng). Thông qua công tác khoán bảo vệ đã nâng cao một bước vai trò, trách nhiệm của người dân và mang lại hiệu quả tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua.

Thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, hàng năm, căn cứ vào kế hoạch kinh phí do UBND tỉnh giao, Vườn Quốc gia Pù Mát đã luôn quan tâm tới hỗ trợ cho các cộng đồng sinh sống trong vùng lõi, đặc biệt là đồng bào Đan Lai.

Tính từ năm 2016 cho đến nay, Vườn đã hỗ trợ cho 2 bản Cò Phạt và bản Búng để sửa chữa các công trình như đường nước sạch cho cộng đồng, vật liệu sửa chữa nhà văn hóa cộng đồng, bàn ghế… với số kinh phí là 240 triệu đồng. Thông qua việc hỗ trợ, Vườn cũng đã đề nghị ban quản lý thôn, bản tổ chức họp dân để cam kết không khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã theo đúng quy định.

Theo dõi động vật hoang dã sau khi thả về rừng bằng thiết bị thu sóng radio (trái) và Drone. Ảnh: TL
Theo dõi động vật hoang dã sau khi thả về rừng bằng thiết bị thu sóng radio (trái) và Drone. Ảnh: T.L

Ngoài việc thực hiện các chương trình bảo tồn, Vườn đã xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thái. Hiện tại, 4 mô hình do Vườn thiết kế tại bản Nưa (xã Yên Khê), Khe Rạn (xã Bồng Khê), Làng Xiềng (xã Môn Sơn) và Yên Thành (xã Lục Dạ) đã được chuyển giao để người dân chủ động thực hiện, thu hút được hàng vạn lượt du khách đến trải nghiệm dịch vụ, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng.

Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo. Qua đó, thu hút được sự tham gia của hầu hết các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đến thực hiện các chương trình tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Đặc biệt là các tổ chức: Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS).

Các tổ chức trên đã thực hiện nhiều chương trình điều tra, nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Vì vậy, đã tăng thêm lượt người vào nghiên cứu trong rừng, góp phần đảm bảo an ninh rừng và hạn chế khai thác, săn bắt động vật hoang dã.

Vườn Quốc gia Pù Mát ký kết hợp tác với Sở Nông lâm tỉnh Bolikhamxay (Lào). Ảnh: TL
Vườn Quốc gia Pù Mát ký kết hợp tác với Sở Nông lâm tỉnh Bôlykhămxay (Lào). Ảnh: T.L

Sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập

Vườn Quốc gia Pù Mát được thành lập nhằm bảo tồn hệ sinh thái thuộc kiểu rừng nhiệt đới vùng Bắc Trường Sơn; bảo tồn các loài động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng; tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn cho hệ thống sông Cả để phục vụ trực tiếp cho đời sống và sản xuất của cộng đồng dân cư trong khu vực; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo điều kiện để người dân bản địa có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế phục vụ cho mục đích bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...

Vườn Quốc gia Pù Mát là một trong những vườn quốc gia tiêu biểu của Việt Nam, có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm và chứa đựng nét văn hóa bản địa đặc sắc. Có sự đa dạng về sinh học với 2.494 loài của 202 họ đã được điều tra, định danh. Có 70 loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam. Về động vật, nơi đây là hệ sinh thái quan trọng để bảo vệ 132 loài thú, 361 loài chim, 55 loài bò sát, ếch, nhái và 1.084 loài côn trùng. Trong đó, có rất nhiều loài quý hiếm được ưu tiên bảo tồn.

Voi trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: TL
Voi trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: TL

Tuy vậy, hiện nay đơn vị cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Cụ thể, do diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp, trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị còn thiếu. Mặt khác, đa số các trạm quản lý, bảo vệ rừng nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc,... còn khó khăn; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công việc còn thiếu.

Việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), thực hiện Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là tất yếu khách quan phù hợp với yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay, vấn đề này đang được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ, nhưng lại tạo ra áp lực công việc rất lớn cho Vườn Quốc gia Pù Mát vì số lượng kiểm lâm viên tiếp tục giảm xuống.

Quá trình thực hiện Đề án “Bảo tồn và Phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” đang phát sinh một số tình huống mới, đặt ra những áp lực trong việc bảo vệ rừng cũng như nhu cầu về tư liệu sản xuất cho người dân phát triển kinh tế, hạn chế việc khai thác tài nguyên rừng đặc dụng bất hợp pháp như hiện nay.

Kiểm lâm tuần tra rừng; ứng dụng thiết bị định vị để xác định các khu vực rừng bị tác động; Cài đặt bẫy ảnh tự động trong VQG
Kiểm lâm tuần tra rừng; Ứng dụng thiết bị định vị để xác định các khu vực rừng bị tác động; Cài đặt bẫy ảnh tự động trong VQG.

Một trong những khó khăn nữa của Vườn Quốc gia Pù Mát là hoạt động du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được các nhà đầu tư để khai thác tiềm năng thế mạnh này...

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cũng như phát huy những giá trị vườn quốc gia mang lại cần có chế độ, chính sách tương xứng đối với cán bộ, những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên quý của Quốc gia.

Đi cùng với đó là cần tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao đời sống cho người dân hiện đang sinh sống trong vùng đệm, ngoài vùng đệm của vườn quốc gia; tiếp tục tăng cường công tác đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, khai thác các sản phẩm, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để góp phần bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn tài nguyên rừng. Cùng với các giải pháp trong quản lý, để khai thác bền vững, tiềm năng sẵn có của vườn quốc gia, một vấn đề hết sức quan trọng là cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị của rừng mang lại.

Rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: TL

Nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng bền vững ở Vườn Quốc gia Pù Mát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO