Nỗi đau lòng mẹ

(Baonghean) - Chưa đến giờ xét xử, nhưng người đàn bà ngồi trên xe lăn đã có mặt từ rất sớm. Bà không nói không rằng, chỉ nhìn ra ngoài phòng xử án, trong ánh mắt chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Bên cạnh bà là một bé gái khoảng 12 tuổi, da sạm đen, gầy khô, hết đẩy xe lăn ra cổng, lại đẩy vào hội trường xét xử. Qua tìm hiểu mới biết đó là một cựu thanh niên xung phong đã từng tham gia kháng chiến - mẹ của một bị cáo trong vụ án.

Xuất thân trong một gia đình gia giáo, Thái Bá Phượng (SN 1972, xã Tam Hợp, Quỳ Hợp) là con trai duy nhất của gia đình. Vì vậy, Phượng được bố mẹ hết mực thương yêu, dạy bảo từng lời ăn tiếng nói với mong muốn cậu con trai ngày càng khôn lớn trưởng thành và làm tròn chữ hiếu. Thế nhưng, mọi sự kỳ vọng của gia đình đối với Phượng đã tan biến sau những lần trượt ngã dấn thân vào con đường lao lý. Học xong lớp 4, Phượng bỏ học, đi theo nhóm bạn xấu, sống lêu lổng, rượu chè cờ bạc và các trò chơi điện tử. Bố Phượng tìm mọi cách để “rèn” Phượng, thế nhưng, ông càng nghiêm khắc bao nhiêu thì Phượng càng tỏ ra bất cần đời, ngày ngủ, đêm thức, đi đâu, làm gì không ai hay biết. Có đôi lần ông tuyên bố thẳng thừng với Phượng rằng, thà ông không có người con như Phượng chứ nhất quyết không để Phượng hư đốn... Một thời gian sau, Phượng “chuyển mình” tích cực nên được bố mẹ cho đi học nghề sửa chữa xe máy, sau đó về mở cửa hàng tại nhà. Thấy Phượng ngày càng tiến bộ, tu chí làm ăn, cả nhà ai cũng lấy làm vui. Rồi Phượng cũng tự tìm cho mình một người bạn đời. Vợ Phượng là cô gái họ Hồ, nết na, dễ coi, quê ở tận Quỳnh Lưu.

Những ngày mới cưới nhau, Phượng luôn tỏ ra là một người đàn ông biết yêu thương vợ. Những việc nặng nhọc trong gia đình Phượng đều giành phần làm hết. Năm 1999, vợ Phượng sinh được một cô con gái đầu lòng. Khỏi phải nói bố mẹ, gia đình nội ngoại lấy làm vui và hạnh phúc biết chừng nào. Nhưng ngày vui “ngắn chẳng tày gang”, sau khi đứa con gái ra đời được hơn 1 tuổi, Phượng bắt đầu biến chất, bỏ ruộng đồng cho vợ, tối ngày giao du với các đối tượng xấu, rượu chè, cờ bạc rồi dính vào “nàng tiên nâu” từ khi nào không ai hay biết. Tài sản trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi bay theo làn khói trắng. Từ một người đàn ông to khỏe, giờ đây Phượng thân tàn ma dại, tiều tụy, da xạm bầm. Gia đình phải đưa Phượng vào một cơ sở cai nghiện tại huyện Tân Kỳ, hy vọng còn nước còn tát. Nhưng chẳng bao lâu, Phượng vẫn tái nghiện. Không những thế, Phượng còn tổ chức mua bán lẻ hêrôin và bị Công an huyện Quỳ Hợp bắt giữ, bị tòa án nhân dân huyện xử phạt 7 năm tù giam.

Đau lòng hơn, khi Phượng đang thụ án được 3 tháng tại Trại giam Bình Điền thì vợ Phượng xuất hiện, chìa đơn ly hôn ra trước mặt, thay vì đến thăm nuôi như Phượng thầm nghĩ. Hạnh phúc gia đình tan nát, đứa con gái 2 tuổi của vợ chồng Phượng được ông bà nội nuôi dưỡng trong sự thiếu thốn tình cảm cha mẹ.

Mẹ của Phượng nhìn con trong nỗi đau tận cùng 

Năm 2008, chấp hành xong án phạt tù, Phượng trở về địa phương. Nhìn cảnh gia đình đổ vỡ, con không nhận ra bố, vợ đi lấy chồng, Phượng như người mất trí, tiếp tục tìm đến bạn nghiện. Vì thương đứa cháu nội lớn lên thiếu tình thương yêu đùm bọc của cha mẹ, gia đình bán vội con trâu 27 triệu đồng đưa Phượng tiếp tục đi cai, số tiền còn lại đầu tư cho Phượng mua sắm phụ tùng sửa chữa xe máy. Như gió thổi vào nhà trống, 4 tháng sau, Phượng bán hết để hút. Bất lực trước đứa con bất trị, cộng với bệnh tình, già yếu, bố Phượng đổ bệnh ra đi để lại ba gian nhà ngói không một tài sản đáng giá và người vợ bại liệt toàn thân. Và cái gì đến đã đến, ngày 8/3/2012, một lần nữa Thái Bá Phượng lại bị Công an huyện Quỳ Hợp bắt về tội mua bán ma túy, bị xử phạt 9 năm tù giam. Chồng mất, con ngồi tù, để lại thân già bại liệt và đứa cháu nội gầy yếu, mẹ Phượng sống heo hắt như ngọn đèn trước gió. Bà đau khổ nhường nào khi tối lửa tắt đèn bà cháu ôm nhau trong trào rưng nước mắt. Ngày 15/11/2012, hay tin TAND tỉnh Nghệ An đưa Phượng ra xét xử phúc thẩm, bà nhờ anh con rể đưa xuống TP. Vinh để cứu Phượng. Đang ngồi phía cuối hội trường trên chiếc xe lăn, vừa nhìn thấy Phượng dẫn vào đứng trước vành móng ngựa, bà vội lăn xe lên phía trước như muốn nhìn Phượng thật rõ. Phượng quay mặt phía sau nhìn người mẹ già bại liệt như muốn nói lời cảm tạ và tha thứ cho hắn. Lần thứ 2 hắn đang đối mặt với bản án 9 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. 

Tại HĐXX, xét những tình tiết giảm nhẹ, như bố mẹ đều là những người tham gia kháng chiến, được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, hơn nữa mẹ bị cáo bị bại liệt sau đợt tai biến, vợ chồng đã bỏ nhau, con gái mới 12 tuổi, gia đình thuộc diện hộ nghèo, chị gái lấy chồng xa, hơn nữa bị cáo là con trai duy nhất. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thái Bá Phượng 8 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”. Nhiều người bày tỏ quan điểm đồng tình với bản án này. Một hình ảnh đầy cảm động khiến những người dự phiên tòa không thể cầm lòng là lúc tòa tuyên án xong, Phượng xin được gặp cô con gái 12 tuổi và người mẹ bại liệt đang ngồi như chết lặng trên chiếc xe lăn. Phượng ôm mẹ và con gái rồi nghẹn lòng nói: “Con xin mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu này. Mẹ hãy giữ sức khỏe nuôi dạy cháu và chờ con trở về”. Bà mẹ ôm mặt vuốt từng giọt nước mắt chảy lên đôi gò má đau khổ dặn Phượng: “Con hãy cải tạo thật tốt để sớm trở về nuôi con… Còn mẹ chắc không thể sống nổi chờ đón con đến ngày trở về mô”!!!

Phượng bước lên xe về trại tạm giam trong tuôn trào nước mắt. Còn mẹ Phượng và người thân nhìn theo Phượng đến khi xe chạy khuất khỏi hội trường xét xử...

Hữu Trọng

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.