Kinh tế

Nông dân Nghệ An cấp tập thu hoạch lúa, hoa màu ‘chạy’ bão số 3

Thanh Phúc 04/09/2024 14:03

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu bão Yagi gây ra, nông dân Nghệ An đang cấp tập thu hoạch lúa, hoa màu…

 Bà con xóm 8 Nghi Lâm, Nghi Lộc gặt lúa xuyên đêm để kịp thu hoạch trước khi bão về. Ảnh: T.P
Bà con xóm 8 Nghi Lâm, Nghi Lộc gặt lúa xuyên đêm để kịp thu hoạch trước khi bão về. Ảnh: T.P

Do ở vùng cuối kênh, lại gặp hạn, thiếu nước tưới cho lúa đầu vụ nên lúa của người dân xóm 8, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) chín muộn hơn các vùng khác.

Bà Nguyễn Thị Lâm - xóm trưởng xóm 8 cho biết: “Toàn xóm có 37ha lúa, năm nay do đầu vụ thiếu nước tưới nên việc lúa trổ muộn, chín muộn hơn. Trong khi các xóm khác trong xã đã thu hoạch hết thì đến nay, lúa của người dân trong xóm mới chín được 75-80%. Nghe tin có bão số 3, xác định “xanh nhà hơn già đồng” nên từ hôm qua, xóm đã huy động máy gặt về thu hoạch lúa”.

Thu hoạch chạy bão nên tối qua (3/9), 4 máy gặt làm việc xuyên đêm trên các cánh đồng của người dân xóm 8. Lúa gặt xong thì được thương lái thu mua ngay tại ruộng.

Sợ mưa lớn không thể phơi phong nên bà con bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái. Ảnh: T.P
Sợ mưa lớn không thể phơi phong nên bà con bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái. Ảnh: T.P

Bà Trần Thị Thu, một người dân xóm 8 cho biết: “Nhà có 4 sào ruộng, gặt đến 23h đêm mới xong, được gần 1 tấn lúa, bán luôn cho thương lái. Cũng may, kịp gặt trước khi mưa, bão; lúa cũng bán luôn nên không lo những ngày tới mưa to, gió lớn không phơi được”.

Với mục tiêu, thu hoạch hết diện tích lúa chín trước bão nên từ hôm qua đến hôm nay, cán bộ và nhân dân xóm 8 bám đồng để hối thúc thợ máy gặt khẩn trương thu hoạch, gặt hết vùng đồng này mới chuyển sang vùng đồng khác, làm việc xuyên trưa để kịp xong trước khi mưa đến.

 Nhiều nơi, máy gặt không vào được, bà con huy động nhân lực gặt tay. Ảnh: T.P
Nhiều nơi, máy gặt không vào được, bà con huy động nhân lực gặt tay. Ảnh: T.P

Nhiều vùng, đến nay, lúa hè thu vẫn chưa chín hết nhưng để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, người dân đang cấp tập thu hoạch. Có những thửa, do đặc thù địa hình, máy không vào được, bà con đã huy động người thân tập trung gặt tay.

Ông Phạm Kim Hảo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Lúa vùng này xuống giống muộn nên chưa chín hết, chỉ mới 70%. Để tránh mưa bão, 2 ngày nay, bà con đã gọi máy gặt về tập trung thu hái, hiện có 6 máy gặt hoạt động hết công suất trên các vùng đồng.

Riêng những thửa ruộng sâu trũng, chín vàng mơ, máy gặt không vào được thì bà con mượn người, đổi công để gặt tay. Bởi, nếu mưa xuống, gió lốc thì lúa đổ hết hạt, bổ sạp xuống vừa khó thu hoạch, giảm năng suất, chất lượng”.

Nhiều diện tích lúa chưa chín hẳn nhưng người dân vẫn quyết định thu hoạch chạy bão với phương châm
Nhiều diện tích lúa chưa chín hẳn nhưng người dân vẫn quyết định thu hoạch chạy bão với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Ảnh: T.P

Từ khi nghe tin có bão số 3, người dân vùng Thượng Tân Lộc, Kim Liên, Nam Anh (Nam Đàn) đã hối nhau ra đồng thu hoạch diện tích ngô nếp đã già. Gia đình anh Chu Văn Quân, làm 5 sào ngô nếp, để tránh ngô gãy đổ, anh đã liên hệ thương lái thu mua ngô tươi và huy động nhân công thu hoạch.

