Nông dân Nghệ An tiết kiệm nước tưới từ sản xuất 'lúa carbon'
“Tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa” được Nghệ An triển khai từ vụ xuân 2024. Qua 2 vụ sản xuất "lúa carbon" cho thấy, phương thức sản xuất này giúp giảm đáng kể lượng nước tưới cho cây lúa.
Tiết kiệm nước tưới, giảm thất thoát nước trên đồng ruộng
Vụ xuân năm nay là vụ sản xuất thứ 3 bà Cao Thị Lan ở xóm Tân Châu, xã Diễn Nguyên, Diễn Châu trồng “lúa carbon”. Sau nhiều năm phải đi thăm đồng liên tục để điều tiết nước trên ruộng, nay ông bà đỡ hẳn khâu đó. “Trước đây, có những thời điểm lúa không cần nhưng nước vẫn về nhiều, phải kiểm tra để tháo bớt nước trên ruộng. Còn bây giờ khi lúa cần nước là có, còn khi cần ruộng khô là bên thuỷ lợi đóng nguồn luôn nên yên tâm hẳn, lúa phát triển cũng tốt hơn, được mùa hơn”, bà Lan cho biết.
Trong 2 vụ sản xuất vừa qua, năng suất lúa của gia đình bà đều đạt cao, xấp xỉ 4 tạ/sào ở vụ xuân và 3 tạ/sào vụ hè thu.

Xóm trưởng xóm Tân Châu - ông Phan Xuân Phương hào hứng cho biết: Từ vụ xuân 2024, toàn bộ hơn 70 ha lúa của xóm đều tham gia sản xuất lúa tạo tín chỉ carbon. “Ruộng lúa được tưới ngập khô xen kẽ một cách nghiêm ngặt phát triển rất tốt, ít bị đổ ngã, ít bệnh và rầy nâu, thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Sản xuất thuận lợi, năng suất cao thậm chí còn tiến tới có thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon nên bà con rất đồng lòng” - ông nói.
Trước khi tham gia chương trình, nhiều khi cây lúa chưa cần nước nhưng cứ thấy đất ruộng nứt chân chim, thậm chí nước vẫn còn xâm xấp là bà con đã nóng ruột kêu bơm nước, do đó, ruộng lúa bị ngâm nước quanh năm, độ thoát khí kém dẫn đến số hạt trên bông và tỷ lệ hạt chắc đều bị kém. Đặc biệt, trong khi tiết kiệm đáng kể lượng nước và chi phí bơm tưới, năng suất "lúa carbon” lại được nâng lên từ 10- 15%.
Vụ xuân 2024 - vụ sản xuất đầu tiên thực hiện dự án, Nam Đàn có 15 xã tham gia với diện tích hơn 1.028 ha; con số đó tăng lên gần gấp 3 lần ở vụ hè thu với hơn 3.030 ha và vụ xuân năm nay, toàn huyện đã có 4.613 ha lúa sản xuất tạo tín chỉ carbon, một số xã có diện tích khá lớn như Kim Liên 625 ha, Nam Anh 360 ha…

Ông Nguyễn Đình Thế - Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: Trung bình trong 2 vụ sản xuất, số lần tưới nước khi áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ là 4,3 lần, thấp hơn so với sản xuất thông thường, từ đó giảm chi phí nhân công, tiền điện. Trong khi năng suất thực thu đạt 67,4 tạ/ha vụ xuân và 56,3 tạ/ha hè thu, cao hơn bình quân 3,3 tạ/ha trong vụ xuân và 1,6 tạ/ha vụ hè thu.
Nhờ sử dụng kỹ thuật tưới ngắt quãng thay vì duy trì ngập nước liên tục, đã giúp giảm lượng nước tiêu thụ từ 30-50%, số lần tưới nước mỗi vụ từ 7 đợt xuống còn 5 đợt, nhưng cây lúa lại sinh trưởng tốt, đẻ nhánh nhiều, cứng cây, chống đổ tốt hơn. Trong khi năng suất lúa tăng từ 10-15% so với canh tác truyền thống, chi phí sản xuất giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh
Đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh
Hệ thống của Công ty TNHH Thủy lợi Nam tưới cho 17.000 ha lúa ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh. Trong số đó, hiện có gần 8.000 ha tưới lúa tạo tín chỉ carbon. Theo ông Phạm Thế Phi - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty, toàn bộ 17.000 ha này đều đã tưới nông lộ phơi, nhưng việc áp dụng và theo dõi mực nước trên kênh, trên ruộng chưa chặt chẽ, hầu như người dân chưa thực sự hiểu nên cứ thấy nước cạn là nóng ruột, đòi được bơm nước. Trên những diện tích sản xuất lúa tạo tín chỉ carbon, chúng tôi không còn bị áp lực bơm tưới khi không cần thiết, nhất là vào những thời kỳ hạn hán.

Nhờ đó, đơn vị tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng tiền điện/năm khi giảm 3 đợt tưới so với canh tác truyền thống, và quan trọng hơn nữa là tiết kiệm được lượng nước đáng kể. Câu chuyện này càng có ý nghĩa khi những năm gần đây, việc đảm bảo đủ nước tưới cho lúa là vấn đề rất khó khăn trong điều kiện hệ thống kênh mương, công trình đều được xây dựng từ lâu, xuống cấp gây thất thoát nước; đặc biệt 5- 7 năm nay mực nước sông Lam ngày càng xuống thấp, mực nước qua cống Nam Đàn ít hơn làm cho hệ thống kênh dẫn phía sau không đủ cấp cho các trạm bơm lấy nước từ hệ thống sông Đào.

Chương trình sản xuất lúa tạo tín chỉ carbon được triển khai tại Nghệ An từ vụ xuân 2024 tại Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương, với quy mô trên 5.700 ha. Không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, phương pháp sản xuất này còn tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh: Việc giảm phát thải khí nhà kính cũng giúp chúng ta đáp ứng các tiêu chí về sản xuất xanh, mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao. Phương thức canh tác này giảm tới 50- 55% lượng phát thải so với canh tác tưới liên tục ngập truyền thống ở lúa cấy và 66,67% lượng phát thải ở lúa gieo sạ, đặc biệt là giai đoạn từ đẻ nhánh rộ. Thực tế, lượng giảm phát thải đo tại Hưng Nguyên, Đô Lương và Diễn Châu đạt được 5- 6 tấn CO2 quy đổi/ha/vụ.
Trên đà thành công, vụ xuân 2025, ngoài mở rộng triển khai trên địa bàn 5 huyện đã có, dự án còn tiếp tục triển khai tại Quỳnh Lưu và Thanh Chương, với tổng quy mô trên 20.000 ha.
Ông Phan Tiến Thành- Quản lý phát triển kinh doanh- Công ty Green Carbon INC (công ty Nhật Bản hoạt động về tư vấn lĩnh vực môi trường, tham gia vào việc tạo ra và bán tín chỉ carbon cả trong nước và quốc tế) cho biết thêm: Sản xuất lúa tạo tín chỉ carbon ở Nghệ An hiện chỉ mới áp dụng phương pháp tưới nông lộ phơi, do sản xuất lúa ở địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ là chủ yếu, sản xuất hàng hoá chưa nhiều. Thời gian tới, khi phương thức sản xuất này đã phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các nội dung khác như quản lý phân bón, rơm rạ, chọn giống lúa phù hợp và hiệu quả.