Nỗi sợ mang tên 'hung thần' xe buýt

27/12/2016 10:22

(Baonghean) - Không thể phủ nhận xe buýt là phương tiện đi lại thuận tiện với chi phí hợp lý. Thế nhưng, nhiều người dân Việt Nam vẫn luôn thường trực một nỗi sợ hãi, khiếp đảm với phương tiện công cộng ấy và xem đó chẳng khác gì “hung thần đường phố”.

Chị Lê Thị Quỳnh (xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) chia sẻ về việc xe buýt gây tai nạn khiến chị bị thương
Chị Lê Thị Quỳnh (xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) chia sẻ về việc xe buýt gây tai nạn khiến chị bị thương.

Người dân khiếp đảm

Trong vai một hành khách đi xe buýt, phóng viên Báo Nghệ An có mặt trên chiếc xe chạy tuyến thị trấn Anh Sơn - bến xe Nghi Liên của Công ty TNHH DV&DL Tân Phương Thảo. Vào thời điểm 6h 30 phút sáng, trên xe có rất đông hành khách, đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Nhưng điều đáng nói là tài xế lái xe rất nhanh và ẩu, mặc dù cung đường có nhiều đoạn quanh co, đổ dốc rất nguy hiểm. Hành khách la ó, người đi đường chạy tán loạn nhưng dường như điều đó chẳng khiến tài xế bận tâm và giảm tốc độ.

Bà Bùi Thị Tình (60 tuổi, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương) bày tỏ sợ hãi: “Chắc nốt lần này rồi tôi không đi xe buýt nữa. Ngồi trên xe mà không an tâm, tài xế chạy ẩu thế này, hành khách đến “mất hồn mất vía”.

Có lẽ nỗi lo sợ và bất an của bà Tình và nhiều người khác, kể cả hành khách trên xe và người đi đường là có cơ sở khi đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Mới đây nhất, vào ngày 15/12, một chiếc xe buýt của hãng Đông Bắc mang biển số 37B - 018.45 đã gây ra vụ tai nạn khiến Bí thư Đảng ủy xã Thọ Hợp (huyện Quỳ Hợp) tử vong khi vị cán bộ này đang di chuyển bằng xe máy trên đường và chỉ cách nhà mình vài trăm mét.

Trước đó, vào ngày 7/12, một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng liên quan đến xe buýt đã xảy ra trên Quốc lộ 48 đoạn giao cắt với đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Đông Hiếu, TX. Thái Hòa.

Vào thời điểm nói trên, anh Nguyễn Văn Quang (SN 1969), là cổ đông của Công ty TM&XD Đông Bắc, làm nhiệm vụ thanh tra trên tuyến, khi vừa xuống xe tại điểm chờ xe buýt thì bất ngờ bị xe buýt Thạch Thành BKS 37B-018.71 chạy tuyến TP. Vinh - Nông trường 19/5 (Nghĩa Đàn) đang lưu thông theo hướng từ Nghĩa Đàn về TP. Vinh đâm trực diện cuốn theo nạn nhân này vào gầm, tử vong tại chỗ.

Tại hiện trường, có ít nhất 6 chiếc xe máy và xe đạp cũng bị cuốn vào gầm, một nạn nhân khác đứng ven đường cũng bị thương rất nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc.

Vụ tai nạn vào ngày 8/12 khiến một cán bộ hãng xe Đông Bắc tử vong dưới gầm xe buýt Thạch Thành.
Vụ tai nạn vào ngày 8/12/2016 khiến một cán bộ hãng xe Đông Bắc tử vong dưới gầm xe buýt Thạch Thành.

Không chỉ vi phạm hàng loạt quy định liên quan đến tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, việc dừng đỗ xe để đón, trả khách không đúng quy định và thái độ cư xử, phục vụ không đúng mực của tài xế đối với hành khách cũng là điều đáng bàn.

Qua đường dây nóng của Báo Nghệ An, chị Lê Thị Quỳnh (xóm 5 Luân Phú, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) phản ánh ngày 9/12, chị đi từ ngã 3 Kim Liên (huyện Nam Đàn) đến cổng Huyện đội Thanh Chương trên tuyến xe số 03 của hãng xe Đông Bắc.

Khi đến điểm dừng, xe buýt không dừng hẳn để khách xuống khiến chị Quỳnh bị ngã và vỡ xương đầu gối. Chị Quỳnh bày tỏ bức xúc: “Ngay sau khi tôi bị ngã, cả tài xế lẫn phụ xe đều nhanh chóng bỏ chạy. Sau đó, tôi đến trụ sở của công ty để phản ánh thì một cán bộ tên Chính phủ nhận và giữ luôn vé xe buýt của tôi. Như thế là công ty xe buýt vô trách nhiệm ?”.

Tăng cường chấn chỉnh, xử lý triệt để vi phạm

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 18 tuyến xe buýt được đưa vào khai thác, với sự tham gia của 218 phương tiện của 7 đơn vị kinh doanh vận tải. Với số lượng lớn các phương tiện xe buýt như vậy đã góp phần không nhỏ vào việc đi lại thuận tiện cho người dân, giảm thiểu áp lực phương tiện lưu thông trên các tuyến đường...

Tuy nhiên, phong cách phục vụ hành khách và việc chấp hành các quy định liên quan vẫn chưa được đảm bảo, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Hàng loạt các sai phạm vẫn liên tục tiếp diễn như đón trả khách không đúng nơi quy định; dừng xe quá thời gian; hoạt động không đúng hành trình; phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách... gây mất trật tự an toàn giao thông; hay như sử dụng phương tiện có chất lượng kém, xuống cấp; thu tiền vé sai quy định...

Có kiểm tra, có xử lý nhưng tại sao các vi phạm này vẫn tái diễn? Trả lời câu hỏi này, ông Hà Tiến Sơn - Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho rằng: “Lực lượng thanh tra của Sở Giao thông Vận tải đã rất nỗ lực trong việc phối hợp với cơ quan chức năng để chấn chỉnh tình trạng xe buýt vi phạm quy định. Tuy nhiên, cũng không thể kiểm soát hết được khi trên địa bàn tỉnh có quá nhiều tuyến xe chạy ở nhiều địa bàn khác nhau”.

Ông Sơn cũng cho biết, trong năm 2016, Sở Giao thông Vận tải đã 2 lần tổ chức làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe buýt. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị này ký cam kết thực hiện 9 nội dung dịch vụ chất lượng vận tải để buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.

Do đó, những người có nhu cầu đi xe buýt cần nắm bắt về 9 nội dung này, nếu xe buýt nào vi phạm thì phản ánh về Sở Giao thông Vận tải hoặc thanh tra giao thông để được hỗ trợ, giải quyết.

Ngày 13/5/2016 xẩy ra vụ TNGT giữa xe ô tô buýt Phương Thảo BKS 37B – 10302 và xe máy BKS 37Z4 – 6804 do ông Thái Văn Nho, trú quán tại xóm Văn Trai 6 xã Long Thành khiến ông Nho bị thương nặng.
Ngày 13/5/2016, xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô buýt Phương Thảo BKS 37B - 01302 và xe máy BKS 37Z4 - 6804 do ông Thái Văn Nho, trú quán tại xóm Văn Trai 6 xã Long Thành khiến ông Nho bị thương nặng.

Theo thông tin từ đơn vị quản lý vận tải của Sở Giao thông Vận tải, hiện tất cả các xe buýt đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Từ tổng hợp, phân tích các dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình (thực hiện theo từng tháng), Sở Giao thông Vận tải xác định một cách chính xác những xe buýt có vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.

Khẳng định về việc kiên quyết xử lý vi phạm, ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải) nhấn mạnh: “Sở Giao thông Vận tải đã khẳng định với các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt là họ phải chịu trách nhiệm trước mỗi hành vi vi phạm của lái xe”.

Trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân, trong đó có phương tiện xe buýt gia tăng đáng kể. Làm thế nào để xe buýt thực sự trở thành phương tiện hữu ích, thân thiện với người dân? Làm thế nào để xóa bỏ sự e dè, sợ sệt mang tên “hung thần đường phố”? Trước hết, chính những đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt cần có sự cạnh tranh lành mạnh, hoạt động đúng quy định, đặt tính mạng và sự an toàn cho người dân lên trên hết.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt cam kết: Không tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe; Không đón, trả khách tại các vị trí không cho phép; không dừng xe để đón, trả khách quá thời gian quy định; Không phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành hành khách;

Không sử dụng còi hơi, còi có âm lượng lớn, kéo dài; Không chở hàng trong khoang chở khách, hàng dễ cháy nổ, độc hại...; Khi trời nóng bật điều hòa trong suốt hành trình chạy xe; Không chạy sai hành trình, lịch trình theo quy định; Lái xe, nhân viên phục vụ mặc đồng phục, đeo thẻ tên, hướng dẫn hành khách đi trên xe thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trên xe buýt.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nỗi sợ mang tên 'hung thần' xe buýt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO