Nỗi buồn Na Luộc
Năm 2.000, bản Na Luộc được chia tách từ bản Cướm (xã Diên Lãm - huyện Quỳ Châu), sau gần 13 năm thành lập, bản hiện có 52 hộ dân, 265 nhân khẩu với 100% là bà con đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Nhìn chung, cuộc sống của bà con dân bản nơi đây còn gặp nhiều khó khăn khi có tới 24 hộ nghèo (chiếm gần 50%), thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, khai thác gỗ trên rừng đem bán.
(Baonghean) - Năm 2.000, bản Na Luộc được chia tách từ bản Cướm (xã Diên Lãm - huyện Quỳ Châu), sau gần 13 năm thành lập, bản hiện có 52 hộ dân, 265 nhân khẩu với 100% là bà con đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Nhìn chung, cuộc sống của bà con dân bản nơi đây còn gặp nhiều khó khăn khi có tới 24 hộ nghèo (chiếm gần 50%), thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, khai thác gỗ trên rừng đem bán.
Một góc bản Na Luộc.
Anh Lữ Văn Huê, Bí thư Chi bộ bản Na Luộc nói: "Bản chúng tôi nằm xa trung tâm, giao thông cách trở, việc đi lại của bà con dân bản hết sức khó khăn. Mùa khô còn đỡ, vào mùa mưa bản này thường xuyên bị cô lập với bên ngoài".
Ở Na Luộc, ngoài ngôi nhà cộng đồng mới được xây dựng thì hầu như các công trình công cộng chưa hề có. Điện, đường, trường, trạm là một ước mơ quá xa vời đối với dân bản nơi đây. Từ những khó khăn về kinh tế, giao thông kéo theo những hệ lụy về học hành của trẻ.
Từ thành lập bản đến nay, bản Na Luộc mới chỉ có 4 học sinh học cấp 3 ở trường huyện. Dù chỉ có 4 vậy đối với người dân bản Na Luộc thì đó quả là một "kỳ tích". Năm học 2010-2011, em Lữ Thị Thời thi đậu vào lớp 10, Trường THPT Dân tộc nội trú Quỳ Châu, sự kiện đó cũng được xem như một "kỳ tích" của bản nghèo này. Năm học 2011-2012, có thêm em Lữ Văn Kiên thi đỗ vào lớp 10, và năm học 2012-2013 có thêm 2 em Lữ Văn Thơ và Lữ Văn Hân vào lớp 10 trường huyện, là nỗ lực lớn trong khuyến học của bản Na Luộc...
Ngoài việc không có phong trào học tập, không có người đi trước làm gương nên chán nản và bỏ học, một nguyên nhân quan trọng nữa là gia đình khó khăn quá nên các cháu phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ.
Cụ Trương Văn Quân (79 tuổi) cho biết: "Ở cái tuổi gần đất xa trời này, chắc tôi cũng không sống được đến ngày được nhìn thấy ánh điện lưới quốc gia, cái đường nhựa nữa... Tôi chỉ mong sao con cháu ý thức được việc thất học sẽ khổ như thế nào, rồi qua đó biết cố gắng học hành lên cao, không chỉ là học lên cấp 3. Được vậy, già này vui lắm!".
Cụ Trương Văn Quân: "Mong sao các cháu trong bản sẽ cố gắng học hành lên cao là già này vui lắm rồi".
Ông Lý Đại Châu - Chủ tịch UBND xã Diên Lãm trăn trở: "Bà con chúng tôi hay có thói quen chỉ lo cái ăn, cái mặc trước mắt, không biết nghĩ và quan tâm đến chuyện học hành lâu dài của con cái. Hy vọng, với sự quan tâm của toàn xã hội, của ngành Giáo dục và các cấp chính quyền, nhận thức của bà con sẽ khác, một tương lai tươi sáng hơn sẽ mở ra với bà con nơi đây..."!
Đình Tiệp (CTV)