Nỗi lo của nhà quản lý

08/07/2013 20:48

Số liệu chính thức cho thấy, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 50% kế hoạch cả năm. Một số chuyên gia nhìn nhận, với bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì đó là sự cố gắng lớn.



Ảnh minh họa

Xung lực có được từ mức kim ngạch như vậy cộng với điều được đánh giá là có tính quy luật xuất khẩu thường “phát” về cuối năm là lý do để nhiều người tin rằng, kim ngạch cả năm có nhiều cơ hội đạt hoặc thậm chí vượt chỉ tiêu đề ra.

Kỳ vọng là vậy, nhưng liệu sự kỳ vọng ấy có thành hiện thực? Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhìn nhận, để đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm thì các tháng còn lại của năm 2013 phải xuất đi nhiều hơn các tháng đầu năm cỡ 700 triệu USD/tháng với điều kiện: Giá các mặt hàng nông sản vẫn “đứng” như hiện tại.

Ông Phan Văn Chinh còn dẫn ra câu chuyện xuất phát từ những quy định mới về thời hạn nộp thuế và ân hạn thuế có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, ân hạn thuế với hàng gia công xuất khẩu và hàng nhập khẩu phục vụ xuất khẩu là 275 ngày đối với doanh nghiệp có hồ sơ lý lịch tốt (hay còn gọi là luồng xanh). Tuy nhiên, thực tế khi triển khai tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, quy định này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước.

Nếu không thuộc luồng xanh, doanh nghiệp phải nộp thuế trước hoặc có bảo lãnh của ngân hàng mới được thông quan. Hiện nay, 70% hàng nhập khẩu về Việt Nam là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn, lãi suất, nay lại phải trả thêm phí bảo lãnh của ngân hàng, khiến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng cao.

Thêm vào đó, chính sách hoàn thuế VAT theo Công văn 7527 của Bộ Tài chính mới đây (kiểm tra trước, hoàn sau) đang khiến các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản bị thiếu vốn hoạt động, bởi lượng tiền hoàn thuế lên tới 40 - 50 tỷ đồng/tháng/doanh nghiệp.

Một giải pháp ở đây, theo ông Chinh, là các hiệp hội ngành hàng cần chủ động bám sát đời sống kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời cùng với các cơ quan quản lý tháo gỡ các khó khăn.

Dễ dàng nhìn nhận một nét mới trong điều hành xuất nhập khẩu là cơ quan quản lý đã kịp thời và thẳng thắn đặt lên bàn những khó khăn, vướng mắc có thể xảy đến với doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là với những sản phẩm mang bản sắc và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như cá tra, lúa gạo. Mới đây nhất, ngày 5/7/2013, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu gạo và thủy sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ động nhận diện chính sách để kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp là điều cần làm lúc này - đúng như chỉ đạo mới đây của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại cuộc giao ban 6 tháng đầu năm.


Theo (baocongthuong) - P.H

Mới nhất
x
Nỗi lo của nhà quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO