Nỗi lo mùa mưa

02/09/2012 19:53

(Baonghean) Chiếc xe công nông ì ạch, gầm rú mãi mới nhích ra khỏi “đường nguyên liệu vùng chè”, với sự giúp sức của gần chục thanh niên. Chỉ với cơn mưa nhỏ mà con đường đã nhão nhoét, ngay sau khi bà con xóm 15 (xã Thanh Mai - huyện Thanh Chương) tập trung công sức đắp lại để chuẩn bị cho mùa thu hoạch chè trong mùa mưa.

Từ Xí nghiệp chè Ngọc Lâm đi vào đường vốn là đường mòn Hồ Chí Minh cũ, chúng tôi thấy nhiều đoạn đường vừa được “gia công” xong, nền đường được tôn cao nhưng chưa kịp đưa vào sử dụng lại bắt đầu nhão nhoét, lầy thụt. Ông Nguyễn Như Đạo (Trưởng Chi hội CCB xóm 15 - Thanh Mai) cho biết: Xóm 15 nằm trong vùng chè nguyên liệu của Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, với 45 hộ trồng chè. Năng suất chè vùng này khá cao, bình quân lên tới 22- 23 tấn/ha/năm, với mức giá hiện tại khoảng 2.600 đồng/kg, thu nhập từ chè được coi là ổn định, nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.



Tuyến đường nguyên liệu vận chuyển chè, sắn, keo ở Thanh Mai (Thanh Chương) lầy thụt trong những ngày mưa.

Tuy nhiên, người trồng chè còn không ít những âu lo, nhất là việc vận chuyển chè khi mùa mưa sắp đến. Mặc dù đã huy động sức dân đóng góp công sức, tiền của, xí nghiệp và xã hỗ trợ thêm, thuê máy xúc đất đá ngoài bờ sông về để đổ tôn đường lên, lấp đầy các đường rãnh, hố voi trên đường, nhưng chỉ được ít ngày, xe chở chè, keo, sắn chạy qua, lại trở về như cũ. Đường chính đã thế, ở các tuyến đường nhỏ tình trạng còn tồi tệ hơn. Các khu vực Mái Tầm, Khe Đá, Ba Cống (giáp xã Thanh Hương) muốn đi ra đến điểm thu mua của xí nghiệp cũng phải trên dưới chục cây số, đường nhỏ, hoàn toàn là đường đất, nhiều đoạn còn phải qua khe suối. Đến mùa mưa, đi lại còn khó, nói gì đến chuyện vận chuyển chè.

Tình trạng xuống cấp, không được đầu tư hệ thống giao thông vùng nguyên liệu chè ở Thanh Chương đã dẫn đến những thiệt hại không nhỏ. Con đường dẫn vào nhà chị Nguyễn Thị Mai (xóm 15 - Thanh Mai) vừa nhỏ, vừa lầy lội. Lội qua con suối cạn, chị kể: Nhà có hơn 1 ha chè nhưng cách đường chính và điểm thu mua tới hơn 5 km. Vào mùa tạnh ráo, tuy đường khó đi nhưng chị vẫn chở chè đi nhập bình thường, nhưng chỉ cần một trận mưa lớn là con suối nhỏ này trở thành “sông”. Mùa thu hoạch chè kéo dài từ tháng 2 đến tháng 12 hàng năm, mỗi tháng chị thu hái một lần. “Khổ nhất là vào cữ tháng 8 trở đi. Chè đến “hạn” không cắt không được, chờ cho hết mưa thì chè cũng đã vươn dài, già và không đáp ứng được tiêu chuẩn chế biến. Có lần mưa to quá, qua khe nước dâng đến cổ, vợ chồng chủ quan, vậy là cơm cũng không có để ăn chứ chưa nói chi đến chuyện chở chè đi nhập” - Chị Mai chán nản nói.

Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Ngọc Lâm (Thanh Chương) có vùng nguyên liệu rộng khoảng 500 ha. Theo ông Nguyễn Bá Trị - Giám đốc Xí nghiệp, hàng năm, sản lượng chè búp tươi của đơn vị đạt bình quân gần 3.500 tấn, sản phẩm chè khô các loại đạt trên 750 tấn. Hoạt động của xí nghiệp đã góp phần không nhỏ để ổn định và nâng cao mức sống cho 166 CBCNV cũng như người dân vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn có tính “thời vụ” như thời tiết bất lợi, tiêu thụ sản phẩm có lúc khó về đầu ra..., thì một khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người trồng chè là hệ thống đường giao thông trong vùng nguyên liệu rất xấu. Vùng nguyên liệu 500 ha của xí nghiệp trải dài trên địa bàn hai xã Thanh An và Thanh Thủy là những địa phương có khó khăn khá đặc thù về đường giao thông, do địa bàn rộng, nhiều dốc núi.

Những năm qua, nhất là từ năm 2005 đến nay, đơn vị đã trích tiền, cùng người dân và các xã vùng nguyên liệu góp lại, đổ bê tông được một số tuyến đường. Nhưng, tổng chiều dài hơn 6 km đường đã được đổ bê tông đó cũng chỉ chủ yếu phục vụ dân sinh và một số xe vận tải nhỏ có thể chạy được, không phù hợp cho vận chuyển chè vì xe tải trọng lớn không đi được.

Trong khi đó, do địa bàn rộng, từ nhiều vùng như Hói Lâm (Thanh An), muốn ra điểm thu mua cũng phải mất gần 10 km, ra tới xí nghiệp là gần 20 km, hoàn toàn là đường đất. Do chè là mặt hàng tươi sống, đòi hỏi phải được chế biến càng sớm càng tốt sau khi thu hái nên xí nghiệp cũng như người trồng chè thường phải thuê xe cẩu lên đào rãnh cho xe chở chè lưu thông, tình trạng xe mắc kẹt hàng chục tiếng đồng hồ cũng đã xảy ra. Và hệ lụy tất nhiên là hàng chục tạ chè tươi phải bỏ vì ôi, hỏng...

Với quy hoạch 5.000 ha chè và hiện đã có 3.600 ha, Thanh Chương là vùng trọng điểm chè của tỉnh. Cây chè thích hợp với vùng đất trung du miền núi, với mức thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, nhiều năm qua, đây thực sự là loại cây xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Trên địa bàn, đường giao thông vùng chè chủ yếu tập trung ở vùng nguyên liệu của 3 xí nghiệp là Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, Hạnh Lâm và Thanh Mai, nhưng hầu hết là đường đất.

Ngoài ra, người dân trồng chè rải rác ở các vùng đồi gần rừng, có vùng khá tập trung nhưng cũng có nhiều vùng nằm phân tán, vận chuyển chè chủ yếu kết hợp đường giao thông thôn xóm. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - ông Phan Đình Hà trăn trở: Là mặt hàng đòi hỏi chế biến ngay sau thu hái, nên để cây chè thực sự đem lại hiệu quả cao, giao thông là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Biết là vậy, nhưng ngân sách huyện không thể đáp ứng được, nên nhiều năm qua, nâng cấp hệ thống giao thông vùng chè nguyên liệu không được nhiều, chủ yếu vẫn là lồng ghép, nhờ sự đầu tư của một số chương trình khác như Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Chương trình 135 và người dân tự đầu tư tu sửa với sự hỗ trợ ít ỏi của địa phương.


Phú Hương

Mới nhất
x
Nỗi lo mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO