Nỗ lực của doanh nghiệp
(Baonghean) - Chúng tôi có mặt tại Cảng Cửa Lò khi ở cầu cảng số 3 và số 4 tàu công suất lớn của Trung Quốc, Hồng Kông đang cập cảng. Các cần cẩu hoạt động hết công suất bốc dỡ hàng.
Tàu Trung Quốc ăn hàng đá trắng, dăm gỗ. Còn tàu Taiping có công suất 8.000 tấn của Hồng Kông chở hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị. Trong tiếng ầm ào của máy móc, anh Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc hãng tàu container Nghệ An, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần XNK cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa - Nghệ An, Hà Tĩnh, tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Anh chia sẻ: Năm nay kinh tế suy giảm ảnh hưởng lớn đến xuất nhập khẩu của Nghệ An. Đặc thù ngành hàng Nghệ An chủ yếu là nông sản, lâm sản, khoáng sản, như tinh bột sắn, lạc nhân, gỗ dăm, đá CaCO3... Nghệ An “chịu” tác động của Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm cấm xuất nguyên liệu thô. Do đó, so với các năm trước xuất nguyên liệu thô số lượng hàng ít hơn nhưng lại có mặt hàng mới là nước mắm. Nhìn chung, sản phẩm thủy sản năm nay xuất khẩu khá tốt.
Dây chuyền sản xuất tinh bột sắn của Công ty CP Intimex Chi nhánh Nghệ An.
Ảnh: Trường Sinh
Anh Võ Minh Tuấn – Phó Phòng quản lý XNK (Sở Công thương) cho rằng, dù khó khăn, song các doanh nghiệp đã biết củng cố thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường mới, phát huy thế mạnh của những ngành hàng, lĩnh vực của địa phương để tăng kim ngạch xuất khẩu. Chẳng hạn, tại Công ty TNHH sản xuất bật lửa gas Trung Lai, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 triệu USD thì năm nay vươn lên đạt 2,4 triệu USD, tăng 40% so với năm ngoái. Đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất sang thị trường Mỹ, Đức..., tạo việc làm cho hơn 700 lao động.
Khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu biến động phức tạp, sức mua giảm mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác xuất nhập khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, cũng chính trong hoàn cảnh đó các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nỗ lực tạo kết quả khả quan. Nhờ nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng chủ động hội nhập quốc tế, nên hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tăng trưởng khá. Kết quả năm 2012, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 502 triệu USD, tăng 25,4% so với chỉ tiêu kế hoạch năm. Dăm gỗ tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, chủ lực với hơn 56 triệu USD; sắn và tinh bột sắn số lượng 120.000 tấn, kim ngạch đạt 50,5 triệu USD; đá các loại đạt 21,5 triệu USD, sản phẩm gỗ 6,8 triệu USD, gạo tẻ 6,6 triệu USD,.. Lĩnh vực dệt may với nhiều doanh nghiệp được đầu tư đi vào hoạt động hiện đã có hàng xuất khẩu với kim ngạch 7,8 triệu USD. Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu qua chế biến ngày càng tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến. Chỉ riêng kim ngạch của 5 nhóm hàng gồm dăm gỗ, sản phẩm sắn, đá các loại, vật liệu xây dựng, hàng thủy hải sản chế biến đạt gần 200 triệu USD, chiếm 71,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Cơ cấu thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO; tỷ trọng thị trường các nước ASEAN giảm, thay vào đó là các nước Trung cận Đông, EU, Hoa Kỳ…. tăng dần qua các năm. Mặc dù khó khăn, song năm nay số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng 14 doanh nghiệp so với năm 2011 (năm 2011 có 124 doanh nghiệp, năm 2013 là 138 doanh nghiệp).
Để phục vụ tốt cho công tác sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, Cảng Nghệ Tĩnh đã chú trọng đầu tư phương tiện, thiết bị. Đến nay, Cảng cơ bản hoàn thành các dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Cụ thể: đầu tư 1 cần cẩu chân đế 40 tấn, 1 cần cẩu thủy lực bánh xích 60 tấn, 1 máy xúc lật gàu 3m3, 2 hệ thống băng chuyền di động làm hàng bao, 2 bộ khung chụp bán tự động làm hàng container... Năm 2012, vượt qua khó khăn, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 2 triệu tấn, tăng 10%; doanh thu đạt 105 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Tuy nhiên, qua trao đổi, không ít doanh nghiệp cho biết, hiện nay hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là vấn đề luồng lạch cảng Cửa Lò. Theo ông Chen Wen Wei – Phó Giám đốc Công ty liên doanh trồng và chế biến nguyên liệu giấy xuất khẩu Nghệ An thì năm 2012 doanh nghiệp xuất 80 ngàn tấn dăm gỗ khô, đạt trên 9 triệu USD sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Với lĩnh vực này, nguyên liệu rừng trồng của tỉnh dồi dào, đảm bảo cho xuất khẩu, nhưng vận chuyển gặp khó khăn do Cảng Cửa Lò chỉ âm 4,3m (trong khi cảng nước sâu Nghi Sơn, Vũng Áng có luồng âm tới 11m) đủ cho tàu 6 ngàn tấn vào. "Nếu luồng âm sâu đảm bảo thì kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi không dừng lại ở 9 triệu mà đạt trên 12 triệu USD. Trong năm có đơn đặt hàng của Hàn Quốc, Nhật Bản với giá trị đơn hàng lớn hơn nhiều so với xuất sang Trung Quốc nhưng không làm được vì với độ âm sâu đó tàu lớn không thể vào ra, buộc phải vận chuyển bằng đường bộ vào Hà Tĩnh tốn chi phí rất lớn”.
Vì bất cập đó, nhiều khi để chờ nước lên, phải đợi cả ngày khiến cho việc giao nhận hàng chậm lại, các chi phí khác đội lên cao. Điều đó ảnh hưởng đến giá bán, giá mua và cuối cùng không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế của tỉnh mà chính người nông dân, công nhân lao động trực tiếp làm ra sản phẩm chịu thiệt thòi.
Năm 2012 khép lại với những dư vị khá tốt của công tác xuất nhập khẩu. Tuy vậy, nếu giải quyết những bất cập về cơ chế chính sách, một vài thủ tục còn rườm rà, đầu tư khơi thông luồng lạch... thì tin rằng kim ngạch sẽ không dừng lại ở con số 500 triệu USD, thu hút đầu tư cũng sẽ khởi sắc hơn...
Thu Huyền