Nỗ lực giảm nợ xấu

28/02/2014 14:25

(Baonghean) - Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nợ xấu là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Thời điểm đầu năm 2013, theo số liệu giám sát của NHNN Việt Nam công bố, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 7,8% trên tổng dư nợ, cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng là 4,08%. Trong khi đó, nợ xấu ở Nghệ An chỉ ở mức 1,1%.  Kết quả đó là nhờ NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp giảm nợ xấu, khơi thông dòng vốn.

(Baonghean) - Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nợ xấu là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Thời điểm đầu năm 2013, theo số liệu giám sát của NHNN Việt Nam công bố, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 7,8% trên tổng dư nợ, cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng là 4,08%. Trong khi đó, nợ xấu ở Nghệ An chỉ ở mức 1,1%. Kết quả đó là nhờ NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp giảm nợ xấu, khơi thông dòng vốn.

Để có giải pháp giảm nợ xấu, khơi thông dòng tín dụng đang bị “cục máu đông” làm ách tắc, ngày 31/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 843 phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”; ngày 23/8/2013 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 1805/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh Nghệ An kèm theo Quyết định số 5155/QĐ-UBND.TM ngày 1/11/2013, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan phối hợp xử lý nợ xấu đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước, tổ chức tín dụng và các bên có liên quan.

Giao dịch tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Nghệ An.
Giao dịch tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Nghệ An.

Để tiến hành xử lý nợ xấu, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành, như Tòa án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, các ngân hàng vẫn gặp một số khó khăn như: tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản trong thời điểm thị trường sụt giảm, khi tiến hành bán đấu giá không thành thì lần tiếp theo chỉ được giảm giá 10% nên thời gian xử lý kéo dài. Hay khi thực hiện theo trình tự tố tụng qua toà án, thời gian giải quyết tại các cơ quan toà án, thi hành án kéo dài trong nhiều tháng nên mất nhiều thời gian để xử lý tài sản đảm bảo.

Để xử lý nợ xấu hiệu quả, lãnh đạo Chi nhánh NHNN Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị chủ động thực hiện nghiêm túc các giải pháp trong ngành Ngân hàng như: tiến hành đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ, khoanh vùng các khoản nợ có khả năng quá hạn, lập các tổ thu hồi nợ kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng vốn của khách hàng. Các đơn vị đã tiến hành khởi kiện 224 khách hàng với số nợ gốc 593 tỷ đồng, nợ lãi 165 tỷ đồng, trong đó: 38 khách hàng, chiếm 19,8% số dư nợ gốc khởi kiện đã được xét xử và đã thi hành án; 57 khách hàng chiếm 29,4% số dư nợ gốc khởi kiện đã được xét xử nhưng chưa thi hành án; 129 khách hàng chiếm 50,8% số dư nợ gốc khởi kiện chưa được tòa xét xử. Đến thời điểm 31/12/2013, các đơn vị đã cơ cấu lại nợ cho 759 khách hàng với dư nợ cơ cấu lại là 2.239 tỷ đồng. Riêng trong quý 4/2013 đã có 9 đơn vị thu hồi nợ qua việc xử lý tài sản của 152 khách hàng với tổng dư nợ đã được xử lý là 150 tỷ đồng.

Kết quả trên cho thấy, việc giảm nợ xấu từ công tác thu nợ khách hàng và từ nguồn tài sản của khách hàng vẫn còn nhiều hạn chế mặc dù ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp và nỗ lực cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn. Ví dụ như việc hỗ trợ khách hàng bị rủi ro do thiên tai khoanh nợ, giãn nợ. Ngân hàng nhà nước cho biết: Đã thực hiện hỗ trợ các khách hàng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật thông qua các hình thức như cơ cấu nợ (dư nợ gốc được cơ cấu nợ là 9,5 tỷ đồng), miễn giảm lãi (dư nợ gốc được miễn giảm lãi là 6,6 tỷ đồng), khoanh nợ (dư nợ gốc được khoanh nợ là 2,4 tỷ đồng). Một số ngân hàng vẫn còn phải gánh nợ xấu do đang trong quá trình điều tra. Ví như Ngân hàng Eximbank bị nợ xấu đến nay chưa “gỡ” được do vướng vào vụ án “Công ty Đại Dương, Thái Bình Dương…”. Một số khác như Ngân hàng TMCP Công thương Nghệ An, NH TMCP Công thương Bến Thủy, NH ĐT và PT chi nhánh Phủ Quỳ, NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long Nghệ An, NH TMCP Bắc Á … vẫn còn nợ xấu và đang trong giai đoạn thi hành án.

Bên cạnh đó, năm 2013, có 7 tổ chức tín dụng, Chi nhánh TCTD có khách hàng vay vốn bị thiệt hại sau bão, lụt với tổng dư nợ bị thiệt hại là 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hộ dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do lũ lụt, thiên tai chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của các tổ chức tín dụng. Bà Nguyễn Thị Mai - Chủ doanh nghiệp Phương Mai - Quỳnh Dị trong đợt ngập lụt lớn đột ngột ở Hoàng Mai cuối năm 2013 đã thiệt hại nặng nề, mất trắng gần 100 tấn cá chưa chế biến và đã qua chế biến, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Mai cho biết: Bà mong được ngân hàng Đầu tư chi nhánh Hoàng Mai xem xét cho giảm nợ, khoanh nợ và giảm lãi để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi.

