Nông dân Nghệ An khẩn trương khép kín diện tích lúa Xuân
(Baonghean.vn) - Đến nay, Nghệ An đã gieo cấy trên 85.000 ha lúa Xuân. Thời tiết ấm lên, nông dân đang tập trung ra đồng khép kín diện tích, đồng thời chăm sóc lúa. Theo khung thời vụ của tỉnh, đến ngày 10/2 sẽ kết thúc cấy lúa.
Tập trung chăm sóc lúa Xuân
Sau những ngày rét đậm, rét hại, tranh thủ thời tiết ấm lên, nông dân xã Thanh Khai (Thanh Chương) tập trung ra đồng gieo cấy và chăm sóc lúa vụ Xuân. Gia đình ông Văn Đình Hoa ở xóm Ngọc Chùa có 3 sào lúa, gieo sạ từ ngày 22/12 âm lịch.
Ông Hoa cho biết: “Nhờ nước đầy đủ nên cây lúa vẫn lên xanh, tuy nhiên, những ngày rét quá lúa phát triển rất chậm. Trời ấm lên, sau khi tỉa dặm xong, tôi tập trung bón phân, chăm sóc để cây lúa phát triển”.
Trời ấm lên, gia đình ông Văn Đình Hoa (Thanh Chương) ra đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa. Ảnh: Phú Hương |
Ngay gần đó, 5 sào lúa của gia đình bà Văn Thị Lý cũng được cấy xong từ ngày 5/2. Trước khi cấy 1 tuần, bà đã tháo ni lông để mạ làm quen với môi trường, nhiệt độ bên ngoài, đồng thời, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân tro để giữ ấm cho mạ, nhờ đó cây mạ khá khỏe.
“Trên cánh đồng này cũng có nhiều nhà gieo thẳng lúa, nhưng tôi chỉ bắc mạ cấy, đề phòng trường hợp rét quá, lúa gieo thẳng rất dễ bị chết. Năm nay rét liên tục, mạ kém, nhưng sau khi được cấy xuống ruộng, lúa đang bén rễ hồi xanh, phát triển tốt”, bà Lý chia sẻ.
Bà Văn Thị Lý ở xã Thanh Khai (Thanh Chương) bắc mạ cấy để phòng lúa gieo thẳng dễ bị chết rét. Ảnh: Phú Hương |
Rút kinh nghiệm nhiều năm đã từng bị thiệt hại, bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Nam Giang (Nam Đàn) chuẩn bị sẵn nguồn giống dự phòng bằng các giống lúa ngắn ngày. Tuy nhiên, nhờ chống rét tốt, nên nguồn giống đó không cần sử dụng đến. Có nguồn phân chuồng khá dồi dào do nuôi bò, lợn, những ngày rét đậm, rét hại sau Tết Nguyên đán, vợ chồng bà bón phân giữ ấm cho lúa, nhờ đó, 7 sào lúa của gia đình bà không những an toàn mà còn phát triển khá tốt.
Phòng trừ các loại sâu, bệnh hại
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy trên 85.000 ha lúa trong kế hoạch là 91.000 ha. Theo khung thời vụ của tỉnh, đến ngày 10/2 sẽ kết thúc cấy lúa; hiện tại, nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân như Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu..., Diện tích lúa Xuân còn lại chủ yếu tập trung ở các huyện: Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Quế Phong...
Ngay từ đầu vụ sản xuất lúa Xuân, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, có những thời điểm nhiệt độ xuống thấp hơn 10 độ C, khiến một số diện tích lúa, đặc biệt là lúa gieo thẳng sinh trưởng, phát triển kém.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Nam Giang (Nam Đàn) bón phân chuồng giúp giữ ấm cho cây lúa. Ảnh: Phú Hương |
Hiện nay, thời tiết đang có xu hướng ấm dần lên, tại các địa phương trong tỉnh, nông dân tập trung ra đồng khép kín diện tích, làm cỏ, sục bùn kết hợp bón phân cho lúa.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện trên đồng ruộng, những trà lúa sớm đã và đang đẻ nhánh, trong khi một số trà thì mới được gieo cấy. Do đó, bà con cần rà soát, phân loại trà để có biện pháp chăm sóc phù hợp với từng trà, bón phân cân đối đúng thời điểm, đúng kỹ thuật, giúp cây lúa phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.
Xí nghiệp Thủy lợi Nam Đàn đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy, chăm sóc lúa Xuân. Ảnh: Phú Hương |
“Việc nông dân tập trung chăm bón, cộng thêm thời tiết âm u, sương mù là điều kiện rất thuận lợi để sâu, bệnh hại phát sinh gây hại. Cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi sự phát sinh, phát triển và gây hại của các đối tượng sâu, bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Tiến Đức khuyến cáo./.