Nỗ lực vận động con em Đan Lai trở lại trường
(Baonghean) - Sau kỳ nghỉ hè, bước vào năm học mới, vẫn còn 53 học sinh dân tộc Đan Lai ở các bản làng của huyện Con Cuông nghỉ học, chưa đến lớp. Hiện nay, các thầy, cô giáo và chính quyền địa phương đang ra sức vận động các em quay trở lại trường…
Đến hẹn lại lên, vào đầu năm học mới các thầy cô giáo phải lặn lội đến tận từng nhà để vận động học sinh dân tộc Đan Lai đến trường. Để đảm bảo kế hoạch năm học 2015 - 2016, nhất là giảm thiểu tỉnh trạng học sinh Đan Lai bậc trung học cơ sở bỏ học, từ đầu tháng 8, chính quyền địa phương giao các đoàn thể phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường Trung học cơ sở Môn Sơn, Châu Khê, Lục Dạ, Thạch Ngàn... tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động học sinh đến trường. Các thầy, cô giáo đã đến tận nương rẫy để vận động, thuyết phục các gia đình cho các em đến trường kịp năm học mới. Thế nhưng, trong lễ khai giảng vào ngày 5/9 vừa qua, vẫn có tới 53 học sinh người dân tộc Đan Lai bậc học trung học cơ sở chưa quay trở lại trường. Trước thực trạng trên, các thầy, cô giáo lại tiếp tục ngược rừng, vào bản để vận động bố mẹ, thuyết phục các em trở lại trường. Đến ngày 7/9, đã có thêm 23 học sinh quay lại lớp. Còn 30 em vẫn tiếp tục ở nhà làm rẫy với bố mẹ.
Giáo viên Trường THCS Môn Sơn đi vận động học sinh Đan Lai đến trường. |
Được biết trong số 30 em chưa đến nhập học, khả năng đến lớp rất thấp vì trong dịp nghỉ hè có em đã làm mẹ, làm vợ, có em đã theo anh chị đi làm ăn xa. Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết: Trường có 80 em học sinh Đan Lai, nắm rõ đặc điểm của học sinh Đan Lai, vào đầu tháng Tám, khi học sinh và giáo viên các trường còn nghỉ hè thì giáo viên Trường THCS Môn Sơn đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kinh phí để vào tận các gia đình vận động con em đến trường. Thậm chí, nhiều thầy cô giáo phải viết “cam kết” với các gia đình lo cho các em ăn học đầy đủ. Thế nhưng nhiều hộ không muốn cho con em mình ra học tiếp.
Còn ở Trường THCS xã Châu Khê, thầy Nguyễn Văn Thanh cùng một số giáo viên đang lội suối, trèo đèo vào tận bản Khe Nóng sát biên giới Việt Lào để vận động các em tiếp tục đi học. Vận động các em ra học tiếp đã khó, giữ các em ở lại yên tâm học lại càng khó hơn. Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, các thầy còn phải bồi dưỡng kiến thức cho các em, vì sau 3 tháng hè, nhiều em gần như “quên” luôn cái chữ. Ông Vi Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Môn Sơn cho biết, xã đã có nhiều chính sách như: vận động nhân dân 2 bản Thái Sơn 1 và Thái Sơn 2 giúp đỡ con em Đan Lai ở trọ miễn phí, nấu ăn hộ cho các em; các thầy, cô giáo bớt chi tiêu ủng hộ các cháu có thêm tiền mua thức ăn với mục đích là kéo các em ra khỏi vùng “rừng thiêng, nước độc” để làm bạn với con chữ.
Huyện Con Cuông có trên 17.000 hộ với trên 70.000 nhân khẩu thuộc 8 dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai, Tày, Nùng, Hoa, Khơ mú, Ê Đê. Riêng dân tộc Đan Lai có trên 1.000 hộ với trên 3.000 khẩu sống rải rác ở đầu các con khe ngọn suối. Lâu nay, tộc người gắn với truyền thuyết về cây nứa vàng trong thượng nguồn Khe Khặng thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát này vẫn nổi tiếng với tục ngủ ngồi. Bên cạnh đó, sự đói kém, lạc hậu và tập quán dựng vợ, gả chồng quá sớm đã khiến các em học sinh Đan Lai không muốn đi học.
Để thuyết phục các em quay trở lại trường, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Con Cuông thành lập các đoàn công tác phối hợp với 2 Đồn Biên phòng Môn Sơn và Châu Khê đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động học sinh quay lại trường. Tại xã Môn Sơn, Đảng ủy xã cũng phân công các đồng chí trong cấp ủy vào trong bản cùng với thầy, cô giáo và cấp ủy, ban quản lý các bản Cò Phạt, Cò Nghịu quyết tâm vận động bằng được các cháu ra học. Mục tiêu của huyện là trong tháng này sẽ đưa toàn bộ các em học sinh Đan Lai bậc trung học cơ sở ở vùng biên giới trở lại trường. Hiện nay, thời tiết ở Con Cuông đang mưa lớn, việc đi vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi sinh sống của người Đan Lai gặp nhiều khó khăn, thế nhưng các thầy, cô giáo và các cán bộ xã vẫn quyết tâm bám bản, đến tận các gia đình.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào cho biết: Đến 17 giờ chiều 10/9 đã có thêm 12 học sinh ở Khe Khặng đồng ý quay ra học. Hiện nay, thầy hiệu phó và 3 giáo viên vẫn đang ở trong các bản tiếp tục vận động các em đến trường”. Trong khi đó, tại Trường THCS Thạch Ngàn, các giáo viên cũng đã vận động con em 7 gia đình người Đan Lai ở bản Thạch Sơn ra trường học chữ, không ở nhà làm rẫy cùng bố mẹ.
Hy vọng rằng, với nỗ lực của các thầy, cô giáo, chính quyền địa phương các xã, mục tiêu đưa con em Đan Lai ở Con Cuông quay trở lại trường sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Phùng Văn Mùi