Chỉ trong 2 ngày (3,4/9), toàn bộ diện tích ngô nếp của gia đình đã thu hoạch gọn. “Nếu ngô đủ độ, thu hoạch rải, bán dần dần thì được giá hơn. Ngô non, thu hoạch ép, bán với số lượng lớn 1 lúc thì giá giảm hơn. Để tránh thiệt hại do bão nên cũng phải chấp nhận”.

 Nông dân Nam Đàn thu hoạch ngô nếp bán cho thương lái. Ảnh: T.P
Nông dân Nam Đàn thu hoạch ngô nếp bán cho thương lái. Ảnh: T.P

Người dân các vùng trồng rau màu trọng điểm cũng đang khẩn trương thu hoạch những luống rau đến lứa, các loại rau dễ dập nát khi mưa lớn.

Trên các cánh đồng ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), người dân tích cực thu hái rau cải ngọt, cải thìa, cải canh; thương lái cũng đổ về các cánh đồng thu mua rau, vận chuyển rau đến các đại lý tiêu thụ. Mặc dù trước bão, trời nắng nóng, oi bức, ngột ngạt nhưng để kịp thu hoạch xong trước khi bão về, bà con chỉ nghỉ về ăn trưa rồi lại vội vã ra đồng. “Bao công sức, tiền của đổ vào đó, giờ đến kỳ thu hoạch, nếu “chạy không kịp trời” là mất hết”, bà Nguyễn Thị Lan cho biết.

 Bà Nguyễn Thị Hà, xã Quỳnh Liên thu hoạch bầu. Ảnh: T.P
Bà Nguyễn Thị Hà, xã Quỳnh Liên thu hoạch bầu. Ảnh: T.P

Ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai), trong các vườn nhà, người dân tích cực thu hoạch bầu tránh mưa bão làm sập dàn, gãy đổ, dập nát quả. Vì bầu cũng dễ bảo quản, để được lâu nên người dân cũng không quá lo lắng về khâu tiêu thụ.

Bên cạnh việc thu hoạch thì người dân các vùng trồng màu cũng đang khẩn trương di dời hành lên vùng cao hơn, tránh ngập úng và dập nát. Ông Trần Văn Sự, nông dân xã Quỳnh Liên trồng 5 sào hành, nghe tin bão số 3 gây mưa lớn, ông đã huy động vợ con chuyển hành từ vùng thấp, dễ ngập úng lên vùng cao hơn.

 Gia đình ông Sự khẩn trương di dời hành lên vùng cao hơn. Ảnh: T.P
Gia đình ông Sự khẩn trương di dời hành lên vùng cao hơn. Ảnh: T.P

Ông Sự cho biết: “Cây hành dễ dập nát, thối rễ nếu mưa ngập. Do đó, chúng tôi phải di dời lên cao trồng tạm, chờ qua đợt mưa lớn rồi đem trồng lại diện tích cũ”.

Theo chuyên gia thời tiết, bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất mạnh, có khả năng mạnh tới cấp 14, giật cấp 17, do vậy phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 3 gây ra trên vùng biển khu vực Bắc Biển Đông được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nâng lên cảnh báo ở cấp 4 (rủi ro rất lớn). Phạm vi gió mạnh của bão cũng mở rộng nhanh theo mức độ tăng cấp của bão, thể hiện rõ nhất qua việc vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Bên cạnh đó, mưa dông mạnh xảy ra trước khi bão ảnh hưởng cũng là điểm cần lưu ý vì trong mưa dông thường đi kèm với lốc xoáy và gió giật mạnh. Tùy thuộc vào từng kịch bản di chuyển của bão số 3, trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ cũng có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.

Mới nhất
x
x
Nông dân Nghệ An cấp tập thu hoạch lúa, hoa màu ‘chạy’ bão số 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO