“Nóng” hàng giả, hàng lậu tràn lan và cán bộ quản lý thị trường tiêu cực
(Baonghean) - Sáng qua, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh đã thực sự “nóng” ngay khi giám đốc Sở Công thương đăng đàn. Nhiều ý kiến, câu hỏi về trách nhiệm để diễn ra tình trạng hàng lậu tràn lan và phẩm chất yếu kém của một số cán bộ quản lý thị trường. Song, câu trả lời dường như còn bỏ ngỏ?
(Baonghean) - Sáng qua, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh đã thực sự “nóng” ngay khi giám đốc Sở Công thương đăng đàn. Nhiều ý kiến, câu hỏi về trách nhiệm để diễn ra tình trạng hàng lậu tràn lan và phẩm chất yếu kém của một số cán bộ quản lý thị trường. Song, câu trả lời dường như còn bỏ ngỏ?
“Đã làm tròn trách nhiệm phòng, chống và quản lý thị trường” (?)
Giải trình về công tác quản lý thị trường còn nhiều bất cập, tình trạng hàng hóa nhập khẩu không có xuất xứ, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng đang lưu thông trên thị trường; tình trạng cán bộ quản lý thị trường có những biểu hiện tiêu cực, Giám đốc sở Công Thương Phan Thanh Tịnh cho rằng, nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán chưa nêu cao ý thức chấp hành về thương mại, quản lý thị trường; kinh phí, các phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường còn thiếu và không đảm bảo chất lượng kỹ thuật; địa bàn rộng; trình độ năng lực, biên chế lực lượng cán bộ của các ngành, các cấp làm nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn hạn chế, trong đó có lực lượng quản lý thị trường; ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chưa cao, còn có tư tưởng tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Chưa đồng tình với giải trình của Giám đốc Sở Công Thương, đại biểu Hồ Sỹ Hải (Quỳnh Lưu) đặt câu hỏi: Hiện nay một số nơi đã phát hiện xăng dầu pha tạp chất và bán cho người tiêu dùng để trục lợi, ngành Công Thương đã thanh tra, kiểm tra vấn đề này như thế nào? Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan ở trên địa bàn tỉnh ta ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Khi nào khắc phục được? Đại biểu Phan Thị Thanh Hiền (TX Thái Hòa) băn khoăn: Sở Công Thương có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng lừa đảo bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp? Ông Phan Thanh Tịnh khẳng định: Ở tỉnh ta chưa phát hiện ra hành vi pha trộn xăng dầu, nhưng xăng dầu không rõ nguồn gốc, pha tạp chất thì có. Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan khi nào chấm dứt là câu hỏi khó. Với hàng trăm ngàn hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh do lực lượng mỏng nên khó làm triệt để.
Đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) bức xúc: Thời gian qua, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên quản lý thị trường vi phạm kéo dài, trách nhiệm đó thuộc về ai? Đại biểu Quỳnh Nga (Thanh Chương) cho rằng để xảy ra tình trạng tái diễn việc kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng là do chưa minh bạch, công khai khi xử lý các cửa hàng sai phạm. Đại biểu Vũ Thị Thanh Hương (Tân Kỳ) chất vấn: Trong báo cáo, ông nói để xảy ra tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu là do trình độ năng lực của cán bộ quản lý thị trường và các ngành, các cấp chưa quan tâm đến công tác quản lý thị trường, nhưng theo một số ý kiến cử tri cho rằng công tác xử phạt cơ sở buôn lậu, cán bộ vi phạm chưa nghiêm túc, chưa có tác dụng răn đe. Tình trạng cán bộ vi phạm nhiều, hàng giả tràn lan nhưng tại sao trong báo cáo lại nêu chỉ có 3 cán bộ vi phạm bị xử lý? Ông có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này? Giám đốc Sở Công Thương Phan Thanh Tịnh lý giải: Thời gian qua tình trạng sai phạm trong kinh doanh đã được xử lý rất nhiều, nhưng các hộ kinh doanh vẫn cố tình lách luật. Những sai phạm của cán bộ quản lý thị trường trước đây đã được cơ quan pháp luật xử lý. Vừa qua Báo Nghệ An cũng đã phản ánh tình trạng vi phạm của cán bộ quản lý thị trường. Chúng tôi đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, qua xác minh bước đầu cho thấy đúng là có những vi phạm như báo nêu. Chúng tôi đã đình chỉ công tác 9 người có liên quan, trong đó có một đội phó để xác minh điều tra làm rõ.
