Nỗi lo bị phạt oan khi đội mũ bảo hiểm “rởm”

07/03/2013 13:55

Từ ngày 15/3-15/4, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tiến hành tuyên truyền cho người dân về chất lượng mũ bảo hiểm và cách sử dụng. Sau ngày 15/4, lực lượng liên ngành sẽ ra quân xử phạt các trường hợp đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Thông tin trên được ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đưa ra tại buổi giao ban trực tuyến công tác tháng Ba do Bộ Công thương tổ chức ngày 4/3 đang được dư luận hết sức quan tâm.

(Baonghean) - Từ ngày 15/3-15/4, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tiến hành tuyên truyền cho người dân về chất lượng mũ bảo hiểm và cách sử dụng. Sau ngày 15/4, lực lượng liên ngành sẽ ra quân xử phạt các trường hợp đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Thông tin trên được ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đưa ra tại buổi giao ban trực tuyến công tác tháng Ba do Bộ Công thương tổ chức ngày 4/3 đang được dư luận hết sức quan tâm.

Đi dọc nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Vinh, không khó để bắt gặp những hàng quán bán mũ bảo hiểm (MBH) cách điệu cùng một tiêu chuẩn "3 không": không dấu hợp quy (tem CR), không lớp xốp tản lực khi va đập, không địa chỉ nhà sản xuất, đang được bày bán công khai. Những loại mũ này được các nhà sản xuất đăng ký tên gọi như mũ thời trang dành cho người đi bộ, đi xe đạp và thể thao nhằm để lách luật... Cái thì được bọc vành bằng một lớp nhôm mỏng, cái thì được khoét phía sau cho phái nữ tránh bị xẹp tóc... Mỗi chiếc MBH nặng cỡ vài lạng; giá bán trung bình từ 25.000 - 50.000 đồng/cái. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy những loại mũ này không đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng, tuy nhiên đây vẫn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng bởi giá rẻ và thuận với tâm lý... đối phó. Bên cạnh đó, một số loại mũ có dán tem hợp quy CR nhưng không ghi nơi sản xuất, chất liệu, kích cỡ... thì có thể khẳng định là MBH giả, hàng nhái không đạt quy chuẩn.



Mũ bảo hiểm giả, không đạt chất lượng bán tràn lan trên thị trường TP. Vinh.

Ghé vào mua một chiếc MBH trên vỉa hè đường Lê Duẩn (TP. Vinh), chúng tôi được chủ hàng cho biết: "Thanh niên bây giờ rất ưa chuộng loại mũ này vì chúng sành điệu, màu sắc đa dạng để phối với quần áo, mà quan trọng là đội vừa nhẹ, vừa rẻ. Mỗi ngày tôi cũng bán được khoảng 20 cái MBH thời trang. Từ khi bán hàng loại này chưa thấy đơn vị nào đến kiểm tra chất lượng sản phẩm, chỉ sợ đội quản lý trật tự của phường thu giữ hàng vì bày bán lấn chiếm vỉa hè, làm mất cảnh quan đô thị”... Khi được hỏi có biết việc sắp tới sẽ có quy định cấm đội MBH kém chất lượng lưu thông trên đường?, anh nói: "Cũng đã nghe thông tin nhưng hàng tồn còn nhiều, giờ có khách hàng trả giá thấp hơn niêm yết thì cũng bán để giải phóng hàng tồn kho”.

Không riêng gì trên tuyến đường Lê Duẩn, nhiều vỉa hè các tuyến đường như Lê Hồng Phong, Nguyễn Sỹ Sách... là nơi kinh doanh nhiều loại MBH tự do, hiếm khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Từ rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra cho thấy, nạn nhân bị chấn thương sọ não hoặc tử vong do đội MBH không đảm bảo an toàn. Có trường hợp chỉ va chạm nhẹ, MBH cũng vỡ vụn và găm vào cơ thể rất nguy hiểm. Kể từ khi Nghị quyết 32 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đội MBH khi tham gia giao thông được thực hiện, người dân đã có ý thức hơn với việc đội MBH để giảm thiểu nguy cơ rủi ro. Những quy định về nhập khẩu, sản xuất, lưu thông MBH cũng đã có đầy đủ, nhưng việc xử phạt đơn vị vi phạm đang còn coi nhẹ, nên MBH giả, hàng kém chất lượng nhờ đó mà tồn tại suốt thời gian qua.

Nhằm ngăn chặn tình trạng người dân đội MBH kém chất lượng, nhái kiểu dáng với mục đích đối phó với cơ quan chức năng cũng như sự lấn át thị trường của những cơ sở sản xuất MBH giả, mũ thời trang nhái kiểu MBH, ngày 28/2/2013, các bộ Công thương, Khoa học công nghệ, Giao thông Vận tải và Công an cùng ký Thông tư liên tịch về "Quy định sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy". Thông tư này tạo ra hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng đủ cơ sở, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH. Điểm đáng chú ý là sẽ không chỉ quy trách nhiệm cho nơi sản xuất, kinh doanh mà bao gồm cả người sử dụng. Và việc xử phạt này có thể bắt đầu được áp dụng từ ngày 15/4/2013, người dân sử dụng loại MBH không đạt quy chuẩn để "đối phó" sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như hành vi không sử dụng MBH...

Thông tin về quy định xử phạt cơ sở sản xuất và người sử dụng MBH giả đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Phần đông đều ủng hộ việc "dẹp loạn" MBH giả bằng cách phạt thật nặng từ cơ sở sản xuất để không còn nguồn cung, nhưng việc phạt người tiêu dùng lại khiến nhiều người dân lo ngại. Anh Nguyễn Đức Toàn (ở xóm 16 - xã Hưng Lộc) bày tỏ: "Chúng tôi muốn sở hữu những chiếc MBH đảm bảo chất lượng, theo đúng quy chuẩn của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các loại mũ giả được làm ngày càng tinh vi, đánh lừa người tiêu dùng, chính vì vậy không ít người đã mất tiền oan và vẫn phải dùng hàng kém chất lượng. Giả thiết đến ngày 15/4, khi cơ quan chức năng đồng loạt ra quân xử phạt người tham gia giao thông về hành vi đội MBH không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thị trường vẫn bán công khai những loại mũ này thì ai mới là người đáng phạt. Người đội mũ, người bán mũ hay nhà sản xuất mũ giả đáng bị phạt?". Anh Hoàng Lê Minh, nhân viên kinh doanh Viễn thông Cửa Lò cho biết: "Không chỉ các điểm bán hàng trên vỉa hè mới, ngay cả các cửa hàng lớn cũng có MBH. Nếu chỉ căn cứ vào tem dán trên mũ thì rất dễ mua nhầm, vì hàng “nhái” cũng có dán tem CR. Tôi nghĩ cần có một loại mũ chung được quy định cụ thể để người dân có thể trang bị đúng và khi ra đường sẽ không lo bị xử phạt oan”.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Nghệ An) nêu quan điểm: Nếu xử phạt người đội MBH giả, theo tôi cũng có nhiều điểm không ổn. Bởi bản thân người tiêu dùng cũng chỉ là nạn nhân của hàng giả, giống như khi họ mua phải mặt hàng gas, thuốc tây hay sữa giả... Rõ ràng, “lỗi” mũ giả trước hết ở người sản xuất, kinh doanh, sau là đến cơ quan quản lý! Dù trên thực tế, không ít nam thanh, nữ tú thích chọn mũ “rởm” nhưng thời trang hơn là đội mũ xịn với kiểu dáng đơn điệu, nhiều người vì ham rẻ nên vẫn mua.

