Nơi mùa Xuân ở lại...

20/01/2012 10:50

(Baonghean.vn) - Khác với cái giá lạnh của thời tiết, không khí ngày áp tết Nhâm Thìn tại Khu điều dưỡng thương bệnh binh tâm...

(Baonghean.vn) -Khác với cái giá lạnh của thời tiết, không khí ngày áp tết Nhâm Thìn tại Khu điều dưỡng thương bệnh binh tâm thần kinh Nghệ An thật đầm ấm, vui tươi. Xa gia đình, xa người thân, các thương bệnh binh không chỉ được cán bộ công nhân viên chăm sóc bằng cả tấm lòng mà còn được tổ chức vui tết, đón xuân như ở nhà mình…

Chúng tôi đến thăm Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An vào một ngày áp tết nguyên đán, khi cán bộ công nhân viên đang tất bật chuẩn bị tết cho các thương bệnh binh. Người thì vo nếp, rửa lá, chẻ lạt để gói bánh chưng, người thì dọn dẹp phòng ốc, phơi phong chăn màn cho bệnh nhân và trang hoàng hội trường lớn để đón giao thừa. Tốp khác thì đang nhổ cỏ, quét dọn trong khuôn viên. Dưới gốc cây đại, một nữ y tá trẻ đang tập cho một nhóm thương bệnh binh hát các bài hát về mùa xuân. Những khuôn mặt vô tư ngơ ngác và nụ cười thật hiền say sưa với “Xuân chiến khu”, “Mùa Xuân nho nhỏ”...




Hộ lý Nguyễn Văn Trình chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm



Thăm, tặng quà bệnh nhân Khu Điều dưỡng thương bệnh binh tâm thần kinh.



Những cựu binh chung vui trong ngày Tết.

Ở một góc khuất,hộ lý Nguyễn Văn Trình đang lặng lẽ và cần mẫn với công việc cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay, móng chân cho thương bệnh binh.Gần 21 năm phục vụ ở Khu Điều dưỡng, anh đã quá quen với công việc này. “Để họ ngồi yên cho mình cạo râu, cắt tóc, phải dỗ dành như trẻ con, vừa thủ thỉ kể chuyện, vừa pha trò để thu hút họ… Đó là chưa kể những lúc họ lên cơn, bệnh nhân đánh đuổi bác sỹ, hộ lý là chuyện thường tình), anh Trình chia sẻ.

Trung tâm hiện đang chăm sóc 96 thương bệnh binh, tỷ lệ thương tật 81% trở lên và một số đối tượng xã hội.Trong ký ức của những người cựu chiến binh ấy dường như chỉ có sự ác liệt của chiến tranh và một thời tuổi trẻ hăm hở ra đi vì Tổ quốc. Có người không còn thân nhân, có người vẫn còn gia đình nhưng họ lại quá nghèo, cha mẹ già yếu không thể chăm sóc.Hơn nữa họ có thể lên cơn kích động và gây nguy hiểm cho người thân của mình bất cứ lúc nào.Bởi vậy bao nhiêu năm họ vào trung tâm là bấy nhiêu năm họ đón tết ở đây. Và các y tá, y sỹ, hộ lý của trung tâm, ngoài công việc của người thầy thuốc còn chính là gia đình, người thân của họ. Những ngày vui Tết, đón Xuân cũng chính là những ngày mà thương bệnh binh cần có sự sẻ chia, quan tâm nhiều nhất. Bởi vậy ngoài việc lo cho thương bệnh binh có một cái tết đủ đầy, tươm tất với bánh kẹo, hoa quả, bánh chưng, quất, đào… cán bộ, nhân viên Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ để động viên tinh thần của bệnh nhân.

