Nông dân lạm dụng "thuê"
Nhiều năm nay, các phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển mang tính công nghiệp nên người nông dân không còn vất...
Nhiều năm nay, các phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển mang tính công nghiệp nên người nông dân không còn vất vả như trước. Từ khâu làm đất đến thu hoạch gần như những phần việc nặng nhọc đều được sức máy thay thế. Đó là quy luật phát triển tất yếu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, người nông dân lại quá lạm dụng "thuê" dẫn đến hệ luỵ của nó rất lớn.
Đó là thuê phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa. Nhiều nông dân thổ lộ rằng, trời nắng mùa hè mà mang bình thuốc trừ sâu để phun thuốc cho lúa sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ nên "thuê" cho an toàn, mặc dùbiết chắc rằng thuê như vậylà không đảm bảo yêu cầu về phòng trừ sâu bệnh. Ở huyện Yên Thành, bởi thế nhiều địa phương mấy năm nay xuất hiện một số người chuyên "phun thuốc thuê" kiếm ra tiền. Một người có thể phun được 10 sào ruộng/ngày, tiền công 20 - 30 nghìn đồng/ sào.
Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, sâu bệnh hại lúa xuất hiện nhiều nhất là vụ hè thu. Nguyên nhân một phần là do người nông dân chưa chủ động làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh. Theo cơ quan chức năng, nguyên tắc khi phát hiện lúa bị sâu bệnh, người nông dân cần phải thực hiện "4 đúng" thì mới phòng trừ hiệu quả. Đó là: đúng bệnh, sử dụng đúng thuốc, phun đúng cách và phun đúng thời điểm. Thế nhưng, khi thuê người phun thuốc chắc chắn không thể đảm bảo "4 đúng". Vì người làm thuê khi nào cũng muốn làm cho nhanh để kiếm được nhiều tiền trong ngày.
Chính vì nguyên nhân đó nên nhiều địa phương khi phát hiện có sâu bệnh hại lúa, mặc dù bà con nông dân bỏ tiền mua thuốc trừ sâu phun đi phun lại mà sâu bệnh vẫn tồn tại, đặc biệt là các loại rầy, nguyên nhân gây ra bệnh lùn sọc đen trên cây lúa. Thiết nghĩ, các địa phương cần làm tốt công tác dự tính dự báo sâu bệnh và tuyên truyền để bà con nông dân chủ động phun thuốc cho ruộng nhà mình.
Xuân Hoàng