Ngoài cơ cấu lại nợ, các ngân hàng đã thực hiện miễn giảm lãi suất cho khách hàng vay có triển vọng tốt, hỗ trợ vốn đối với những khách hàng gặp khó khăn tạm thời nhưng có khả năng phục hồi và phát triển, thu hồi xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro… Các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, giảm chi phí tiền lương, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận, chi phí quản lý và các chi phí hoạt động khác, nhằm tiết giảm chi phí, để tập trung tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng với những nỗ lực mạnh mẽ của ngành Ngân hàng tỉnh Nghệ An, đến thời điểm 31/12/2013, nợ xấu trên địa bàn là 1.084 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng dư nợ, giảm 52,6% so với đầu năm. Một số đơn vị có tỷ lệ giảm nợ xấu đã giảm như NHTM CP Sài Gòn giảm 100% nợ xấu, NH TMCP Công Thương giảm được 18,6% so với 2012…

Ngoài ra, để có được kết quả đó, các ngân hàng trong hệ thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tích cực trích lập quỹ dự phòng. Đến 31/12/2013 đã trích lập được quỹ dự phòng rủi ro đạt 869 tỷ đồng, tăng 19,06% so với đầu năm, đồng thời sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro, với số tiền sử dụng là 664 tỷ đồng; có 3 đơn vị đã bán nợ cho VAMC với tổng nợ xấu được bán là 1.066 tỷ đồng (trong đó giá trị mà VAMC mua là 915 tỷ đồng). Trong năm, có 29/34 đơn vị ngân hàng trên địa bàn có tăng trưởng tín dụng dương (trong đó 7 đơn vị xin điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng), 5/34 đơn vị có tăng trưởng tín dụng âm. Một số đơn vị tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cao (>5%) như Eximbank Chi nhánh Vinh (14,7%), VPBank Chi nhánh Nghệ An (18,9%), SHB Chi nhánh Nghệ An (7%)...

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp giải quyết nợ xấu hiện nay, ông Cao Xuân Hợi - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho rằng: Từ tầm vĩ mô cho đến vi mô đều đã rất quan tâm đến vấn đề giải quyết nợ xấu. Ở tầm vĩ mô: Ngân hàng Nhà nước đã khống chế ngay tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, thực hiện phòng bệnh là chính, bởi khi nền kinh tế chưa hấp thu được lượng vốn lớn mà lại “bơm” vào thì nó sẽ “trào ra”. Nợ xấu trước đây tăng cũng là do tăng trưởng tín dụng quá nóng (thời kỳ từ năm 2000 - 2010 tăng trưởng tín dụng bình quân 29%/năm), đến 2011, 2012 tăng trưởng tín dụng chỉ còn ở mức 11%/năm. Chi nhánh NHNN Nghệ An sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấm dứt tình trạng cho vay “lòng vòng”, cho vay không đúng mục đích, đồng thời hợp tác với các cơ quan chức năng như Tòa án, Thi hành án, các công ty mua bán nợ để giải quyết nợ xấu, làm lành mạnh và khơi thông dòng vốn cho các ngân hàng và cả chính khách hàng. Từng ngân hàng cũng có các giải pháp riêng và thường xuyên báo cáo cho NHNN biết. Ông Cao Xuân Hợi cũng cho biết thêm: Hiện nay ngành Ngân hàng không thiếu vốn chỉ có điều rất thiếu các dự án hiệu quả, có tính khả thi để cho vay.

Ông Thái Văn Hằng - Ủy viên BTV - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Mặc dù nợ xấu chung toàn địa bàn không cao (dưới 2%) nhưng cá biệt vẫn có một số đơn vị nợ xấu còn cao và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, vì vậy một nhiệm vụ mà các TCTD cần quan tâm bên cạnh việc hỗ trợ chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và hộ dân là tập trung nỗ lực cho công tác nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu để giảm nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Năm 2014, để xử lý nợ xấu tốt hơn, các bộ, ngành, ngân hàng cần sớm ban hành quy định về xử lý tài sản đảm bảo không qua toà án để giảm thời gian xử lý nợ xấu cho các TCTD. UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với ngành Ngân hàng thực hiện quyết liệt hơn Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của TCTD” và Đề án “Thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” của UBND tỉnh đã phê duyệt; các tổ chức tín dụng và chi nhánh tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ, đồng thời tiết giảm chi phí tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, của ngành và của UBND tỉnh để giảm nợ xấu trên địa bàn xuống mức thấp nhất đảm bảo an toàn và phát triển của hệ thống.

Cũng như cả nước, nợ xấu trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu thuộc vào các lĩnh vực như xây dựng chiếm 40,88%; Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, nghệ thuật và vui chơi giải trí chiếm 18,11%; thương mại chiếm 11,72%; khai thác khoáng sản chiếm 5,35%; sản xuất may móc thiết bị, phương tiện vận tải chiếm 3,78%, vận tải kho bãi chiếm 3,02%. Kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng, ế ẩm, thắt chặt đầu tư công... là những nguyên nhân khiến cho nợ xấu phát sinh.

Bài, ảnh: Châu Lan

Mới nhất
x
Nỗ lực giảm nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO