Nói "không" với thất học

04/06/2015 18:00

(Baonghean) - Đó là anh La Văn Sao người Đan Lai trú bản Khe Bu (Châu Khê - Con Cuông). Nơi đại ngàn núi rừng heo hút này có những gia đình cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không ít trẻ thất học. Ấy vậy mà gia đình anh Sao hiện có 2 cô con gái đang theo học đại học, một điều rất hiếm trong cộng đồng những người Đan Lai.

Lập gia đình từ hai bàn tay trắng, từng sống trong cảnh bữa no, bữa đói suốt nhiều năm nên anh thấu hiểu hơn ai hết cái cảnh nghèo nơi đây. Anh cho rằng một nguyên nhân lớn khiến dân bản vẫn nghèo đó là vì “có quá ít cái chữ trong đầu”. Chính vì suy nghĩ như vậy nên anh quyết chí không để 3 người con phải chịu cảnh thất học. “Dù cha mẹ có nghèo hèn mấy cũng phải lo cho con ăn học đến nơi, đến chốn”, anh luôn nhắn nhủ bản thân như vậy.

Anh La Văn Sao và những đõ ong rừng.
Anh La Văn Sao và những đõ ong rừng.

Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên cho con đi học anh Sao không khỏi ngậm ngùi: Ngày đầu đưa con đi học xa, không có tiền, mình bàn với vợ bán đi vườn tre mét. 40 bụi tre đã đến kỳ khai thác mà chỉ bán được 500 nghìn đồng, chỉ đủ tiền xe đưa con đi nhập trường...

Bây giờ thì những ngày tháng gian khó ấy cũng đã qua đi. Nhờ nỗ lực bản thân, anh chị đã trở thành gia đình có kinh tế vào loại khá trong bản. 2 đứa con gái lớn của anh Sao chuẩn bị bước vào năm học cuối, cháu lớn học ngành Luật ở Trường Đại học Vinh, cháu thứ 2 đang học Trường Cao đẳng Sư phạm. “Nhìn con nhà tôi thi đỗ đại học, ở Bản Khe Bu này có một số gia đình cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc học hơn. Có người trong bản nói với tôi: Nhà anh Sao trước kia khó khăn như thế mà nuôi 3 đứa con ăn học, mình cũng nên làm theo”. Người đàn ông sống đầy lạc quan này lại nở một nụ cười.

Chị Lô Thị Vân (vợ anh Sao) chia sẻ: Để có 4 triệu đồng mỗi tháng cho 3 đứa con đi học, họ đã lao động rất cật lực. Mỗi ngày hai người phải vượt đèo, lội suối băng rừng để chặt nứa, hái măng về phơi khô bán lấy tiền cho con ăn học. Ngoài ra gia đình anh Sao còn trồng cây keo nguyên liệu và nuôi lợn mới đủ tiền để trang trải và chu cấp cho con.

Bản Khe Bu cách xa trung tâm huyện khoảng 40 km, có 149 hộ, 740 nhân khẩu chủ yếu là người Đai Lai. Cuộc sống của người dân nơi đây còn đặc biệt khó khăn, có những gia đình còn thiếu ăn vì vẫn sống dựa vào săn bắt, hái lượm. Ở nơi đây vẫn còn những em nhỏ học xong cấp 1, cấp 2 là phải ở nhà giúp đỡ gia đình kiếm sống. Chính vì vậy, những nỗ lực của gia đình anh La Văn Sao, chị Lô Thị Vân là tấm gương đáng quý của cộng đồng người Đan Lai. Họ là những người hiếm hoi trong cộng đồng quyết chí nói “không” với thất học.

Phương Lan - Hữu Vi

Mới nhất
x
Nói "không" với thất học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO