Nỗ lực giúp con em Ồ Ồ, Già Hóp đến trường
(Baonghean) - Ô Ồ và Già Hóp thuộc xã Tường Sơn là 2 bản liền kề, với tổng số 148 hộ đồng bào Thái, được nhiều người biết đến bởi sự thiếu thốn và lạc hậu. Trong cái nghèo đói, việc đến trường của các em học sinh nơi đây cũng mong manh...
Nằm cách trung tâm huyện Anh Sơn chừng 13 cây số, nhưng con đường đến với 2 bản Ồ Ồ và Già Hóp không hề dễ dàng, nó trở thành thử thách đầu tiên cản bước chân những ai muốn đến với đồng bào nơi đây. Không chỉ thế, với diện tích đất hạn hẹp, việc canh tác gặp nhiều hạn chế, cùng hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa đầy đủ, đã khiến cho đời sống của đồng bào nơi đây vốn đã khó khăn, lại càng vất vả khi đứng trước nguy cơ bị tụt hậu và thất học.
Cán bộ, giáo viên phòng GD - ĐT huyện Anh Sơn giúp lớp mầm non chuyển đồ đến nơi học mới.
Theo chân một cán bộ Phòng GD&ĐT Anh Sơn, chúng tôi đã có mặt ở Ồ Ồ và Già Hóp. Tại đây, ngoài điểm trường cấp 1 đã được đầu tư xây dựng thì bậc mầm non vẫn chưa có lớp. Từ trước đến nay, các em phải học nhờ trong nhà văn hóa của bản, căn nhà bằng gỗ vừa thấp, vừa chật chội, hôm nào bản tổ chức họp là các em phải nghỉ học. Đối với bậc THCS, vì ở đây chưa có phân hiệu, con em Ồ Ồ, Già Hóp muốn học tiếp lên THCS phải ra trung tâm xã, cách bản 14km, trong khi đó trường THCS xã lại chưa có khu nội trú nên việc đến trường gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến việc con em đồng bào nơi đây sau một thời gian theo học không ít em phải bỏ học giữa chừng. Đầu năm học 2011 - 2012, có 20 em theo học THCS, nhưng sau ít tháng các cháu lại bỏ học hàng loạt. Đây là một thực tế hết sức đáng buồn trong việc vận động đưa học sinh đến trường.
Tìm đến gia đình anh Lữ Văn Năm (trú tại bản Già Hóp), có con trai đang theo học lớp 6, nhưng đã bỏ học giữa chừng, anh Năm cho biết: “Đi học xa quá, phải ở trọ nhà dân tận ngoài xã, nhà lại không có tiền nên phải để nó ở nhà đi làm rẫy thôi”. Nhìn cu Đạt (con trai anh Năm) mới chỉ 11 tuổi, khuôn mặt đen sạm và già trước tuổi khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Biết bao giờ con em đồng bào nơi đây mới được no cái chữ như bao trẻ em khác.
Trước thực tế này, ngày 24/5/2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn đã phối hợp với Trường mầm non xã Tường Sơn, UBND xã Tường Sơn quyết định chuyển lớp mẫu giáo gồm 30 cháu từ 3 đến 5 tuổi từ nơi học cũ ở bản Ồ Ồ về học tại nhà công vụ Trường Tiểu học Tường Sơn. Trong niềm vui hân hoan, cô giáo Nguyễn Thị Yến cho biết: “Vậy là giờ đây, cô trò chúng tôi đã được học trong những phòng học khang trang, điều kiện thoáng mát hơn rồi, không lo phải nghỉ học mỗi khi họp bản nữa”. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là giải pháp mang tính tạm thời, bởi để các cháu mầm non học chung trong khuôn viên của học sinh tiểu học không phải là giải pháp lâu dài.
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng học sinh bậc THCS bỏ học, sau khi làm việc với lãnh đạo Trường THCS Tường Sơn, Trường THCS Hội Sơn, Chi ủy chi bộ bản Ồ Ồ và bà con 2 bản Ồ Ồ, Già Hóp thống nhất, vào tháng 8/2012 sẽ mở 2 lớp bổ túc văn hóa tại điểm Trường Tiểu học Tường Sơn, với tổng số 20 em. Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm bổ sung cơ sở vật chất cho các lớp học. Tại Trường THCS Hội Sơn (xã Hội Sơn) sẽ tiếp nhận 16 em học sinh lớp 6 về học trong năm học 2012 – 2013, theo hình thức bán trú.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Hà Văn Tâm - GV Trường Tiểu học (định cư tại bản Già Hóp) phụ trách Cụm giáo dục Ồ Ồ, Già Hóp cho biết: Chủ trương của phòng GD&ĐT huyện đã tạo được sự đồng tình cao của phụ huynh, học sinh. Chính vì vậy, ngay trong ngày đầu khi lớp mầm non được chuyển về nhà công vụ Trường Tiểu học Tường Sơn, người dân 2 bản Ồ Ồ, Già Hóp mỗi người một việc, người thì chẻ tre nứa thưng khuôn viên, người thì khuân đất đắp nền để tạo sân chơi, còn các em thì vui phải biết, cứ như thể vừa được dọn về nhà mới vậy. Đối với các em bậc THCS cũng rất háo hức, nhiều em trước đây vì điều kiện đường sá xa xôi buộc phải bỏ học thì nay cũng đã đăng ký danh sách để tiếp tục được trở lại đi học trong năm học tới.
Thiết nghĩ, với điều kiện thực tế khó khăn như hiện nay, giải pháp trên thực sự là cứu cánh giúp con em 2 bản có điều kiện để tiếp tục được đến trường. Tuy nhiên, UBND huyện cần sớm xem xét chỉ đạo phòng Giáo dụcvà Đào tạo phối hợp với chính quyền cơ sở có giải pháp xây dựng lớp học và điều thêm giáo viên vào dạy, đồng thời có giải pháp không để con em bỏ học ở cấp THCS. Về lâu dài, với những khó khăn mang tính đặc thù, các cấp có thẩm quyền cần xem xét để 2 bản Ồ Ồ, Già Hóp được hưởng chính sách vùng đặc thù của Nhà nước.
Đặng Nguyễn