Nợ xấu sẽ giảm xuống 3% trong năm 2015
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, đến năm 2015, tỷ lệ nợ xấu sẽ trở về mức 3% theo đúng kế hoạch.
Hôm nay (29/20) tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 nhằm đánh giá, phân tích tình hình kinh tế xã hội của đất nước từ đầu năm đến nay, đồng thời tập trung làm rõ một số vấn đề nổi lên liên quan đến nợ công và cơ cấu thu chi ngân sách; nợ xấu và giải pháp kiểm soát để đạt được mục tiêu đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn 3% cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho danh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014 |
Theo đánh giá tại phiên họp, trong 10 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ (8,4%); sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, năng suất và sản lượng lúa hè thu tăng cao; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao và xuất siêu 10 tháng đạt gần 1,87 tỷ USD…
Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô đều có chuyển biến tích cực, nhất là tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát với mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm qua; lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Tiến độ thu ngân sách nhà nước cũng đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước, bảo đảm các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước. An sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông đạt nhiều kết quả tích cực…
Toàn cảnh phiên họp |
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng nêu rõ những hạn chế của nền kinh tế, nổi lên là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn cao; tăng trưởng tín dụng tuy đã có những cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm; ở một số địa phương, tình trạng cháy rừng vẫn còn diễn biến phức tạp…
Tại phiên họp, lãnh đạo một số Bộ, ngành đã trình bày các vấn đề liên quan đến nợ công và nợ xấu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: nếu như năm 2012 nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 464.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17%, thì đến tháng tháng 10 năm nay đã xử lý được 252.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống xuống còn 5,43%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định đến năm 2015 tỷ lệ nợ xấu sẽ trở về mức 3% theo đúng kế hoạch. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định đến hết năm 2014, dự báo năm 2015 và đến năm 2020 nợ công vẫn trong giới hạn cho phép không vượt quá 65% GDP.
Theo lộ trình, nợ công sẽ giảm dần còn khoảng 60,2% GDP vào năm 2020. Việt Nam hiện nay hoàn toàn có khả năng trả nợ công vì nghĩa vụ trả nợ hiện nay khoảng 16% chi ngân sách và đến năm 2020 sẽ tăng lên 19,5% thấp hơn so với giới hạn quy định là 25% chi ngân sách và sau đó sẽ giảm dần….
Cơ bản đồng tình với các ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế xã hội của đất nước từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: trên đà thuận lợi của 10 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ năm 2014 mà còn tạo bước gối đầu để năm 2015 đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%.
Cùng với yêu cầu tiếp tục hạ lãi suất phù hợp với lạm phát gắn với ổn định tỷ giá, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện… nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Về vấn đề nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính sớm làm rõ các con số liên quan để báo cáo Quốc hội và công khai minh bạch trước toàn dân. Từ đó làm rõ quan điểm Chính phủ vay để đầu tư phát triển, trong đó 98% nợ công dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời khẳng định đến năm 2020 tiếp tục đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn và nợ công không vượt quá giới hạn mà Quốc hội cho phép.
Thủ tướng cũng chỉ rõ nguyên nhân nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là do: nền kinh tế tăng trưởng thấp cùng với việc Chính phủ chủ động giảm thu nên thu ngân sách có tăng nhưng thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, chi cho an sinh xã hội và chi thường xuyên không giảm mà lại tăng lên, vì vậy Chính phủ đã phát hành trái phiếu để đảm bảo nguồn lực đầu tư, trong đó 51% nợ công là vay trong nước với thời hạn ngắn lãi suất cao; 49% còn lại chủ yếu là vốn ODA, vốn vay dài hạn và lãi xuất thấp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu: “Dứt khoát phải kiểm soát trong giới hạn mà Quốc hội cho phép, chiến lược nợ công quy định, không để vượt, tức là tổng nợ công không quá 65% GDP. Thứ 2 là phải sử dụng hiệu quả, thứ 3 là phải cân đối ngân sách trong trả nợ vay. Trả nợ vay cũng có nghĩa là chúng ta đầu tư vì vay để đầu tư mà, thì hàng năm phải bố trí trả nợ khoảng 20%. Chúng ta cũng như quốc tế thôi, phải đảo nợ, đảo nợ nghĩa là nghĩa vụ nợ không tăng lên, tổng nợ không thay đổi nhưng món vay sau ta phải chọn là vay nó dài hơn, lãi suất nó thấp hơn vay trước”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước cơ cấu lại nợ công vay trong nước theo hướng lành mạnh hơn, thời hạn vay dài hơn và lãi suất thấp hơn. Đồng thời kiểm soát chỉ số nợ nước ngoài, trong đó có nợ của các doanh nghiệp và các tổ chức khác được vay theo hình thức tự vay, tự trả không vượt quá 25% so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa theo đúng chiến lược nợ công quốc gia.
Liên quan đến cân đối các khoản chi ngân sách, Thủ tướng cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua buộc Chính phủ phải tính toán thay đổi cơ cấu chi để đảm bảo ứng phó với tình thế đặc biệt, đến thời điểm này khi tình hình khả quan hơn, đòi hỏi phải cơ cấu lại chi ngân sách lành mạnh hơn theo hướng dành cho chi đầu tư khoảng 25 đến 30%, trả nợ 20% còn lại 50% dành cho ngân sách chi thường xuyên.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai làm tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, tạo việc làm, y tế và giáo dục, cùng với đó kiểm soát tốt an ninh trật tự, an toàn giao thông …
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động cung cấp thông tin trong lĩnh vực phụ trách theo phương châm chính xác, kịp thời, khách quan cho các cơ quan báo chí, cả về những mặt được, mặt chưa được, cả những hạn chế yếu kém và chỉ rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục nhằm tạo đồng thuận trong toàn xã hội cùng chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Cũng trong phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ rừng; dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của sự nghiệp công lập; báo cáo Đề án Mô hình chính quyền địa phương; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về du lịch…
Theo VOV