Bà Tôn Thị Cẩm Hà (đại biểu TP Vinh) chất vấn: Thực phẩm kém chất lượng đang được bày bán tràn lan đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, quản lý thị trường đã phối hợp với các ban, ngành như thế nào để giải quyết vấn đề này? Giám đốc Sở Công Thương biện bạch: Tình trạng buôn bán thực phẩm kém chất lượng rất phức tạp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chủ trì thuộc về Sở Y tế, chúng tôi là cơ quan phối hợp, trách nhiệm là trách nhiệm chung của các cơ quan phối hợp, ngành đã có cố gắng nhưng khó làm triệt để. Không đồng tình với câu trả lời của Giám đốc Sở Công Thương, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh yêu cầu ông Giám đốc Sở Công Thương nói rõ thêm về việc phối hợp giữa các ban, ngành, những tồn tại trong việc phối hợp giữa các ban, ngành để phòng chống hàng lậu, hàng giả. Ông Tịnh cho rằng, trách nhiệm quản lý thị trường gồm nhiều ngành, nhiều cấp, có trường hợp phối hợp tốt, có trường hợp chưa tốt, còn ngành của tôi đã làm tròn trách nhiệm phòng, chống và quản lý thị trường. (?!)
Kết thúc phiên chất vấn, có 11 đại biểu đã có câu hỏi chất vấn trực tiếp và 1 cử tri gửi câu hỏi đến chất vấn Giám đốc Sở Công Thương về tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, năng lực của quản lý thị trường...
Thay mặt chủ tọa, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh yêu cầu ông Giám đốc Sở Công Thương sắp tới phải có biện pháp chấn chỉnh lực lượng cán bộ quản lý thị trường để khắc phục những hạn chế tồn tại trong thời gian qua. Với chức năng được giao, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm chính về quản lý thị trường, các cấp, các ngành tùy theo chức năng của mình cũng phải vào cuộc quyết liệt.
“Làm sai phải sửa và ai làm sai phải xử lý”
Trong phần giải trình của mình, Giám đốc Sở Lao động TB&XH Bùi Nguyên Lân thừa nhận thời gian qua, việc thực hiện chính sách người có công ở một số cơ sở còn chậm, trong quá trình thực hiện vẫn còn sai sót. Công tác quản lý hồ sơ, quản lý đối tượng còn lỏng lẻo, chưa thực sự khoa học. Công tác đào tạo nghề còn những bất cập hạn chế: Quy mô đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chất lượng đào tạo nghề còn thấp, khoảng cách giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động, nhất là kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp còn yếu; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới chỉ đạt 40%.
Đã có 8 ý kiến chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH với 23 vấn đề liên quan đến thẩm quyền trách nhiệm của ngành. Đại biểu Hồ Sỹ Hải- đơn vị Quỳnh Lưu băn khoăn về việc thực hiện chính sách đối với người có công còn bất cập, dẫn đến việc thực hiện chính sách cho người có công còn nhiều sai trái, đối tượng đủ điều kiện nhưng không được hưởng thụ quyền lợi của Nhà nước, trong khi một số đối tượng không đủ điều kiện nhưng vẫn được xét? Trả lời thắc mắc của đại biểu, ông Bùi Nguyên Lân đã thừa nhận trong thực hiện chính sách cho người có công vẫn còn tồn tại sai sót. Ông đưa ra quan điểm của ngành là “làm sai phải sửa và ai làm sai phải xử lý”. Chính sách cho người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những người có công với cách mạng, thể hiện lương tâm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó. Đây là việc làm có ý nghĩa thiêng liêng. Với chức năng quản lý nhà nước, Sở đã và đang tiếp tục chỉ đạo xử lý cán bộ vi phạm.
