Nơi làm lại đời mình
(Baonghean.vn) - Đến thăm Trung tâm Giáo dục LĐXH huyện Quế Phong vào một ngày mùa đông giá rét, thời tiết dường như lạnh hơn đồng bằng bởi độ cao và núi rừng bao phủ. Trung tâm mới thành lập được hơn 4 tháng nhưng đã tiếp nhận hơn một trăm người nghiện ma túy vào cải tạo. Họ tự nguyện vào đây với hi vọng một ngày được hòa nhập với cộng đồng, được làm chủ chính bản thân mình và không vướng vào "làn khói trắng" chết người ấy nữa.
(Baonghean.vn) - Đến thăm Trung tâm Giáo dục LĐXH huyện Quế Phong vào một ngày mùa đông giá rét, thời tiết dường như lạnh hơn đồng bằng bởi độ cao và núi rừng bao phủ. Trung tâm mới thành lập được hơn 4 tháng nhưng đã tiếp nhận hơn một trăm người nghiện ma túy vào cải tạo. Họ tự nguyện vào đây với hi vọng một ngày được hòa nhập với cộng đồng, được làm chủ chính bản thân mình và không vướng vào "làn khói trắng" chết người ấy nữa.
Trò chuyện với giám đốc trung tâm Lô Văn Định, được biết: Ở đây chỉ có một học viên nữ duy nhất tự nguyện xin vào cải tạo. Cuộc đời nhiều khổ đau, chỉ vì dại dột mà cô đã tự hại đời mình. Đó là Lô Thị Liên (SN 1994).
Liên sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có ba chị em ở bản Tạng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Toàn bản là người dân tộc Thái, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Học xong lớp 9, vì nhà nghèo nên Liên nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi hai em nhỏ. Hằng ngày, Liên cùng cha mẹ lên rẫy trồng sắn, ngô, tối lại về căn nhà rách nát.
Mới 15 tuổi, Liên đã phải cùng mẹ gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình do bố bị tai nạn nằm một chỗ trong một lần vào rừng săn thú. Làm việc vất vả là vậy, nhưng suốt ngày Liên vẫn bị mẹ chửi mắng. Và trong một lần theo bạn xuống huyện Quỳ Châu buôn chuối về bán, mẹ Liên tưởng con bỏ đi chơi nên chửi mắng thậm tệ. Liên tâm sự trong nước mắt: "Mẹ bảo em lớn rồi mà suốt ngày lêu lổng, chẳng được tích sự gì. Quá ấm ức em đã bỏ nhà ra đi".
Những ngày giận mẹ, Liên đã theo đám bạn xấu suốt ngày tụ tập uống rượu. Sau những cuộc vui không có điểm dừng đó, Liên bị bạn bè rủ rê và dính vào ma túy. "Quá giận mẹ nên em đã không làm chủ được mình. Cứ mỗi lần đi với chúng bạn, nó lại đưa cho em một ít bột trắng bảo là hít vào cho đỡ buồn. Em biết đó là ma túy nên từ chối, nhưng rượu vào nên em đã không làm chủ được mình, lâng lâng vì men rượu, em đã thử và dần dần cảm thấy thèm mỗi khi không có nó".
Sau những ngày lang thang cùng đám bạn, cuối cùng Liên cũng trở về xin lỗi mẹ và bảo mình đã nghiện ma túy. Người mẹ đó không nói được gì mà chỉ ôm con vào lòng khóc nức nở, bà cũng nhận ra rằng một phần lỗi là tại mình. Cứ tưởng Liên trở về là để làm lại cuộc đời, nhưng không ngờ Liên về là để tìm mọi cách moi tiền thỏa mãn cơn thèm khát ma túy đang thường trực trong người. Đó là những tháng ngày bi kịch, đau lòng của gia đình Liên.
Chưa đầy 17 tuổi, nhưng không gì là Liên không biết. Vào rừng hít ma túy, chạy về miền xuôi ăn chơi đàn đúm, Liên đều tham gia hết. Không thể để con lêu lổng và dấn sâu vào ma túy, người mẹ ấy đã trói Liên lại và đưa ra những lời nói thắt lòng để cho Liên sớm tỉnh ngộ. Chứng kiến cảnh đàn em thơ ăn uống khổ sở, người cha nằm một chỗ, mẹ thì lặn lội khắp nơi kiếm bữa cơm bữa cháo cho cả nhà, Liên như hiểu ra tội lỗi của mình và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Được trưởng bản, gia đình và người thân động viên, Liên quyết tâm tự nguyện vào Trung tâm LĐXH huyện Quế Phong để cai nghiện. Trung tâm này chỉ có Liên là nữ: "Những ngày đầu vào đây em cũng khó khăn lắm. Chích, hút quen rồi nên khi không có thuốc thấy thèm lắm, em vật vã như một con thú, nhưng em đã tự hứa với lòng mình là quyết tâm cai bằng được để về với gia đình nên dần dần em đã cắt được cơn nghiện", Liên chia sẻ. Sống trong môi trường toàn đàn ông cũng có phần bất tiện, nhưng theo như Liên nói thì đó cũng là cơ hội để cô nhìn lại chính mình. Liên ước mơ sau khi ra khỏi Trung tâm, sẽ mở một ki-ốt kinh doanh hàng tạp hóa để san sẻ nỗi lo cơm áo với mẹ.
Ở Trung tâm, cũng có một trường hợp nữa khá đặc biệt. Đó là ông Lô Văn Việt, đã bước vào tuổi "cổ lai hy" cũng lỡ nghiện. Ông kể, năm 2010, đi làm thợ mộc ở xã Tri Lễ, nơi đây đồng bào chủ yếu là dân tộc Mông. Trong những ngày làm thuê nơi đất khách, ông Việt đã nghiện ma túy lúc nào không hay. "Có lần tôi được những người trong bản mời hút ma túy miễn phí, thấy hay hay lại miễn phí nên tôi cũng thử. Ai ngờ, một lần, 2 lần rồi tôi bị nghiện luôn".
Khi biết ông bị nghiện, bà vợ là Vi Thị Nga và bốn đứa con đã tích cực vận động ông từ bỏ ma túy để được sống những ngày vui vẻ còn lại của cuộc đời. Ông đã nghe theo. Khi Trung tâm Giáo dục LĐXH huyện Quế Phong được thành lập, ông tự nguyện vào đây để cải tạo. Ở đây, ông là người lớn tuổi nhất. Sau nhiều tháng vật lộn với cơn thèm khát ma túy, nay ông đã hoàn toàn cắt cơn, chờ phục hồi sức khỏe để trở về với vợ con. Ông Việt chia sẻ: "Sau khi được trở về với gia đình, tôi sẽ không bao giờ dám thử một lần cái chất chết người ấy nữa. Tôi cũng mong con cháu, những lớp trẻ ngày nay hãy vì tương lai của chính mình mà nói không với ma túy, không bao giờ thử dù chỉ một lần".
Ông Lô Văn Định, Giám đốc Trung tâm LĐXH huyện Quế Phong cho biết: "Trong số hơn trăm học viên thì cháu Liên và ông Việt là hai nhân vật rất đặc biệt, được nhiều người để ý đến. Họ là những học viên tiêu biểu cho sự vươn lên, làm lại cuộc đời. Qua gần năm tháng cải tạo, các học viên rất có ý thức tốt. Trung tâm chúng tôi cũng hết sức tạo điều kiện cho các học viên nói chung và những người như cháu Liên, ông Việt nói riêng, cải tạo tốt, để họ sớm trở về với gia đình và xã hội".
Phạm Hòa