Nỗi nhớ ngày tha hương

23/10/2015 16:49

Baonghean) - Chiều nay, tiết trời Sài Gòn bỗng nhiên trở lạnh. Cái lạnh của Sài Gòn chỉ se se thoang thoảng, không đậm đặc, buốt giá như cái lạnh ngoài Bắc nhưng cũng đủ làm cồn lên trong lòng người tha phương nỗi nhớ nhà, nhớ người thân trong gia đình. (

Cũng thật lạ! Khi nỗi nhớ ùa về, bao giờ trong tâm trí cũng hiện lên những mùa thu hoạch ngô. Hớn hở, vui mừng và có thêm phần xa xót.

Mùa thu hoạch ngô tới đúng vào những ngày bồ lúa trong nhà đã chạm tới đáy. Đợi ngày ngô khén, mẹ bắt đầu sàng sảy thật sạch rồi mang đi xay “giặt”. Ngô xay qua máy nhưng không thành bột mà chỉ cán vỡ ra. Gọi là “giặt” Từ hôm đó, mỗi khi nấu cơm mẹ tôi lại độn thêm một bát gạo với hai bát giặt ngô. Nồi cơm hôm đó trở nên nhiều hơn và mọi người ăn được no hơn.

Để mọi người khỏi ngán, mẹ lại nghĩ ra món bánh ngô. Bánh ngô làm hết sức đơn giản, chỉ việc cho nước vào nồi, đun lửa một lát rồi cho bột ngô vào quấy thật đều. Đến khi ngô chín thì nhắc nồi xuống rồi đổ lên một chiếc mẹt đã được lót lá chuối. Hôm nào “sang” hơn, mẹ tôi thường phi hành với mỡ rồi tráng đều lên phần trên của bánh. Đợi khi bánh hơi nguội mẹ liền lấy dao chia bánh ra làm nhiều miếng nhỏ. Cả nhà hớn hở xúm xít quanh mẹt ngô rồi cùng nhau ăn bánh. Bánh ngô chấm với mắm còng (còn gọi là mắm cáy) thì ngon tuyệt. Vừa có vị ngọt của ngô, vị béo của hành mỡ, lại có vị mằn mặn của mắm còng. Vừa ăn mọi người vừa cười nói làm căn nhà rộn rã hẳn lên. Những ngày ấy tuy có thiếu thốn nhưng bù lại tôi cảm thấy rất vui. Tôi mang theo niềm vui ấy đến xứ người, để thấy ấm áp hơn mỗi khi gặp trở ngại hay những chuyện buồn phiền…

Người mẹ làng biển tảo tần sớm hôm (Ảnh: Trần Hải)
Người mẹ làng biển tảo tần sớm hôm (Ảnh: Trần Hải)

Ngạn ngữ có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nhưng với gia đình tôi, câu nói đó chỉ đúng một nửa. Trong nhà mẹ là người xây tổ ấm nhưng cha vốn là người hay rượu, thành thử, mẹ cũng là người “xây nhà”. Những công việc trong nhà từ lớn đến bé, ngay cả chăm sóc anh em chúng tôi học hành, nên người cũng đến tay mẹ.

Ngày đó, mẹ là người chăm lo từng bữa ăn cho cả nhà. Những hôm hợp tác xã tháo cống, bất kể ngày hay đêm, bất kể mưa hay nắng mẹ cũng đều đi kiếm cá. Mẹ như một cánh cò, cần mẫn ở bến sông để anh em chúng tôi có những bữa ăn đầy đủ. Nhưng có một món ăn mẹ đã tự chế biến khiến tôi không bao giờ có thể quên.

Khi trong xóm có những cây đu đủ đã già cỗi, không còn có thể ra trái nên buộc lòng phải đốn ngã; mẹ đến và xin những cây đủ đủ đó về. Mẹ cần mẫn lột vỏ, xén đi phần cứng của thân cây, chỉ còn lại phần lõi bên trong. Sau đó, mẹ bắt đầu thái mỏng từng lát rồi phơi khô. Tôi không biết phải gọi chính xác tên đồ ăn mà mẹ tôi tạo ra là gì. Vào những bữa ăn sau đó, tôi thấy mẹ lấy đu đủ khô ra ngâm nước một lúc. Đến khi những lát đu đủ khô ngấm nước trở nên mềm mềm thì mang vào xào mỡ giống như các thứ rau khác. Vào những ngày mà trong nhà không có gì để làm thức ăn thì món đu đủ khô của mẹ ăn trở thành món ăn ngon không thể tả. Sau khi cho cơm vào miệng, liền sau đó gắp một đũa đu đủ khô ăn cùng.

Xem xong bộ phim Trận chiến Kimchi, (đạo diễn: Dong-Hun-Baek), tôi vẫn cứ bị ám ảnh mãi bởi câu nói của một bà mẹ: “Có hai niềm vui lớn trong đời. Nước mát chảy xuống vùng khô cạn. Và thức ăn được đưa vào miệng con mình”. Tôi chợt nhớ tới mẹ của mình và thấy thương mẹ nhiều hơn. Thì ra, để có được niềm vui cho mình thì mẹ cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, phải hy sinh nhiều hơn để những đứa con luôn được đủ đầy, trong đó có cả những miếng cơm ăn hàng ngày.

Hồ Huy Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nỗi nhớ ngày tha hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO