Kinh tế

Nông dân Nghệ An chủ động bảo vệ thủy sản nuôi trước siêu bão Yagi

Thanh Phúc 05/09/2024 16:11

Theo dự báo, siêu bão Yagi sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, nông dân Nghệ An chủ động các phương án bảo vệ các diện tích nuôi trồng thủy sản.

Kiểm tra môi trường nước ở trại nuôi tôm Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: T.P
Kiểm tra môi trường nước ở trại nuôi tôm Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: T.P

Gần 20 năm nuôi tôm thâm canh, ông Nguyễn Cường ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) cho rằng, mưa lớn, ảnh hưởng lớn nhất đến con tôm là sốc môi trường nước. Do đó, khi nghe tin siêu bão Yagi sẽ vào Việt Nam gây mưa lớn trên diện rộng nên ông đã chuẩn bị các phương án ứng phó.

Từ 2 ngày nay, nhân công được huy động thực hiện chèn, chống nhà màng, lưới che, bạt lót đáy. Đồng thời, đặt các bao CaCO3 xung quanh bờ ao để khi mưa xuống sẽ hòa tan CaCO3 trước khi chảy vào ao, giúp duy trì pH, độ cứng và các ion hòa tan.

Khi mưa lớn, hệ thống sục khí phải vận hành 24/24. Ảnh: T.P
Khi mưa lớn, hệ thống sục khí phải vận hành 24/24. Ảnh: T.P

“Nuôi tôm dù thời tiết nắng nóng hay mưa lớn kéo dài cũng sẽ tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng của tôm, do đó, phải luôn chủ động phòng, chống và hiểu rõ cách xử lý khi có vấn đề xảy ra; phân công công nhân bám trại nuôi, chuẩn bị sẵn máy bơm, hệ thống sục khí, quạt nước, máy phát điện… để khi có sự cố thì xử lý kịp thời”.

Gia đình ông Hoàng Xuân Tin ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) nuôi 6 hồ tôm sắp đến kỳ thu hoạch. Lường trước việc mưa lớn, nước dâng cao và sự cố mất điện do mưa bão nên ông đã chủ động lên các phương án ứng phó.

Ông Tin cho biết: “Hàm lượng axit trong nước mưa nhiều, độ mặn, độ pH trong nước sẽ bị giảm đột ngột. Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tôm nuôi bị sốc môi trường. Nếu nhẹ sẽ khiến tôm giảm ăn, nặng thì bỏ ăn và chết.

Chuẩn bị lưới che hạn chế nước mưa xâm nhập vào ao nuôi. Ảnh: T.P
Chuẩn bị lưới che hạn chế nước mưa xâm nhập vào ao nuôi. Ảnh: T.P

Do đó, tôi luôn theo dõi dự báo thời tiết, lường trước sự việc, nhập vôi bột, khoáng để phục vụ cho việc xử lý nguồn nước; mua máy phát điện vận hành sục khí nếu lỡ mất điện để tôm không bị thiếu oxy”.

Toàn tỉnh có khoảng 2.300 ha nuôi tôm, tập trung ở các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. Thời điểm này, các hộ nuôi tôm thâm canh cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ tôm nuôi trước ảnh hưởng của mưa lớn.

Theo đó, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm xử lý các yếu tố ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi thu hoạch nhanh đối với số tôm đạt trọng lượng.

Kiểm tra hệ thống điện, nước, sục khí, đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố do mưa lớn gây ra. Ảnh: T.P
Kiểm tra hệ thống điện, nước, sục khí, đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố do mưa lớn gây ra. Ảnh: T.P

Với những diện tích tôm thả mới và chưa đến kỳ thu hoạch, người nuôi cần thực hiện theo đúng quy trình chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ; bám sát diễn biến của mưa bão, chủ động chuẩn bị các vật tư để sẵn sàng ứng phó với những sự cố bất thường do mưa bão gây ra.

Trước tình hình khí hậu, thời tiết ngày càng có những biến động thất thường, ngay từ những ngày đầu tháng 8, các hộ nuôi cá lồng bè trên biển ở Nghi Thiết, Nghi Quang (Nghi Lộc), Nghi Tân, Nghi Thủy (TX. Cửa Lò)… và trên sông, hồ, đập đã tiến hành kiểm tra lưới, gia cố lồng bè. Bởi nếu bão đổ bộ, mưa to, nước lũ dâng cao đột ngột sẽ khiến lồng bè cá bị vỡ. Do đó, việc chủ động sửa chữa lồng bè, chằng chống chắc chắn là rất cần thiết.

Gia cố lại bạt lót, chuẩn bị sẵn các bể chứa để sử dụng khi cần thiết. Ảnh: T.P
Gia cố lại bạt lót, chuẩn bị sẵn các bể chứa để sử dụng khi cần thiết. Ảnh: T.P

Ngoài ra, các hộ dân còn thực hiện một số biện pháp để bảo vệ đàn cá trong mùa mưa bão như: tiến hành giảm lượng cá nuôi trong lồng xuống còn một nửa so với trước để hạn chế việc cá va đập vào nhau gây trầy xước cơ thể; bỏ trống 2 - 3 lồng bè đầu tiên để cản nước nhằm giảm áp lực dòng nước chảy mạnh vào các lồng cá phía sau khiến cá dễ bị sốc nước. Đồng thời, dùng lưới che chắn lồng nuôi để tránh thời tiết mưa, nắng xen kẽ thất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn cá.

Ông Lương Văn Thương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn (Quế Phong) cho biết: “Trên lòng hồ thủy điện Hủa Na có gần 100 hộ tham gia nuôi cá lồng bè với hơn 600 lồng cá. Trước đây, người dân nuôi cá bằng lồng tre nứa tạm bợ nên khi gió to thì thiệt hại rất lớn, từ năm 2017 đến nay, 100% các lồng bè được thay thế bằng lồng nhựa HDPE, có khả năng chống chịu được với thiên tai, mưa to, gió lớn nên giảm thiểu được thiệt hại.

Các hộ nuôi cá lồng bè tiến hành thu hoạch tỉa cá đạt trọng lượng trước mưa bão. Ảnh: T.P
Các hộ nuôi cá lồng bè tiến hành thu hoạch tỉa cá đạt trọng lượng trước mưa bão. Ảnh: T.P

Trước mùa mưa bão, các hộ nuôi đã thu hoạch tỉa cá; giảm mật độ; khi có tin bão đổ bộ các biện pháp chằng chống lồng bè; neo bè vào nơi khuất gió; di dời cá vào các lồng sát nhà nổi, có những loại cá to, có giá trị thì di dời vào ao nhà…”.

Mới nhất
x
x
Nông dân Nghệ An chủ động bảo vệ thủy sản nuôi trước siêu bão Yagi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO