Kinh tế

Nông dân Nghệ An chuẩn bị nông sản phục vụ thị trường cuối năm

Thanh Phúc 03/12/2024 07:06

Thời điểm này, nông dân Nghệ An đang tập trung chăm sóc gia súc, gia cầm, chăm bón rau màu, chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Tập trung chăm sóc đàn vật nuôi chuẩn bị Tết

bna_4.jpg
Cuối năm, nhu cầu gà trống tăng cao. Ảnh: T.P

Sau sự cố chập điện hồi cuối tháng 9 khiến 9.000 con gà bị chết, anh Nguyễn Ngọc Huy - chủ trang trại gà ở xã Nghi Ân (TP. Vinh) đã khắc phục thiệt hại, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng và vào đàn lứa gà mới để cung ứng thị trường cuối năm.

Anh Huy cho biết: “Lứa gà cuối năm bao giờ cũng dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn các lứa khác trong năm vì nhu cầu thị trường tăng cao. Do đó, sau sự cố, chúng tôi nhanh chóng khắc phục để tái đàn. Dự kiến, Tết này, chúng tôi sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 7.000 con gà, với sản lượng khoảng 15-17 tấn gà thịt”. Để lứa gà này đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, chủ trang trại tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà; chuẩn bị kỹ càng về hệ thống chuồng trại, đảm bảo nhiệt độ cần thiết để đàn gà phát triển khỏe mạnh.

trại gà
Các trang trại, gia trại vào đàn với tỷ lệ gà trống chiếm 70-80%. Ảnh: T.P

Gà đồi Thanh Chương từ lâu đã trở thành thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi ngoài chất lượng thịt thơm ngon thì loại gà này còn có mẫu mã đẹp, mình thon gọn, mào đỏ tươi, lông mượt và trọng lượng tối đa chỉ khoảng 1,5 kg. Lứa gà Tết này, 52 hộ nuôi thuộc Hợp tác xã Gà Thanh Chương (xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương) dự kiến xuất chuồng khoảng 15 nghìn con gà.

Loại gà này bắt đầu vào đàn từ đầu tháng 9 dương lịch, sau 5 tháng nuôi mới có thể xuất chuồng. Với hình thức nuôi bán chăn thả, ăn chủ yếu ngô, lúa, bã bia và tìm kiếm thức ăn trên những vườn đồi nên sản phẩm gà thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, thịt thơm ngon, vị ngọt, không bở và bán được giá hơn so với những loại gà khác.

thả vườn
Gà thả vườn được ưa chuộng bởi phẩm chất thịt thơm ngon. Ảnh: T.P

“Lứa gà Tết, các hộ nuôi chủ yếu vào đàn gà trống (chiếm khoảng 80%) để phục vụ người dân dọn mâm cỗ. Giá gà thời điểm Tết có giá dao động từ 110.000-120.000 đồng/kg, hầu hết là thương lái đặt mua tận hộ, người chăn nuôi không phải đi bán lẻ”, ông Trần Văn Sơn - một hộ liên kết nuôi gà đồi với HTX Gà Thanh Chương cho biết.

Theo dự báo, nhu cầu thịt lợn cuối năm cao gấp đôi so với bình thường, do đó, hiện nay, các trang trại cũng như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang tập trung chăm sóc để lợn đạt trọng lượng xuất chuồng vào những tháng cuối năm. Dự kiến, vào dịp Tết Nguyên đán này, gia trại chị Nguyễn Thị Mai ở xã Bình Sơn (Tân Kỳ) dự kiến sẽ bán ra khoảng 20 con lợn thịt, trọng lượng khoảng 2 tấn.

lợn 2
Các trang trại nuôi lợn kỳ vọng về thị trường cuối năm. Ảnh: T.P

Theo chị Mai cho biết, năm nay, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh trên lợn diễn biến phức tạp, giá lợn giống tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng bù lại, giá lợn hơi tăng mạnh nên người chăn nuôi vẫn có lãi. Theo quy luật, vào thời điểm cận Tết, giá thịt lợn sẽ cao hơn ngày thường. Do đó, chị Mai cũng như các hộ chăn nuôi khác khá kỳ vọng.

“Theo dự báo, nhu cầu cuối năm cao, giá lợn sẽ còn tăng nữa, có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg. Do đó, thời điểm này, chúng tôi cố gắng chăm sóc và phòng dịch tốt nhất để có lứa lợn xuất chuồng cuối năm đạt trọng lượng, bán được giá cao”, chị Mai chia sẻ.

bna_tru.jpg
Nhiều hộ vỗ béo trâu, bò ở huyện Tân Kỳ phấn khởi khi mấy tháng nay, giá trâu, bò thịt trên đà tăng. Ảnh: T.P

Theo thống kê, tổng đàn bò tại thời điểm tháng 10 năm 2024 ước đạt 548.336 con, tăng 2,95% (+15.710 con) so với cùng kỳ năm trước; Tổng đàn lợn ước đạt 1.013.088 con, tăng 3,23% (+31.736 con) so với cùng kỳ năm trước; Tổng đàn gà, vịt, ngan, ngỗng ước đạt 37.095 nghìn con, tăng 6,82% (+2.367 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bò, lợn, gà xuất chuồng có xu hướng tăng trong quý III-2024, thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn.

Đảm bảo nguồn cung rau xanh

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, những ngày này, người dân các vùng bãi ngang thuộc các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đang tập trung các loại rau màu như: su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, củ cải… để cung ứng thị trường cuối năm. Gia đình ông Trương Công Hưng ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) xuống giống 1 ha cà rốt từ cuối tháng 8, đến tháng 9 thì gặp mưa to gây ngập úng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây nên đến nay.

Để kịp thu hoạch vào dịp Tết, gia đình ông đã thuê thêm nhân công để chăm sóc. Nay cà rốt đã bắt đầu ra củ nên ông Trung bón thúc kali để chắc củ và cho thu hoạch trúng vào thời điểm tháng 1/2025.

bna_cr.jpg
Nông dân xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) chăm sóc cà rốt. Ảnh: T.P

Hiện tại, nhiều diện tích bắp cải, su hào, súp lơ gieo trồng sớm ở một số địa phương đã có thu hoạch. Giá bán đầu vụ khá cao nên bà con rất phấn khởi. “1 ha bắp cải, su hào, súp lơ chia làm 3 lứa gối nhau. Trong đó, lứa thu hoạch vào dịp Tết và ra Tết chiếm đến 50% diện tích. Hiện ngoài làm cỏ, bón thúc thì chúng tôi tập trung phòng trừ sâu bệnh bằng bẫy sinh học, đảm bảo nguồn cung ra thị trường an toàn”, chị Vũ Thị Liên - nông dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cho biết.

Theo nhận định của nông dân các vùng trồng rau màu, vụ Tết năm nay, giá các loại rau, củ dài ngày như su hào, cà rốt, súp lơ, cải bắp sẽ tăng do ảnh hưởng của bão khiến diện tích rau vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc và Nam Trung Bộ bị thiệt hại. Người dân các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ đã để lỡ vụ Đông cực sớm nên phải chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ yếu tập trung vào các loại rau ăn lá ngắn ngày. “Các loại rau ăn lá chắc chắn sẽ dồi dào vào dịp cuối năm. Song các loại rau củ dài ngày thì sẽ khan hiếm hơn và giá cả sẽ cao hơn”, ông Hồ Đình Tuệ - một hộ dân sản xuất màu ở xã Minh Lương (Quỳnh Lưu) nhận định.

bna_sh.jpg
Khoảng 2 tháng nữa, diện tích bắp cải này sẽ cho thu hoạch, cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: T.P

Bên cạnh đó, mưa bão đã làm nhiều diện tích trồng cam, bưởi và chuối Tết của nông dân các tỉnh bị thiệt hại, không thể phục hồi để có nguồn thu ngay trong năm nay. Do đó, thị trường sẽ hạn chế nguồn cung, giá sẽ đẩy lên cao. Vậy nên, rất nhiều trang trại cam, bưởi Diễn, chuối… đang đẩy mạnh chăm sóc để có hàng bán vào dịp Tết.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nông dân, hợp tác xã đều đang nỗ lực sản xuất, bảo đảm nguồn cung. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, các hộ dân cần theo dõi tình hình dịch bệnh, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

bna_cai.jpg
Theo dự báo, năm nay, các loại rau ở Nghệ An khá dồi dào. Riêng các loại rau, củ dài ngày giá sẽ đắt hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: T.P

Theo dự báo Sở Công Thương những năm trước, sức mua hàng hóa nông sản tại thị trường Nghệ An trong dịp Tết gồm: Khoảng 75 tấn gạo, hơn 19,4 tấn thịt lợn; hơn 11,4 tấn thịt bò; 13,5 tấn thịt gia cầm; 63,7 tấn rau, củ, quả; 13,6 tấn thủy, hải sản; hơn 10 tấn thực phẩm chế biến; 15,2 tấn hoa quả… Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, nhiều mặt hàng còn có thể cung ứng tới các địa phương lân cận...

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An chuẩn bị nông sản phục vụ thị trường cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO