Pháp luật

Cảnh giác với tin giả, tin sai sự thật về tình hình mưa lũ

Khánh Ly - Hoàng Lam 12/09/2024 17:19

Khi cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt để ứng cứu và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và tình hình lũ lụt, sạt lở gây thiệt hại nặng nề ở một số địa phương; thì những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin giả, sai sự thật về tình hình mưa lũ cũng như công tác phòng chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ.

Xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật

Ngày 11/9, nhiều Fanpage, Facebook đăng tải, chia sẻ thông tin về một cô gái quê Nghệ An tử vong trong quá trình cứu trợ bà con vùng lũ tỉnh Yên Bái.

Theo nội dung đăng tải, nạn nhân là em Nguyễn Thị Hoài Thương, 20 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An. Nội dung lan truyền trên mạng xã hội thể hiện, trong lúc cứu trợ bà con ở vùng lũ Yên Bái, không may thuyền lật, em Thương bị cuốn trôi và tử vong.

94ad2fd42e788926d069(1).jpg
Thông tin sai sự thật cô gái quê Nghệ An tử vong trong quá trình cứu trợ bà con vùng lũ tỉnh Yên Bái lan truyền trên mạng xã hội.

Nhiều trang mạng xã hội còn mô tả tường tận vụ việc, rằng, trên thuyền thời điểm đó có 5 người. Khi vào khu vực nước xoáy, thuyền bị lật, 4 người tự cứu hoặc được người dân địa phương cứu, riêng cô gái 20 tuổi này bị thuyền lật đè lên người và không qua khỏi.

Hàng nghìn người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự tiếc thương, cảm phục đối với cô gái và gửi lời chia buồn tới gia đình trước mất mát lớn này.

Chỉ riêng dòng trạng thái đăng tải trên Facebook một người chuyên thực hiện các hoạt động thiện nguyện có trên 148.000 lượt theo dõi ở Nghệ An đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt cảm xúc, bình luận và cùng hàng trăm lượt chia sẻ.

Nhiều vấn đề liên quan đến trang bị bảo hộ, kỹ năng đảm bảo an toàn khi thực hiện cứu trợ vùng lũ lụt cũng được cộng đồng mạng mang ra phân tích, mổ xẻ.

Tuy nhiên, một số người dùng mạng xã hội cũng tỏ ra hoài nghi trước thông tin khi những người đăng tải thông tin này không cung cấp được địa chỉ cụ thể của cô gái xấu số nói trên.

Trao đổi với PV vào chiều 11/9, ông Nguyễn Xuân Dũng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Đàn cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, chúng tôi đã yêu cầu các xã rà soát, xác minh thông tin; và theo báo cáo kết quả xác minh từ 19/19 xã, thị trấn của huyện, hiện không có ai như thông tin trên mạng xã hội lan truyền”.

6de62b9b2a378d69d426(1).jpg
Người dùng Facebook làm thơ bày tỏ sự tiếc thương vì tin vào thông tin cô gái quê Nghệ An tử vong trong quá trình cứu trợ bà con vùng lũ tỉnh Yên Bái được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tương tự, hình ảnh người chồng để vợ con trong chậu nhựa màu xanh di chuyển giữa tứ bề mênh mông nước khiến nhiều người thương cảm được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội những ngày qua, mới đây đã được “bóc trần” chỉ là một trong những content của một vợ chồng YouTuber có hộ khẩu thường trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Chiêu trò câu view, câu like của cặp vợ chồng này khi người dân tại nhiều địa phương đang oằn mình vì bão lũ đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận.

a37726eba9470e195756-1-.jpg
Hình ảnh lấy đi nước mắt của nhiều người đã bị vạch trần chỉ là một trong những content của một cặp vợ chồng YouTuber có hộ khẩu thường trú t huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Đặc biệt một số thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật về trẻ em mất người thân trong mưa bão hay những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên hy sinh khi đang làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão được chia sẻ, lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội khiến người thân hoặc chính chủ phải lên tiếng đính chính.

Điển hình như khi cộng đồng mạng liên tục chia sẻ, lan truyền clip một bé trai khóc nức nở (được cho là mất mẹ do mưa lũ) khiến nhiều người thương cảm, xót xa, thì sau đó, cô giáo chủ nhiệm của em này đã lên tiếng đính chính và khẳng định em không phải khóc vì mẹ bị lũ cuốn, bởi thời điểm ghi hình diễn ra khi em đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi, còn hiện tại em đang là học sinh lớp 1 tại một điểm trường thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Hiện tại gia đình em vẫn đầy đủ cả bố lẫn mẹ.

e5d455ad5401f35faa10(1).jpg
Cô giáo chủ nhiệm của em nhỏ trong hình đã lên tiếng đính chính, khẳng định em nhỏ này không phải khóc vì mẹ bị lũ cuốn.

Phần lớn người dùng mạng xã hội, chia sẻ, lan truyền thông tin là do cả tin, chủ quan, nóng ruột muốn bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào trong khó khăn, hoạn nạn. Nhiều người sau đó đã lên tiếng đính chính và bày tỏ sự bức xúc khi bản thân họ cũng là nạn nhân bị mắc lừa bởi tin giả, tin sai sự thật.

Tuy nhiên, cũng có những đối tượng cố tình lan truyền, đưa thông tin sai sự thật để câu view, câu like, thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu ý thức công dân. Cá biệt có một số đối tượng còn đưa thông tin sai lệch mang tính chia rẽ vùng miền, hoặc nhằm mục đích lừa đảo từ hoạt động từ thiện để trục lợi.

Các đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra, giả mạo fanpage của các tổ chức chính trị xã hội ( Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ)… để kêu gọi những người hảo tâm chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hòng chiếm đoạt.

Cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin

Theo Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải- Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự: Thời gian gần đây là việc nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng về tình hình mưa lũ cũng như công tác phòng, chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ gây xôn xao dư luận, tạo những tác động tiêu cực cho người dân.

Dưới góc độ xã hội, những ảnh hưởng, hệ lụy do hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật là rất lớn khi không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân, tổ chức bị đăng thông tin giả, thông tin sai sự thật mà còn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của họ.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

97a14a9d8030276e7e21(1).jpg
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự. Ảnh: PV

Cụ thể: hành vi đăng tải thông tin giả, thông tin sai sự thật là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật tại Điều 9 Luật này.

Theo đó, nếu hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả, thông tin sai sự thật nhưng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm quy định về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội. Đây là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả, thông tin sai sự thật mà có đầy đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì dựa vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra thì người có hành vi vi phạm sẽ có thể bị khởi tố về các tội: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 159); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288)… với các mức hình phạt tương ứng với từng tội phạm được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bên cạnh các chế tài nói trên thì người bị đăng tải tin giả, tin sai sự thật còn có thể khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

“Tóm lại, việc chia sẻ, đăng tải và phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động trên không gian mạng, mỗi công dân phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà họ đăng tải và cần tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để giảm thiểu tối đa các vi phạm có thể xảy ra”- Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải nhấn mạnh.

Trước thực trạng lan truyền các thông tin giả, sai sự thật liên quan đến tình hình mưa lũ và công tác ứng cứu, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội; theo dõi thông tin chính thức tại các Website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác.

yandung2(1).jpeg
Lực lượng chức năng làm việc với chủ Facebook đăng tải thông tin sai sự thật về vỡ đê ở Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (https://www.mps.gov.vn/)

Mọi hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật về tình hình thiên tai, bão lũ sẽ bị phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc; đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng phòng tránh.

Mới nhất
x
x
Cảnh giác với tin giả, tin sai sự thật về tình hình mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO