Nơi 'ươm mầm' tình yêu sách cho thiếu nhi
(Baonghean.vn) - Để học sinh hình thành thói quen đọc sách, xây dựng kỹ năng tự học, những năm qua nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư đổi mới thư viện trường học giúp học sinh hoàn thiện mọi mặt cả kiến thức cơ bản lẫn kỹ năng mềm. Thư viện không chỉ là nơi đọc sách mà còn là nơi “ươm mầm” tình yêu với sách cho thiếu nhi.
Ở các trường tiểu học miền núi Nghệ An tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đọc sách là món ăn tinh thần không thể thiếu của các em học sinh. Thư viện trường học trở thành địa chỉ quen thuộc trong mỗi giờ ra chơi hay đầu giờ, cuối giờ học của học trò nơi đây. Ảnh: Đức Anh |
Trong thời khóa biểu của tuần luôn có tiết đọc sách do giáo viên chủ nhiệm đứng lớp. Em Nguyễn Thị Phương Thảo - Lớp 4B, Trường Tiểu học Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) cho biết: Mỗi ngày được đọc sách đã giúp em hiểu thêm nhiều điều hay và học được những đức tính tốt đẹp. Ảnh: Đức Anh |
Các bức tranh được treo ở thư viện trường thể hiện nội dung trong các câu chuyện cổ tích giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận sinh động hơn với nhiều bài học ý nghĩa. Ảnh: Đức Anh |
Trong quá trình đọc sách tại thư viện, các em được khuyến khích phát huy tư duy sáng tạo và năng khiếu thông qua các hoạt động cụ thể như: Vẽ tranh về những cuốn sách các em đã mượn tại thư viện hoặc viết cảm nhận về những cuốn sách các em đã đọc, sáng tác những câu chuyện, những bài thơ theo cảm tưởng của các em nhằm hướng các em đến việc cảm thụ sách một cách chủ động, tích cực...Trong ảnh: Các em đang thể hiện các nhân vật trong câu chuyện bằng hình thức vẽ tranh. Ảnh: Đức Anh |
Thư viện Trường Tiểu học Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) có 1.500 đầu sách khoảng 4.500 cuốn sách với đa dạng các thể loại như chuyện cổ tích Việt Nam, khoa học thường thức, khoa học khám phá.. và không thể thiếu những cuốn như: Em yêu văn học, Bí quyết học giỏi môn Toán.... Thư viện trường luôn chú trọng việc lựa chọn danh mục, xem xét nội dung sách phù hợp với tâm lý lứa tuổi để bổ sung; chọn lọc các tác phẩm có nội dung hay, gần gũi với lứa tuổi các em, bảo đảm sự phong phú về nội dung, ngắn gọn về ngôn ngữ, đa dạng về hình ảnh minh họa để từ đó khơi mở niềm yêu thích của các em dành cho sách. Ảnh: Đức Anh |
Sách được sắp xếp trên giá một cách khoa học, hợp lý theo từng môn, ngành, có chỉ dẫn cụ thể, giúp các em nhanh chóng tiếp cận được nguồn tài liệu phù hợp với nhu cầu. Việc các em có thể trực tiếp khám phá, tìm kiếm, lựa chọn tài liệu cho mình không chỉ tạo tâm lý thoải mái, phát huy được tính chủ động, tích cực, nâng cao năng lực tìm kiếm thông tin mà còn có thể tạo cơ hội để các em nảy sinh nhu cầu đọc. Việc đọc sách sẽ giúp các em trau dồi kiến thức, hoàn thiện khả năng nghe, đọc, viết. Ảnh: Đức Anh |
Nhiều em học sinh đã coi việc đọc sách là món ăn, là người bạn không thể thiếu mỗi ngày. Cứ đến giờ ra chơi các em lại lên thư viện để đọc sách, những quyển sách hay, thú vị các em sẽ mượn về nhà để đọc kỹ hơn. Ảnh: Đức Anh |
Tại các lớp học nhà trường cũng xây dựng một góc thư viện cuối lớp để giúp các em dễ dàng tiếp cận các cuốn sách hay. Ảnh: Đức Anh |
Giờ ra chơi các em được đọc sách ở sân trường. Ảnh: Đức Anh |
Có thể thấy, thư viện trường học đã thực sự trở thành địa chỉ yêu thích và là điểm đến thường xuyên của các em học sinh. Nơi đây đã và đang âm thầm lan tỏa văn hóa đọc và ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ em. Ảnh: Đức Anh |