Các đại biểu Trần Đình Minh đơn vị Quỳnh Lưu và Trần Doãn Quý đơn vị Đô Lương nêu câu hỏi: Việc Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng nhưng đến nay đối tượng này vẫn chưa nhận được tiền bằng khen. Với cương vị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông đề nghị tỉnh trả số tiền này trước Tết Nguyên đán 2013? Số lượng hồ sơ công nhận là thương binh, liệt sỹ, hưởng chế độ chất độc da cam, người có công nhưng không có hồ sơ gốc còn bao nhiêu hồ sơ chưa được giải quyết? Kiến nghị Sở LĐ-TB&XH về công tác cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công cần được giải quyết sớm hơn. Giải pháp sắp tới của ngành để các đối tượng chính sách sớm được hưởng chế độ? Giải đáp vấn đề này, ông Lân cho biết, Nghệ An là một trong những đơn vị đi đầu về việc ghi nhận công lao của những người có công với cách mạng. Toàn tỉnh có 80.111 người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen nhưng đến nay họ chưa nhận được tiền thưởng. Sở đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính bố trí nguồn ngân sách, quan tâm giải quyết sớm. Về giải quyết hồ sơ cho đối tượng, chính sách, Sở đã giải quyết tất cả hồ sơ tồn đọng, tuy nhiên còn 15.000 hồ sơ quân đội, 5.500 hồ sơ Tỉnh Đoàn, 3.000 hồ sơ dân công hỏa tuyến, TNXP cần hồ sơ gốc. Việc cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công gần 10.000 hồ sơ. Nhu cầu của các đối tượng là rất chính đáng nhưng về mặt nguyên tắc hồ sơ là phải đúng thủ tục, tôn trọng sự thật. Để giải quyết theo đúng hồ sơ, thủ tục cấp dưới cần tổng hợp hồ sơ, tạo điều kiện xác minh hồ sơ gửi lên cấp trên cho các đối tượng đủ điều kiện được hưởng quyền lợi và tránh các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong quy trình làm sai sự thật.
Liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề, nhận được ý kiến của các đại biểu: Lê Văn Trí- đơn vị Anh Sơn, Hồ Sỹ Hải- Quỳnh Lưu, Đỗ Đình Quang- TP. Vinh đặt câu hỏi có hay không tình trạng đào tạo nghề đang chạy theo chỉ tiêu, chưa đào tạo sát với nhu cầu của người học, đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn tràn lan, chất lượng chưa cao, việc làm cho lao động sau khi thu hồi đất… Trả lời những vấn đề đại biểu quan tâm, ông Bùi Nguyên Lân khẳng định: Trên cơ sở các văn bản đã ban hành, tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cấp, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo nghề, phối hợp tham mưu tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khảo sát, xây dựng quy hoạch mạng lưới chỉ tiêu dạy nghề hàng năm gắn với tăng trưởng, phát triển kinh tế và nhu cầu việc làm của thị trường lao động. Ông Bùi Nguyên Lân đơn cử xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề về chăn nuôi, thú y, bà con ở đây đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi hàng hóa mang lại giá trị thu nhập cao. Hay việc đào tạo nghề theo địa chỉ được tỉnh ta thực hiện rất tốt như đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp như nghề mây tre đan xuất khẩu có hiệu quả thiết thực, tạo việc làm và thu nhập cho người nông dân. Các huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu… đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp may. Tỉnh ta có 13 doanh nghiệp đào tạo thợ may, thu hút lao động rất tốt, quy mô 11.000 lao động nhưng mới thu hút được 5.000 lao động, năm 2013 sẽ có 6.000 lao động được thu hút vào các doanh nghiệp may. Sở sẽ tiếp tục tham mưu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế đào tạo nghề và giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người lao động.
Kết luận tại phiên chất vấn Sở LĐ-TB&XH, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Mặc dù trong điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Nghệ An là tỉnh được Trung ương đánh giá là địa phương làm tốt chính sách người có công. Công tác giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đồng chí lưu ý trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về giải quyết chế độ, chính sách cho người có công và công tác đào tạo nghề; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chính sách người có công, nhất là thanh tra, kiểm tra, kịp thời giải quyết các sai sót xảy ra nhằm thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp giải quyết dứt điểm chế độ người có công với cách mạng; rà soát các quy định, thủ tục còn bất cập để tham mưu cho cấp trên sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh xã hội hóa về công tác dạy nghề; đổi mới phương pháp đào tạo gắn với giải quyết việc làm; tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nhất là duy trì thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở dạy nghề; tham mưu ban hành đề án quy hoạch dạy nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020.
Chuyên-Lê