Nông dân xứ Lường soi đèn pin 'hái' tiền triệu mỗi ngày

Hoài Thu 07/11/2022 14:07

(Baonghean.vn) -  Người nông dân ở xứ Lường đang có nhiều cách làm để tăng hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích, giúp nâng cao thu nhập theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Sau vụ lúa, người dân gối vụ trồng dưa chuột vụ đông thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Khi trời còn tờ mờ sáng, ở cánh đồng xóm 1, xã Tân Sơn (Đô Lương) đã nhộn nhịp người qua lại. Dưới những ruộng trồng dưa chuột loang loáng ánh đèn pin cùng tiếng cười nói râm ran. “Đã tròn 1 tháng nay bà con trong xóm thức dậy từ 5 giờ sáng hái dưa chuột để kịp nhập cho thương lái. Những ngày đầu khi ruộng dưa cho thu hoạch, giá 12-15 ngàn đồng/kg, hộ trồng nhiều khoảng 1ha thì cho thu về 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày. Những ngày về cuối tháng giá dưa có giảm hơn, tầm 7-8 ngàn đồng/kg thì cũng cho thu nhập 700 - 900 ngàn đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa.” - chị Nguyễn Thị Giang cho biết.

Trời chưa sáng nên người dân dùng đèn pin để thu hoạch dưa chuột để kịp nhập cho thương lái. Ảnh: Hoài Thu

Với phương châm “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, ngay sau khi thu hoạch lúa, người nông dân ở Tân Sơn lại bắt tay ngay vào trồng dưa chuột vụ đông.

Đối với hộ chị Nguyễn Thị Giang, vụ xuân chị gieo trồng 1 mẫu lúa (10ha). Anh Hiến, chồng chị Giang cho biết, ruộng dưa chuột vụ đông hiện tại vợ chồng anh mượn ruộng lúa của một hộ dân trong xóm để gieo trồng, vì ruộng lúa của gia đình anh Hiến nằm trong số diện tích 10,58ha thực hiện trồng giống lúa mới của xã Tân Sơn.

Cây dưa chuột phát triển cao quá đầu người nên người dân dùng các dụng cụ tự chế từ chai nhựa, hoặc bắc thêm ghế để hái những quả trên cao. Ảnh: Hoài Thu

“Giống lúa mới này lại thu hoạch muộn hơn lúa Khang dân nửa tháng, vì vậy không kịp để gieo trồng dưa chuột vụ đông nên tôi mượn đất của hộ khác để trồng cho kịp, tránh ảnh hưởng năng suất” – anh Hiến bày tỏ. Cho biết thêm về điều này, cán bộ xã Tân Sơn nói thêm, cả xã Tân Sơn trồng 9,08ha dưa chuột vụ đông. Có hộ dân sau 1 tháng thu hoạch dưa chuột đã thu về hơn 40 triệu đồng. Vì vậy, người dân Tân Sơn rất vui mừng, chăm chút ruộng đồng, luân canh gối vụ tăng năng suất, hiệu quả trên cùng một diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Dưa chuột vụ đông trồng gối vụ trên đất lúa ở Đô Lương cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Ảnh: Hoài Thu

Có ruộng dưa chuột vụ đông cách ruộng của vợ chồng anh HIến, chị Giang không xa, bà Nguyễn Thị Dung cho biết: "Nhà neo người nên bà chỉ trồng gần nửa sào, mỗi ngày dậy sớm hái dưa rồi mang ra chợ bán lẻ sẽ được giá hơn. Ngày nào cũng hái, một tháng bà cũng có thêm từ 5 đến 5,5 triệu đồng. Trồng cây phụ nhưng cho thu nhập chính".

Trên địa bàn huyện Đô Lương, không chỉ có Tân Sơn, mà ở nhiều xã khác, trên cùng diện tích đất nông nghiệp, người dân đã tăng cường gối vụ thêm dưa chuột, ngô như ở Lưu Sơn, Thịnh Sơn… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Nhờ vậy, trên đơn vị diện tích, giá trị sản xuất nông nghiệp của Đô Lương tăng mạnh.

Năm 2021, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp ở Đô Lương đạt 105 triệu đồng/ha/năm, tăng 40 triệu đồng/ha so với năm 2011 và tăng 22 triệu đồng/ha so với năm 2015. Một số cây trồng chủ lực của huyện như lúa năm 2021 đạt 81,29 triệu đồng/ha, tăng 9,7 triệu đồng/ha so với năm 2011; rau, củ, quả đạt trên 400 triệu đồng/ha, dưa lưới đạt 2 tỷ đồng/ha… Diện tích gieo trồng cây vụ xuân và hè thu đạt 22.954,9 ha, bằng 100,6% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 109.078 tấn, bằng 115,6% so với kế hoạch, tăng 149 tấn so với cùng kỳ. Rau màu các loại đạt 1557,2 ha (bằng 103,9% so với cùng kỳ).

Giai đoạn 2011 – 2021, Đô Lương đã xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân như: Mô hình rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, khoai tây, măng tây; mô hình trồng hoa ly, hoa cúc; các mô hình trồng lúa chất lượng cao; mô hình nuôi trâu, bò, dê sinh sản...

Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản được huyện hết sức quan tâm, chủ động mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc tích tụ ruộng đất, hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông sản của huyện trong các hệ thống siêu thị, hội chợ... Vì vậy, trong năm 2021 đã có trên 11 mặt hàng nông sản của địa phương được một hệ thống siêu thị lớn đặt hàng tiêu thụ.

Toàn xã Tân Sơn trồng hơn 9ha dưa chuột vụ đông. Đến vụ thu hoạch, thương lái vào tận ruộng để thu mua, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Ảnh: Hoài Thu

Thời gian tới, Đô Lương sẽ tiếp tục thực hiện phương án tích tụ ruộng và tiến hành khảo sát các vùng đất tại các xã xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh các mặt hàng nông sản. Đồng thời, xây dựng và ban hành Đề án Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Đô Lương giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Mới nhất

x
Nông dân xứ Lường soi đèn pin 'hái' tiền triệu mỗi ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO