Nơi hạ thủy những con tàu bám biển
(Baonghean) - Vốn có truyền thống làm nghề mộc từ nhiều đời, thôn Phú Nghĩa, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) luôn được biết tới qua những bàn tay người thợ chạm trổ tài hoa, điêu nghệ. Đặc biệt là nghề đóng tàu truyền thống...
Được xem là nghề cha truyền con nối, ngoài công việc tham gia đánh bắt hải sản, người dân Quỳnh Nghĩa còn sản xuất ra những con tàu lớn vượt sóng ra khơi. Năm 2006, UBND tỉnh có quyết định thành lập "Làng nghề mộc dân dụng mỹ nghệ Phú Nghĩa", đây cũng là niềm động viên không chỉ cho người dân Phú Nghĩa nói chung mà trở thành động lực để những người thợ thuyền ở thôn Nghĩa Phú phát huy tay nghề trong việc đóng mới tàu thuyền. Với những người thợ nơi đây, mỗi chiếc tàu đều mang theo cả tấm lòng, niềm hy vọng tới ngư dân đi biển đầy khoang. Hơn bao giờ hết, để ngư dân có thể yên tâm bám biển dài ngày cần phải có những chiếc tàu vững chãi trước phong ba bão táp ngoài biển khơi".
Thợ đóng tàu ở Quỳnh Nghĩa kiểm tra công đoạn cuối để hạ thủy tàu có công suất 500 CV.
Những ngày này, xuống với bà con ngư dân, ngay từ đầu cầu Quỳnh Nghĩa đã râm ran tiếng đục đẽo, tiếng máy cưa, máy xẻ nhộn nhịp cả một vùng quê. Dưới chân cầu, những người thợ đang hí hoáy với công đoạn hoàn thiện lắp ráp những con tàu chuẩn bị cho hạ thủy, vươn ra biển cả. Cách đó không xa là cảng Lạch Quèn, hàng trăm chiếc tàu mang nặng cá tôm sau một chuyến ra khơi dài ngày, trên đỉnh cột buồm đều cắm những lá cờ Tổ quốc rực rỡ. Bao đời nay, ngư dân nơi đây vẫn kiên cường bám biển trên những con tàu do chính những bàn tay người thợ thuyền Phú Nghĩa làm ra.
Ông Đàm Văn Báu (60 tuổi), tâm sự: "Nghề đóng tàu thuyền đòi hỏi người thợ phải có bàn tay tài hoa, khéo léo trong từng chi tiết. Người thợ trẻ phải biết chịu khó quan sát, tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm từ các thợ cả mới thành thục được. Muốn đóng được những chiếc tàu bền, chắc ngoài yêu cầu đúng tiêu chuẩn về kỹ thuật, cách chọn nguyên liệu gỗ như săng lẻ và táu... cũng phải tỷ mẩn. Việc đóng xong một con tàu, thuyền có độc chắc chắn, bền đẹp chưa hẳn là thợ giỏi mà còn đòi hỏi tàu thuyền đó khi hạ thủy phải rẽ sóng, lướt gió có hiệu quả hay không". Ở làng nghề Phú Nghĩa còn lưu truyền nhiều người thợ cả khéo tay trong nghề được khắp nơi nể phục. Theo người dân ở đây cho biết, ở thôn Phú Nghĩa xưa kia có nhiều thợ cả đóng tàu nổi tiếng như ông Cầu Lan, Được Linh, Thịnh My, Phan Sơn... Những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ 20, ở chính mảnh đất này đã hình thành nên Hợp tác xã Bình Minh chuyên đóng tàu thuyền, nhiều thợ cả đã được tập hợp chuyên đóng mới, sửa chữa tàu thuyền giúp ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản. Đến nay, mặc dù không còn tồn tại hình thức hợp tác xã nữa nhưng nghề đóng tàu thuyền vẫn được phát triển theo hướng cha truyền con nối.
Qua lời giới thiệu của bà con, chúng tôi đến thăm cơ sở của anh Hồ Văn Huyền, một trong những chủ xưởng đóng tàu khá nổi tiếng nhiều năm nay ở làng Nghĩa Phú. Trong râm ran tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ, anh Huyền cho biết: "Mỗi năm, xưởng chúng tôi hạ thủy được từ 10 đến 12 chiếc tàu có công suất gần 500CV/chiếc. Xưởng có gần 20 lao động là con em địa phương thường xuyên có việc làm với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Thợ thuyền ở Nghĩa Phú vốn đã nổi tiếng từ lâu nên bà con ngư dân ở các địa phương thường tìm đến đặt hàng để đóng mới tàu thuyền. Từ đầu năm đến nay, bà con đặt hàng thêm so với năm ngoái 3 chiếc với công suất 300CV đến 500CV nên phải huy động thêm thợ tham gia đóng tàu".
Ông Hồ Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm nghề cá xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Thời gian qua, Hội đã tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện để giúp các chủ cơ sở đóng tàu mở rộng mặt bằng bến bãi, thuận lợi cho việc đóng mới tàu to, thuyền lớn. Mỗi năm, Quỳnh Nghĩa đóng mới và hạ thủy được trên 20 chiếc tàu có công suất gần 500CV/chiếc cho bà con ngư dân là khách hàng ở địa phương và các xã trong và ngoài tỉnh.
Ngọc Thái