Nỗi buồn Kẻo Nam
(Baonghean.vn) -Từ một bản làng trù phú vào loại bậc nhất, nhì của đồng bào Khơ mú, xã biên giới Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn. Giờ đây Kẻo Nam như một bản làng “chết” bởi chỉ có những mái nhà như những túp lều, cái đói cái nghèo cứ bám riết lấy dân bản. Hơn cả thế nữa “cơn bão” ma túy như cơn lốc đang biến ngôi làng này héo hon dần.
>>> Thẩm định lại, vì sao một bản đang giàu, đang là kiểu mẫu lại đi di dời để tái định cư?;
Trước năm 2012, Kẻo Nam gần như là bản xa nhất của xã biên giới Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn. Là bản xa xôi nhưng thời điểm đó Kẻo Nam được đánh giá là bản kiểu mẫu của đồng bào Khơ mú tại địa phương trên. Bởi thời điểm đó nhiều bản làng tại Bắc Lý người dân chỉ có những mái nhà tranh tre tạm bợ, thiếu đói thường xuyên nhưng Kẻo Nam là một trong số ít bản làng được quây tụ bởi những căn nhà sàn bằng gỗ kiên cố nằm san sát nhau. Trong bản luôn sạch sẽ, gia đình nào cũng có nhiều trâu bò, lợn gà. Quanh năm lương thực luôn dồi dào nên hiếm có nhà thiếu đói. Mỗi gia đình đều có xe máy riêng, có nhà có đến ba bốn chiếc xe máy đắt tiền.
“Từ những năm 90 tôi đi làm công tác tài chính lên bản Kẻo Nam lúc đó đã toàn nhà kê (nhà sàn – PV) rừng cây cối nhiều. Xe máy, trâu bò cũng nhiều, có nhà đến cả vài chục con trâu bò”, ông Cụt Văn Long, Chủ tịch xã Bắc Lý nhớ lại.
Bản Kẻo Nam hiện nay. Ảnh: Xuân Hòa |
Nhưng giờ đây ai đã từng một lần lên Kẻo Nam giờ trở lại sẽ không nhận ra nổi ngôi làng “kiểu mẫu” của đồng bào Khơ mú ngày xưa. Bản Kẻo Nam mới giờ được người dân di chuyển xuống gần trung tâm xã hơn, cách bản cũ khoảng 30 phút đi xe máy. Hiện nay, cả bản Kẻo Nam có 60 hộ dân nhưng chỉ còn duy nhất hai mái nhà sàn bằng gỗ là của Bí thư Chi bộ và Trưởng bản. Số còn lại chỉ là những mái nhà tranh tre tạm bợ như những chiếc lều. Có những ngôi nhà dựng lên rộng chưa đến 10m2 thấp đến nỗi cửa ra vào phải ngồi mới đi vào được nhà.
Đi dọc khắp cả bản chúng tôi nhìn mãi mới thấy đôi ba người đàn ông, còn lại chỉ có phụ nữ, trẻ em và người già. Những đứa trẻ mặc quần áo rách rưới, cáu bẩn, có đứa chẳng có quần mặc. Những người phụ nữ thấy người lạ thì trốn vào trong nhà lấp ló những khuôn mặt sạm đen, gầy, da bám lấy sát tận xương.
Trâu bò, thứ mà trước đây thể hiện sự giàu có của Kẻo Nam giờ chúng tôi nhìn mãi cũng chẳng thấy đâu. Quanh bản chỉ còn đôi ba con lợn và gà đang ủi đất kiếm ăn. Xung quanh bản ngay tận dưới chân nhà của các hộ gia đình phân gia súc, gia cầm phóng uế khắp nơi.
Phần lớn đàn ông và thanh niên trong bản đã kéo nhau đi “công ty” khai thác vàng sa khoáng ở những bưởng vàng tận Quảng Nam, vì vậy ở nhà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Xuân Hòa |
Bắt tay chúng tôi với vẻ mặt hốc hác ông Lương Phò Bích, Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam nói: “Giờ còn mỗi nhà ta với nhà trưởng bản còn nhà kê thôi. Các nhà còn lại nhà bán hết rồi nên giờ làm nhà tạm bằng tranh tre như thế đó. Còn trâu bò với xe máy cũng bán gần hết rồi, giờ cả bản chỉ còn khoảng 10 con trâu, bò, với bốn, năm chiếc xe máy nữa thôi. Giờ người trong bản chủ yếu chỉ có phụ nữ, trẻ em và người già thôi. Còn thanh niên, đàn ông đi làm “công ty” tận trong Quảng Nam chưa về”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết người dân nơi đây đi làm “công ty”, nhưng thực tế là đi làm vàng sa khoáng tại các bưởng vàng tại Quảng Nam. Mỗi lần đi về họ mang được về nhiều nhất đó là con số người nghiện ma túy. Cũng chính bởi phần lớn do ma túy mà bao nhiêu ngôi nhà sàn kiên cố ngày xưa, rồi xe máy và các vật dụng có giá trị trong nhà theo con “ma trắng” đi hết để lại cái nghèo đói quay quắt cho Kẻo Nam.Sự đi xuống của Kẻo Nam chưa dừng lại ở đó. Trước đây, Kẻo Nam được xem là bản sạch về tệ nạn ma túy vì chỉ có vài người già có dùng thuốc phiện tự nhiên từ lâu đời còn cả bản gần như không có người nghiện. Nhưng hiện nay theo số liệu cung cấp sơ bộ của cán bộ bản hiện tại đây đang có 13 đối tượng nghiện. Nhưng con số đó chưa dừng lại bởi theo tiết lộ của ông Lương Phò Bích, Bí thư Chi bộ bản: “Cả bản có 13 người nghiện hiện đang ở nhà, còn có nhiều người đi “công ty” cũng nghiện chưa nắm được hết”.
Gặp cụ bà Lương Mè Xắn Tay (60 tuổi) đang sống trong căn lều ẩm thấp được làm bằng tranh tre tạm bợ hỏi ra mới hay bà cũng có con nhưng vì đói, vì ma túy, nên không thể nuôi nổi mẹ, bởi vì thế bà phải nhờ dân bản dựng cho căn lều ọp ẹp ở đây sống tạm bợ qua ngày với khối tài sản là một can nhựa đựng nước, một chiếc nồi và mấy cái bát. Không chỉ cụ bà Xắn Tay mà khắp bản Kẻo Nam không khó để tìm những ngôi nhà như thế.
Cũng vì đói, vì tệ nạn ma túy mà những đứa con của cụ bà Lương Mè Xắn Tay đã không nuôi nổi mẹ mình đành để cụ bà ở trong túp lều chưa đầy 10m2 bằng tranh tre như thế này. Ảnh: Xuân Hòa |
Đi tìm nguyên nhân của việc đi xuống đáng sợ này của một làng bản giàu có như Kẻo Nam thì được ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý cho biết, năm 2012 ở bản cũ do nằm cách xa trung tâm xã gây khó khăn đi lại cho dân bản và học sinh khi ra ủy ban cũng như đến trường học. Cùng với đó ở bản cũ nằm ở vị trí cao hiếm nguồn nước nên UBND huyện có chính sách giãn dân bản Kẻo Nam xuống vị trí thuận lợi hơn.
Sau khi có chính sách của UBND huyện nhưng do người dân hiểu lầm sẽ được hỗ trợ toàn bộ để xây dựng nhà mới nên đã bán hết nhà cũ. Nên khi xuống nơi ở mới người dân đã phải dựng những căn nhà tạm bợ bằng tranh tre để sống. Cũng từ đó Kẻo Nam bước một bước thụt lùi dài về với nghèo đói và tệ nạn, đến nay 100% số hộ trong bản đều thuộc diện hộ nghèo.
“Không biết bao giờ Kẻo Nam mới thoát được nghèo đói, bởi cả bản mà đầu cơ nghiệp như trâu bò cũng chỉ còn chưa đến 10 con, xe máy mấy chiếc nhưng cũng chỉ còn những bộ khung, chẳng ra hình thù xe nữa”, ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý buồn bã chia sẻ.
Xuân Hòa
TIN LIÊN QUAN |
---|