Đêm giao thừa hàng năm thực sự trở thành ngày hội của các thương bệnh binh. Nhiều người bình thường chẳng nhớ gì ngoài tiếng hét “xung phong” là ký ức trong những trận giao tranh khốc liệt và hình ảnh cô giao liên má lúm đồng tiền với hai bím tóc trên tuyến lửa... nhưng trong đêm giao thừa cũng tham gia các tiết mục văn nghệ một cách hào hứng, say sưa. Ít ai biết rằng để có những phút giây ấm cúng cho các thương bệnh binh, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã phải hy sinh niềm hạnh phúc đoàn viên trong thời khắc thiêng liêng nhất của năm cùng với gia đình, người thân của mình. Ngoài trách nhiệm của y, bác sỹ đối với bệnh nhân còn là tình yêu thương, tôn kính và lòng biết ơn đối với những người đã làm nên lịch sử hào hùng của đất nước. Để thuận tiện cho công việc, rất nhiều anh chị em tình nguyện “cắm chốt” tại cơ quan. Những người làm việc tại trung tâm hơn 30 năm như thủ kho dược Phạm Hồng Thủy, bác sỹ Phạm Thành Trụ - Phó Giám đốc Trung tâm, y tá điều dưỡng Thái Khắc Việt… thì thời gian dành cho gia đình chưa bằng 1/10 so với thời gian ở bên các thương bệnh binh ở Khu điều dưỡng.

Vào trung tâm từ năm 1991, hộ lý Lê Đình Bằng, thương binh 2/4 đã có 12 năm trực tết, với anh đó không chỉ là công việc mà còn là tình cảm, trách nhiệm và cũng là niềm hạnh phúc. Bởi là người lính đi qua chiến tranh, anh hiểu sâu sắc những mất mát, hy sinh và hậu quả mà những người đã một thời vào sinh ra tử mà người thân của họ đang phải gánh chịu. Anh cho biết: “Trước tết, có nhiều thương bệnh binh được gia đình đến thăm, có người được đón về sum họp nhưng cũng có người neo đơn, không người thân thích nên tâm lí bệnh nhân thường rất xao động. Họ trở nên trầm mặc và ưu tư, thậm chí những năm trước còn có người trốn khỏi trung tâm. Bởi thế các y, bác sỹ luôn phải ở bên cạnh trò chuyện, động viên ổn định tinh thần cho thương bệnh binh…”.Nhiều nữ bác sỹ, hộ lý từ chiều ngày 29 đã phải lo sửa soạn mâm cúng giao thừa, sau đó đành “phó mặc” cho chồng con rồi lại tất tả vào lo tết cho thương binh. Chị Lê Thị Mai - Trưởng phòng y tế, 14 năm gắn bó với Khu điều dưỡng thì có tới 10 năm đón giao thừa cùng với anh em thương binh. “Đôi lúc cũng chạnh lòng tủi thân nhưng rồi cũng xác định đó là trách nhiệm của mình để vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ.”, chị Mai tâm sự.

Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh hiện có 44 cán bộ công nhân viên, trong đó có 23 cán bộ y tế,một nửa trực tết từ 26 đến mồng 6 tết, một nửa từ mồng 6 đến rằm tháng giêng. Công việc ngày thường đã vất vả, ngày tết sự vất vả ấy như gấp bội. Dù rằng, chế độ trực tết theo qui định của nhà nước, các y bác sỹ ở đây cũng chỉ được nhận thêm 200 nghìn đồng/người (cho 4 ngày trực) hỗ trợ động viên từ công đoàn. Thế nhưng, ai cũng vui vẻ nhận nhiệm vụ, có người còn xung phong trực cả hai kíp liền, bởi với họ, những bệnh nhân, những cựu binh tâm thần kinh đã gắn bó với nhau như một gia đình, chăm sóc họ, không chỉ là trách nhiệm, tình thương mà còn là sự tri ân.

Rời khu điều dưỡng lúc nồi bánh chưng vừa bắc lên trong ánh lửa bập bùng giữa chiều rét ngọt, chúng tôi nhớ mãi câu nói của giám đốc Nguyễn Thanh Tùng : “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để các thương bệnh binh luôn cảm thấy ấm áp, để không khí mùa xuân ở lại nơi này thật lâu, an lành và trong trẻo…”


Khánh Ly- Thanh Phúc

Mới nhất
x
Nơi mùa Xuân ở lại...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO