Nơi cha mẹ buộc trẻ vào đá để 'rảnh tay' làm việc
(Baonghean.vn) - Cô bé Shivani 15 tháng tuổi loay hoay kéo căng dải băng nhựa mà người mẹ đã dùng để cột bé vào hòn đá cạnh một công trường xây dựng ở miền Tây Ấn Độ.
Đôi chân trần lấm lem, toàn bộ cơ thể phủ một lớp bụi, bé Shivani phải tự mình đứng chơi 9 giờ đồng hồ/ngày giữa tiết trời lên đến 40 độ C đầy nóng nực, dĩ nhiên là luôn trong tình trạng “đính kèm” với đoạn dây dài chừng 1,5 mét.
Sarta Kalara, mẹ của bé không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc con vào hòn đá, mặc cho đứa bé khóc lóc. Bởi chỉ làm vậy thì vợ chồng cô mới có thể an tâm để làm việc và kiếm về 250 rupee (gần 80.000 đồng) sau mỗi ca đào hố đặt dây cáp điện tại thành phố Ahmedabad.
Người mẹ trẻ chỉ mới 23 tuổi nói: “tôi phải cột chân cháu lại để nó không chạy xuống đường. Con trai tôi cũng mới 3 tuổi rưỡi nên thằng bé chưa trông em được. Giao thông ở đây rất phức tạp, tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi làm vậy là vì sự an toàn của con”.
Có khoảng 40 triệu công nhân xây dựng ở Ấn Độ, ít nhất 1/5 trong số đó là phụ nữ, và đa số là những người di cư nghèo khổ chuyển từ công trường này sang công trường khác, xây dựng cơ sở hạ tầng cho những thành phố đang phát triển mạnh của Ấn Độ.
Ở nhiều địa phương trên đất nước, không phải chuyện lạ khi bắt gặp cảnh trẻ nhỏ lăn lê giữa cát sỏi và bùn đất, trong khi cha mẹ bận rộn vác những viên gạch hay đào đường, xây những ngôi nhà xa hoa, kiểu cách.
Nhiều gia đình như vậy phải sống trong những căn lều tại công trường, hoặc như gia đình của bé Shivani, họ buộc phải ngủ ngoài trời khi đêm xuống.
Prabhat Jha, người đứng đầu Tổ chức bảo vệ trẻ em ở Ấn Độ cho hay, các nhà trẻ ở đây rất hiếm và thường tốn kém.
“Chính phủ và các nhà công ty xây dựng nên đầu tư cho các cơ sở nhà trẻ. Cần phải có một nơi an toàn cho các em. Chúng thực sự có nguy cơ bị tổn thương,” Jha nói.
Các công ty Ấn Độ thường thuê ngoài lao động giá rẻ. Nhà thầu đem theo những nhóm công nhân, thường tuyển từ cùng một ngôi làng nào đó, làm đủ thứ việc mà không có biện pháp bảo đảm an toàn nào.
Trong khi Shivani vẫn đang bị cột chặt với hòn đá, những người đàn ông tạm nghỉ, uống nước cho dịu đi cái nóng bỏng rát, và phụ nữ tranh thủ cho những đứa trẻ ăn.
Những đứa trẻ này thường ở cùng cha mẹ chúng đến năm 7-8 tuổi, sau đó được gửi về sống cùng ông bà tại những ngôi làng nghèo khó ở bang lân cận.
Kalara bế Shivani trên tay, tâm sự về việc nhà quản lý đã nhắm mắt làm ngơ trước hoàn cảnh của cô: “Họ không quan tâm đến chúng tôi hay con em của chúng tôi. Họ chỉ quan tâm đến công việc mà thôi”.
Trung Nam
(Theo Reuters)
TIN LIÊN QUAN |
---|