Nở rộ lừa đảo qua mạng
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, bán hàng qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, thì tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp.
Nhân viên ngân hàng phát hiện lừa đảo
Trong 2 ngày liên tục, nhờ cảnh giác và kinh nghiệm của mình, nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Nghệ An đã hỗ trợ khách hàng tránh được các vụ lừa đảo trực tuyến.
Chị Trần Thị Thúy - Tổ trưởng Tổ kế toán – ngân quỹ, Phòng Giao dịch Chợ Mới, Ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Nghệ An cho biết, vào khoảng 15h20' ngày 15/10, tại Phòng Giao dịch Chợ Mới, khách hàng N.T.O thường trú ở xóm 4, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa đi cùng chồng đến giao dịch rút tiền trong sổ tiết kiệm để chuyển số tiền 90 triệu đồng vào tài khoản cho con gái.
Trong quá trình tác nghiệp, giao dịch viên nhận thấy một số bất thường nên tìm hiểu thêm thì được biết khách hàng muốn chuyển tiền đến cho một số tài khoản ở tỉnh Sóc Trăng, trong khi con gái đang học tập và làm việc ở Nhật Bản. Giao dịch viên nhanh chóng dừng giao dịch rút sổ tiết kiệm, thuyết phục khách hàng gọi điện xác nhận lại đến số tài khoản của người thân để kiểm tra xem con gái có bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội hay không?
Sau khi xác minh lại, phát hiện tài khoản mạng xã hội Facebook của con gái khách hàng đã bị kẻ gian chiếm đoạt, dụ dỗ bà O gửi tiền vào một tài khoản khác.
Ngay buổi sáng tiếp theo, ngày 16/10, bà Đào Thị H. thường trú tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa cùng chồng đến giao dịch với mong muốn được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn số tiền 200 triệu đồng. Nhận thấy khách hàng có biểu hiện sợ hãi, hoang mang, giao dịch viên đã mời khách hàng lên tầng 2 để trao đổi thêm, đồng thời báo cáo lãnh đạo cấp trên.
Phân tích các sự việc lừa đảo trên không gian mạng phổ biến gần đây cho khách hàng. Sau khi được giao dịch viên trò chuyện và tâm sự, khách hàng đã nhận thức được mình đang bị kẻ gian lừa đảo. Chiêu thức chúng đưa ra là đe dọa khách hàng bị dính vào đường dây tội phạm, đang bị Công an thị xã Thái Hòa xử lý, cần chuyển tiền để phối hợp điều tra nếu không sẽ bị giam giữ.
Được biết, khách hàng đã nhận được cuộc gọi từ thuê bao 0332303262 tự xưng là Công an thị xã Thái Hòa thông báo chồng bà H. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, các đối tượng liên lạc bằng nhiều số điện thoại khác nhau, liên tục thúc ép bà H. chuyển tiền và đe dọa tuyệt đối không được báo với người thân hay nhân viên ngân hàng.
Giả danh công an chiếm đoạt tài sản
“Nhà mình vừa bị bọn lừa đảo thao túng mọi người ạ. Nó chọn đối tượng người già để thực hiện hành vi”. Đây là lời chia sẻ của chị P, ở thành phố Vinh đăng tải trên Facebook, kể lại câu chuyện người thân mình vừa bị kẻ gian giả danh công an lừa đảo.
Chị P kể: Đầu tiên, nó gọi điện và nhắc về việc tại sao ông, bà không ra công an phường để tích hợp phần mềm bảo hiểm xã hội vào tài khoản định danh cá nhân. Nó mạo danh một cán bộ công an ở phường, tên là Sơn, sau đó, bọn chúng chuyển máy cho một người khác, mạo danh là cán bộ công an thành phố tên là Hải. Sau đó, nó bảo ông, bà để đó chúng tôi làm cho, không phải lên công an thành phố nữa.
Sau khi lấy được lòng tin của bị hại, nó bảo có một đơn tố cáo ghi thông tin cá nhân của ông, bà, tố cáo đã tham gia một đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy. Ông, bà có để mất thẻ căn cước công dân hay lộ tài khoản ngân hàng gì đó cho ai không?
Sau khi bị hại bắt đầu ú ớ thì chúng sẽ bảo: "Tôi biết ông, bà bị lừa rồi, bị lợi dụng rồi, nhưng chúng tôi đang thực hiện một chuyên án lớn tầm quốc tế, quốc gia, bây giờ chúng tôi sẽ giúp ông bà minh oan trong vụ án này, với điều kiện hết sức bí mật, không để lộ việc này cho ai, nhất là người thân, con cái. Nếu ông, bà không hợp tác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của con cái, vì ông, bà già rồi thì không sao, nhưng con cái sẽ ảnh hưởng. Nếu ông bà đồng ý thì chúng tôi sẽ giúp ông, bà chứng minh mình có đủ điều kiện tài chính để không tham gia rửa tiền, bằng cách chuyển cho tài khoản này 200 triệu đồng. Sau 2 ngày, chúng tôi hoàn tất hồ sơ vụ án, sẽ trả lại cho ông bà nguyên vẹn”.
Chiêu thức lừa đảo này làm cho những người lớn tuổi tin là không mất tiền nên sẵn sàng nộp. Nếu bị hại có tiền trong tài khoản ngân hàng và thực hiện trên app thì sẽ chuyển tiền ngay cho các đối tượng lừa đảo.
Nếu bị hại không có app ngân hàng thì sẽ hướng dẫn cách nộp tiền mặt. Vào ngày thường thì bọn lừa đảo sẽ hướng dẫn bị hại ra ngân hàng để gửi tiền mặt với lý do gửi cho con, cho cháu. Sau này, khi nhân viên ngân hàng cảnh giác, phát giác và phối hợp với công an ngăn chặn được một số vụ thì các đối tượng yêu cầu nộp tiền ngay cho nó trong ngày nghỉ, khi ngân hàng không làm việc, thì nó hướng dẫn ra tiệm vàng để chuyển tiền.
Trong trường hợp bị hại không có đủ tiền để nộp thì chúng sẽ hướng dẫn cách đi vay tiền sao cho dễ vay, dễ giấu thông tin. Sau khi nộp hết số tiền các đối tượng lừa đảo yêu cầu, nếu chưa bị lộ, chúng sẽ lại bịa ra một tình huống nào đó để bị hại nộp thêm, nếu không nộp thêm thì sẽ mất luôn khoản đã nộp. Và thế là bị hại cứ dốc ra bằng hết tiền, tài sản có thể quy ra tiền để nộp...
Trường hợp nhà mình, các đối tượng lừa đảo bảo trước hết phải giấu con cháu, và đi vay với lý do làm nhà thờ, mua xe ô tô... Nhà mình may quá, hàng xóm thấy người già đi vay tiền thì điện cho mình, nên mới kịp thời ngăn chặn! Vậy nên, mọi người cảnh giác khi có điện thoại lạ gọi đến đe dọa, yêu cầu nộp tiền, yêu cầu cài đặt các App lạ nhé. Và nếu thấy ai đó tự nhiên vay tiền, nhất là người già thì nên cẩn thận kiểm tra thông tin, kẻo lại thành nạn nhân gián tiếp của lừa đảo!
Chị P. cảnh báo
Lừa đảo nở rộ
Hiện nay, tại Nghệ An cũng đang rộ lên thủ đoạn giả danh shipper gọi điện cho khách hàng thông báo có đơn hàng online, yêu cầu chuyển tiền thanh toán để chiếm đoạt tài sản. Chị H ở phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) kể, chị thường đặt hàng qua mạng, và thường nhận hàng thì chị mới chuyển tiền (hình thức COD). Một hôm chị đi vắng thì có cuộc gọi nói chị chuyển 350 ngàn đồng tiền hàng. Vì cũng đặt khá nhiều và không rõ hàng nào nên chị chuyển tiền. Về nhà tìm hàng không thấy, gọi điện lại số đã liên lạc thì đầu dây bên kia đã khóa…
Lừa đảo nở rộ, đủ kiểu, nhiều vụ tiền tỷ nhưng cũng có những vụ chỉ vài chục ngàn đồng. Đó là những cuộc gọi nói anh, chị có hàng 0 đồng, chỉ cần chuyển vài ba chục ngàn tiền ship…
Gần đây còn rộ lên hình thức lừa khác, đó là nhiều người chốt đơn mua hàng, bị kẻ gian nhắn tin lừa đảo qua Zalo, yêu cầu khách hàng chuyển khoản, tài khoản ngân hàng cũng được làm đúng tên của người bán hàng. Nhiều người phải liên tục nhắc khách tin nhắn chốt hàng bên Zalo là lừa đảo, mọi người không chuyển khoản!
Chị N.H chuyên bán hàng thời trang cho biết, gần đây tài khoản của chị bị giả mạo, để tránh bị kẻ gian lừa đảo, tôi đã phải lên Facebook thông báo khách không chuyển tiền trước qua tài khoản Zalo. “Để tránh kẻ gian lợi dụng lừa đảo, khách đừng chuyển khoản tiền trước cho bất kỳ ai. Em giao hàng rồi mới trả tiền ạ. Em không chốt đơn hay tiền bằng Zalo nhé”, tài khoản chị N.H đăng tải.
Ngoài ra, hiện nay, thông qua mã độc được cài trên thiết bị di động của nạn nhân, đối tượng lừa đảo có thể theo dõi nhất cử nhất động của người dùng, bao gồm các xác thực mật khẩu bảo mật tài khoản ngân hàng và tài khoản chứng khoán, từ đó lấy cắp tiền.
Được biết, Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Các chiêu trò lừa đảo trực tuyến được các chuyên gia nhận định ngày càng tinh vi hơn, khiến cho nhiều người dân khó nhận biết. Vì thế, người dân cần cảnh giác và tìm cách kiểm chứng thông tin của bất kỳ đối tượng nào chủ động liên lạc và tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng,.. Không cài đặt, tải trực tiếp bất kỳ ứng dụng nào từ đường link do bất kỳ ai gửi trên tin nhắn SMS, nội dung chat trên các nền tảng xã hội, ứng dụng nhắn tin; hoặc từ các trang web do các đối tượng cung cấp đường link. Không tin và thực hiện theo hoặc liên hệ với các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Telegram,..