Để ngăn chặn tình trạng mũ kém chất lượng tràn lan như hiện nay cần phải tập trung xử lý mạnh ở khâu sản xuất và kinh doanh, đó mới là biện phạt xử lý triệt để từ gốc vấn đề. Và không thể nói phạt là phạt ngay được, mà phải có lộ trình nhất định; trước hết phải có chiến dịch truyền thông, thu hồi mũ giả, đổi mũ giả lấy mũ thật có phụ thêm tiền; phân định rạch ròi trách nhiệm của ngành Giao thông, Công thương, Công an và người tham gia giao thông để có cơ sở cụ thể cho việc xử phạt".

Theo ông Nguyễn Minh Thọ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, nhiệm vụ của Quản lý thị trường là xử phạt hàng giả, hàng nhái... và cũng phải có địa điểm cụ thể mới xử phạt được. Còn tình trạng bán MBH giả tràn lan không địa chỉ như hiện nay thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả chính quyền phường, xã, trật tự đô thị... Sau khi lực lượng này bắt một vụ bán hàng nào đó thì quản lý thị trường mới có thể đến lập biên bản về việc bán hàng giả, hàng không đạt chất lượng quy định.

Để rõ hơn về dự thảo thông tư liên Bộ quy định về MBH, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường, Chất lượng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nghệ An cho biết: "Đối tượng chính để xử phạt là nhà sản xuất và kinh doanh, còn việc xử phạt người tiêu dùng chỉ là một khía cạnh nhỏ của Thông tư này. Thông tư đưa người tiêu dùng vào đối tượng xử phạt để họ nâng cao ý thức về việc sử dụng các sản phẩm chất lượng, đặc biệt là MBH, để bảo vệ an toàn cho mình khi tham gia giao thông". Điều đáng lo ngại là hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng khi mua MBH đang quên dần tiêu chí phải đảm bảo quy chuẩn chất lượng theo QCVN 02: 2008/BKHCN. Nếu như trước đây, yếu tố chất lượng MBH được nhiều người tiêu dùng đặt lên hàng đầu khi mua hàng, thì nay các loại tem được gắn trên MBH như CR cũng ít được chú ý. Việc họ mua và đội MBH chỉ để che mưa, nắng, cốt tránh không bị cảnh sát giao thông lập biên bản chứ chưa thực sự đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu".

Để phân biệt mũ thật, mũ giả, người tiêu dùng có thể căn cứ vào tem CR và giấy chứng nhận hợp quy của mỗi loại MBH. Giấy chứng nhận hợp quy sẽ được nhà sản xuất cung cấp cho các đại lý chính hãng, nên khi mua, người tiêu dùng có thể yêu cầu người bán cho xem giấy chứng nhận để đối chiếu kiểu dáng mẫu. Nếu doanh nghiệp kinh doanh mà in tem CR nhưng không được chứng nhận chất lượng thì đó là hành vi làm giả chứng nhận. Mũ đạt chuẩn phải có đủ 3 bộ phận là vỏ mũ; đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Ngoài ra, mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn đối với hàng sản xuất trong nước phải ghi nhãn bằng tiếng Việt, tên sản phẩm phải có cụm từ "Mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy"; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; xuất xứ hàng hóa (đối với hàng nhập khẩu), cỡ mũ, tháng, năm sản xuất...

Với quy định mới này, liệu rằng MBH kém chất lượng có hết “đất sống”, người tham gia giao thông có tạo được một phong trào tẩy chay MBH rởm giống như phong trào toàn dân đội MBH vào năm 2008? Thiết nghĩ, để quy định sớm đi vào cuộc sống, trước mắt nên áp dụng sớm việc thí điểm xử phạt đối với người đội MBH không đạt chuẩn tại một số tỉnh, thành phố lớn trước khi nhân rộng. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân khi điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy trên đường. Khi người tiêu dùng nói không với MBH kém chất lượng, tẩy chay MBH rởm từ gốc thì mới đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông, số người dân chấp hành đã đạt tỷ lệ 90%. Thế nhưng, trong số đó chỉ có 30% người dân đội MBH đạt chất lượng, còn 70% là mũ giả, kém chất lượng...


Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất
x
Nỗi lo bị phạt oan khi đội mũ bảo hiểm “rởm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO