Nỗi đau sẽ qua

21/03/2015 16:16

(Baonghean) - Mắt buồn sâu thẳm, mặt chứa đựng những lo âu, muộn phiền. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xập xệ nằm cuối bản Tam Liên, xã Tam Quang (Tương Dương), Nguyễn Văn Được kể về câu chuyện cuộc đời mình với chất chứa nỗi niềm của một người trải qua bao giông bão cuộc đời…

(Baonghean) - Mắt buồn sâu thẳm, mặt chứa đựng những lo âu, muộn phiền. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xập xệ nằm cuối bản Tam Liên, xã Tam Quang (Tương Dương), Nguyễn Văn Được kể về câu chuyện cuộc đời mình với chất chứa nỗi niềm của một người trải qua bao giông bão cuộc đời…

Sinh năm 1982, Được bị mẹ đẻ bỏ rơi cạnh mép suối phía sau bệnh viện. Đến nay cậu vẫn chưa thể hiểu nổi vì lý do gì mà người dứt ruột sinh ra lại nỡ vứt bỏ cậu. Hôm đó, khi đi dọc suối để nhủi cá, bà Lô Thị Pá, một phụ nữ dân tộc Thái nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh sắp kiệt sức. Sợ con ma rừng, ma suối trêu ngươi, bà Pá định cất bước đi nhanh nhưng âm thanh ấy càng phát ra não nề. Rồi linh tính của người phụ nữ mách bảo, bà Pá hướng về phía lùm cây, đi những bước thận trọng...

Vạch những tán lá um tùm, bà giật mình khi thấy một trẻ sơ sinh nằm giữa đống tã lót ẩm ướt, toàn thân tím tái, mắt nhắm nghiền, miệng mấp máy và phát ra tiếng khóc yếu ớt. Bản năng làm mẹ giúp bà Pá vượt qua bao nỗi sợ hãi, vượt qua những lời đồn thổi về con ma suối, bà cúi gập mình bế đứa trẻ lên. Dường như cảm nhận được đôi bàn tay đang ẵm trao truyền hơi ấm nên đứa trẻ hé đôi mắt ra nhìn một lúc rồi khép lại. Tiếng khóc nhỏ dần rồi ngưng bặt, hơi thở phập phồng. Bà Pá vừa định thần và tự suy luận: “Có lẽ thằng bé này bị mẹ đẻ bỏ rơi từ 1- 2 ngày trước, không hiểu vì lý do gì. Thật tội nghiệp, nó còn bé bỏng, nào có tội tình gì đâu mà phải chịu cảnh này. Nếu để lại đây chắc vài tiếng nữa nó sẽ chết, chi bằng ta cứ đưa nó về nhà may chăng còn cứu được...”.

Bỏ dở buổi nhủi cá, bà Lô Thị Pá bế đứa trẻ về nhà. Biết được đầu đuôi sự việc, ông Nguyễn Văn Kim (chồng bà Pá) mừng như bắt được vàng. Bởi lẽ, ông bà đã sinh liên tục 4 cô con gái, mong mãi vẫn chưa có con trai, trong khi bà Pá đã qua tuổi sinh nở. Biết đâu trời thương cảnh vợ chồng già nên mang đến cho một bé trai để làm chỗ dựa lúc xế bóng? Ông bà quyết định nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi và đặt tên là Được, lấy họ của ông Kim là Nguyễn Văn Được để ghi nhớ kỷ niệm về cuộc gặp gỡ tình cờ. Bà Pá đi khắp bản trên, bản dưới để xin sữa cho Được. Vợ chồng bà Pá nuôi Được trong cảnh khó khăn, chật vật. Có những đêm khuya, Được khát sữa, khóc ngặt cả tiếng đồng hồ, bà Pá chỉ biết ôm lấy con dỗ dành và mớm từng thìa cháo loãng. Nhưng ai cũng mừng cho gia đình bà Pá, bởi ngôi nhà nhỏ xập xệ gần bến đò bản Tam Liên có thêm tiếng khóc, tiếng cười và tiếng bi bô của con trẻ. Có thêm Được, cuộc sống khó khăn, vất vả hơn nhưng ông Kim, bà Pá không giấu được niềm vui, không khí gia đình thêm phần hạnh phúc.

Nguyễn Văn Được và mẹ nuôi trong ngôi nhà tạm.
Nguyễn Văn Được và mẹ nuôi trong ngôi nhà tạm.

Được lớn lên trong cảnh thiếu thốn đủ bề, ký ức của cậu vẫn còn ghi nhớ những năm tháng đói khổ, những bữa ăn toàn củ sắn, củ mài và rau rừng. Đến tuổi đi học, cậu được bố mẹ nuôi cho đến trường. Con đường học hành của Nguyễn Văn Được khá ngắn ngủi, vì bố mẹ ngày một già yếu, các chị lần lượt đi lấy chồng, Được trở thành trụ cột chính của gia đình. Nghỉ học, suốt ngày Được trằn mình giữa đồng ruộng và nương rẫy, khi xong việc lại ra sông, xuống suối câu cá, mò cua để kiếm cái ăn cho cả nhà. Được làm việc suốt ngày không ngơi tay, vì cậu luôn nghĩ đến ơn cứu mạng và chăm bẵm của bố mẹ nuôi, nay đến lúc bản thân phải nỗ lực đáp đền. Vợ chồng bà Pá vui sướng và hạnh phúc hơn ai hết, vì công lao nuôi nấng mấy chục năm qua không uổng phí và thật sự yên tâm trong những năm tháng tuổi già có chỗ dựa vững chắc.

Rồi ông Kim qua đời, ngôi nhà xập xệ cạnh bến đò bản Tam Liên chỉ còn hai mẹ con sinh sống. Ở chốn đồng không mông quạnh, luôn nơm nớp nỗi lo khi mưa lũ bất ngờ ập về, mẹ con Được quyết định vào làng tạm thời tá túc trong ngôi nhà của cháu gái đang làm ăn ở miền Nam.

Một lần, tình cờ Được gặp Lô Thị Ly, nhà ở xã Tam Thái, hai người cảm mến, yêu thương nhau và quyết định nên duyên vợ chồng. Ngày cưới, ai cũng mừng cho Được, mừng cho bà Pá, vì từ nay ngôi nhà hai mẹ con đang sinh sống sẽ có thêm người. Vợ chồng Được siêng năng làm lụng với ước mong sẽ tích cóp được ít tiền, dựng lại căn nhà vững chãi hơn để sinh con đẻ cái. Nhưng thật trớ trêu, khi dự định chưa thành, niềm vui mới được nhen lên đã vội tàn lụi. Ly mang thai đã sang tháng thứ 9, thời gian sinh nở chỉ tính bằng ngày thì tai họa bỗng dưng ập đến. Trên đường lên chợ huyện mua sắm quần áo, tã lót cho đứa con sắp sửa chào đời, Ly bị tai nạn giao thông.

Tỉnh dậy, Lô Thị Ly thấy mình nằm trong bệnh viện, khắp người đau đớn, chân tay không thể cử động. Các bác sỹ phẫu thuật để cứu đứa bé nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Trong giờ phút nguy nan ấy ai cũng có quyền hy vọng về một phép màu của cuộc sống. Được nín thở cầu mong vợ con mình sẽ tai qua nạn khỏi, sẽ hồi phục trở về với gia đình. Nhưng rồi sự đời không như mong ước, mấy tiếng sau Nguyễn Văn Được bàng hoàng, đau đớn nhận tin đứa trẻ đã bị chết ngạt khi còn ở trong bụng mẹ, nguyên nhân do cú va chạm dẫn đến chấn động quá mạnh. Còn Lô Thị Ly - vợ của Được rất ít khả năng hồi tỉnh, não bị tổn thương nghiêm trọng. Đất trời như quay cuồng, đất dưới chân như sụt từng mảng, Được khuỵu dần giữa sảnh bệnh viện, một khoảng không tối om ập đến trong mắt người đàn ông bất hạnh này...

Ngoài số tiền kẻ gây tai nạn bồi thường, Được bán con trâu tài sản duy nhất của gia đình và bán hết thóc lúa, rồi vay mượn thêm nhưng vẫn không thể nào cứu được vợ, vợ của Được vẫn không thể hồi tỉnh, chịu cảnh sống thực vật suốt đời. Được chăm sóc vợ bằng tất cả tình yêu thương và nuôi hy vọng một ngày kia người bạn đời sẽ hồi tỉnh, sẽ tiếp tục chung sống và xây dựng mái ấm gia đình, tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở. Nhưng cuối năm 2014, Lô Thị Ly từ giã cuộc đời, để lại cho Được một khoảng trống mênh mông, một sự hẫng hụt không dễ gì bù đắp được...

Sau những buổi làm đồng, làm rẫy, Nguyễn Văn Được dựng một cái lều nhỏ trong vườn và mua sắm đồ nghề để hành nghề cắt tóc, mong kiếm thêm đồng ra đồng vào. Anh chia sẻ: “Mới bước qua tuổi 30, tôi biết cuộc đời còn dài nên phải nỗ lực hết mình, mong sao sớm trả hết nợ nần và có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng cuộc đời rồi sẽ tươi sáng hơn...”.

Công Kiên - Hồ Phương

Mới nhất
x
Nỗi đau sẽ qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO