Nồng nàn rượu nếp Phúc Mỹ

14/08/2014 16:12

(Baonghean) - Nghề nấu rượu ở xã Hưng Châu (Hưng Nguyên) được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ năm 2007. Dẫu có những thăng trầm nhất định, nhưng nghề nấu rượu vẫn là một trong những nghề giúp nông dân ở đây thoát nghèo, làm giàu...

Làng còn giữ lại nét duyên dáng, thuần hậu của một làng quê đồng bằng xứ Nghệ với địa hình bằng phẳng, đường thôn ôm lấy những khóm dân cư ven những cánh đồng lúa trải rộng trù phú. Làng xưa có tên Phục Lệ có gốc từ năm 1593 triều Lê sơ, đến thời Tự Đức nhà Nguyễn đổi thành Phúc Mỹ. Tên tuổi của làng nhiều người còn rành rẽ thế, nhưng nghề nấu rượu Phúc Mỹ có từ bao giờ thì không ai biết chính xác.

Chưng cất rượu  ở Phúc Mỹ.
Chưng cất rượu ở Phúc Mỹ.

Đề án làng nghề nấu rượu Phúc Mỹ thì chép nghề nấu rượu du nhập vào làng từ năm 1930, nhưng ai là người đầu tiên mang cái chõ về chưng cất lên thứ nước men cho con cháu sau này lấy làm cái nghề cốt lõi cho người làng làm giàu này thì hỏi người họ Lý, họ Lê, họ Nguyễn... ai cũng lắc đầu, dù dòng họ nào trong làng cũng đều đã xây cất nhà thờ đẹp đẽ thâm nghiêm, lễ, tết đều dâng lên thức rượu làng quê chưng cất từ nồng đượm củi bếp nhà, thật cẩn trọng thành kính tri ân tiên tổ. Dù sao thì ngót trăm năm đủ nồng nàn lên hương vị riêng men rượu Phúc Mỹ tỏa đi khắp Bắc, khắp Nam đã hàng ngàn, hàng vạn lít từ khi lên làng nghề, mà sao vẫn cứ khiêm nhường tên tuổi? Tôi bất ngờ khi trưởng làng nghề - ông Lê Xuân Cúc cho biết: Có làng nghề nấu rượu nơi khác sản phẩm đã có nhãn, có mác bán chạy trên thị trường thực chất một phần lấy nguồn rượu Phúc Mỹ. Chưa nhãn mác, thượng hiệu nên người làng nghề Phúc Mỹ chấp nhận bán nhập rượu trên thị trường thấp thua “người ta” có khi đến 5 giá. Có nghĩa khoảng 100 hộ dân Phúc Mỹ - Hưng Châu nay đang bám nghề nấu rượu truyền thống mùa cao điểm một ngày cho “ra lò” khoảng 3 ngàn lít rượu, bán giá rượu buôn đã thất thu khoảng 15 triệu bạc. Như vậy một tháng dân làng nghề Phúc Mỹ đã mất đứt khoảng 450 triệu đồng. Nấu rượu ủ cơm, chưng cất, mòn chân chạy chợ mà bán giá thấp thế làm sao lại giàu, lại giữ vững được cái nghề?

Ấy là nấu rượu phải đi kèm với chăn nuôi. Nghề nấu rượu Phúc Mỹ thời điểm cực thịnh nhiều hộ thu lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm nhờ dùng phụ phẩm (hèm) để chăn nuôi lợn. Bây giờ, hộ nấu nhiều rượu nhất Hưng Châu là anh Nguyễn Hữu Thọ, mùa cao điểm nấu hết 1 tạ gạo nếp/ngày, vỗ béo thường xuyên trong chuồng 30 con lợn. Khi Phó Chủ tịch xã Lê Khánh Quang dẫn tôi vào nhà anh Thọ, mới biết đây thuộc làng Mỹ Dụ nhưng bà mẹ anh là người Phúc Mỹ về làm dâu ở đây giữ nghề lại cho. Cái biết nữa là nghề nấu rượu đã lan tỏa ra khỏi không gian làng Phúc Mỹ, nhưng ai làm nghề nấu rượu ở Hưng Châu thì cũng “ăn” vào uy tín làng nghề cả. Nhà to rộng ốp gạch mọi phía vì cái nghề nấu rượu nó ám hơi men ẩm mốc kinh khủng. Sân gạch rộng thênh nhưng lù lù cơ man là bao bì căng tròn thóc nếp thu mua về để chuẩn bị cho “chiến” dịch chưng cất mùa bia bọt thoái trào. Anh Thọ hỉ hả nói: “Tôi còn cả lẫm thóc nếp đầy ở nhà sau, một số nữa còn gửi bên ngoại, số nữa thì trả tiền cho người ta trước rồi, đến mùa thu hoạch gọi là người ta chở tới thôi. Mỗi năm nấu rượu hết hơn chục tấn thóc nếp, trữ bao nhiêu cũng không thừa. Có lúc tôi ủ đến 6 chục xô to cơm rượu, phải đánh số từng xô để nấu cho đúng cữ ủ!”.

Ông cụ thân sinh anh Thọ là cán bộ tiền khởi nghĩa, năm nay 92 tuổi, nhớ bập bõm ngày trước Cách mạng tháng Tám, Tây đoan về làng bắt rượu lậu. Bao nhiêu rượu, dân Phúc Mỹ cho vào vò ủ giấu dưới nền nhà, ngoài ao đều bị vớt lên tịch thu hết. Nhưng rồi, chẳng ai chịu bỏ nghề, cứ nấu chui, nấu nhủi rồi bỏ vào bịch cao su cuốn quanh người quảy theo gánh rau cỏ ngụy trang rả đi các chợ quê bán. Nào ai có nghĩ cái danh tiếng, thương hiệu gì đâu? Nhưng thuở ấy, khách người ta cứ nhìn thấy mặt dân Phúc Mỹ là nhận ra người làng rượu, tin vào rượu ngon nhờ tin người. Ấy thế nhưng trận đói Ất Dậu (1945) cũng theo nhau bỏ nghề gần hết, chỉ mấy nhà trung nông, hương lý là còn gạo mà nấu rượu cũng như còn sức mà uống. Cách mạng về, rồi lên hợp tác xã mới, nhiều nhà lục tìm lại cái vò, cái chõ nối nghề nấu rượu truyền thống. Nhưng cũng là phập phù thôi, vì hết đánh Pháp lại đánh Mỹ, có thời kỳ thì ta cũng cấm vì gạo phải dành cho tiền tuyến đánh giặc, nồi chõ nấu rượu vứt chỏng chơ, hết dần cái nồi đồng nấu rượu dân ta quen gọi là nồi “ba ba” vì nó tròn có eo có thắt trông xuống giống như con ba ba.

Nói một chút đến chuyện cái nồi nấu rượu, vì nó cũng gắn với truyền thống nghề. Xưa, cái nồi đồng “ba ba” được coi là một trong những vật có giá trị của nhà nông dân nghèo, ở làng Phúc Mỹ được dùng nấu rượu nhưng cất ra rượu nó cứ nhẩn nhẩn mùi đồng. Sau, được thay bằng nồi gỗ và bây giờ là nồi nhôm. Trong 3 thứ nồi ấy, nồi đóng bằng gỗ dổi nấu rượu là ngon nhất, có thể đưa rượu Phúc Mỹ lên hàng thượng thặng, nhưng nó bất tiện là mùa nắng nóng nấu xong cứ phải vất xuống ao ngâm chán mới nở kín khe gỗ. Nhưng kể có bất cập thế cũng có thể dùng nếu cho ra được thứ “tửu bảo”, mắc cái nó đắt, bây giờ muốn đóng được cái nồi như thế mất cả triệu bạc, mà rượu bán không được giá mấy, nên không ai nghĩ đến chuyện đóng nồi gỗ nấu rượu.

Thôi thì chưa là “tửu bảo” cỡ sản vật dâng vua tiến chúa, thì rượu Phúc Mỹ cũng đã được khách TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội thường xuyên đặt hàng trăm lít, cứ a lô cái là người làng gửi ô tô khách đến tận nơi. Anh Thọ chuyên lấy rượu đạt 50 “độ” theo nhu cầu khách, nghĩa là chỉ lấy “nước đầu”. Chị vợ nhanh nhảu đong ra một chai, anh Thọ rỏ ra một ít ở mặt bàn rồi xòe diêm, ngay lập tức phực lên ngọn lửa xanh lè. Ấy thế nhưng uống thì êm và thơm đến độ nồng nàn tinh túy của gạo nếp đồng quê. “Rượu hạng ngon nhất, tôi cũng chỉ bán được 35 nghìn đồng một lít, là rẻ, nếu không dùng hèm để chăn nuôi lợn thì dễ người làng nghề Phúc Mỹ không còn nấu rượu hàng hóa nữa. Thế nên, muốn giữ nghề nấu rượu dứt khoát phải nuôi lợn” - anh Thọ nói.

Không gian làng nghề nấu rượu Phúc Mỹ bao gồm xóm 3 và xóm 4, xã Hưng Châu. Cùng với làng nghề bánh đa kẹo lạc Đông Nhật - Hưng Châu kế dưới, làng nghề Phúc Mỹ được Nhà nước đầu tư làm giao thông nông thôn với tổng kinh phí cho 2 làng hơn 5 tỷ đồng, nên bây giờ đường thôn kiên cố hóa rộng rãi, khang trang lắm. Nhưng ấn tượng là những nhà cao tầng hiện đại mọc lên tầm vi-la, biệt thự, xây dựng chi chút kiểu cóp nhặt nhà quê nhưng đều hết dăm, bảy trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Bí thư Chi bộ xóm 3 Lê Văn Vợi, vừa dẫn tôi đi thăm làng nghề vừa nói: “Anh về cữ này là lỗi mùa nấu rượu rồi. Vì cái nghề này nó cũng đỏng đảnh lắm, nắng nóng có gió đông thì được, nhưng cứ dậy nồm lên là coi như hỏng nồi rượu. Nhà nấu ít thì nghỉ nghề, nhà nấu nhiều thì nồi được nồi không cũng phải cố để giữ khách. Mùa chính là từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau kia”. Ấy là chộn rộn vô cùng vào mùa nấu rượu chính ấy. Làng Phúc Mỹ suốt ngày ầm ì máy xay xát xay gạo nếp nấu rượu, từ chập tối nhà nhà làm nghề đã nấu ủ cơm rượu. Khuya, ngủ vài canh rồi 3 giờ sáng đã thức dậy, cả làng đỏ đèn lao xao, rậm rịch, trời đêm ướp nồng nàn hương nếp. Sáng ra, trên các lối xóm, bờ đê Tả Lam đã lũ lượt các bà, các chị rẽ sương chở rượu đi bán.

Bí thư chi bộ Lê Văn Vợi chạt chạt đôi dép xuống bậc thềm bóng loáng của ngôi nhà hai tầng kiểu mới còn thơm mùi sơn, ý chừng đánh động chủ nhà ra tiếp khách. Mùi rượu thơm len từ bếp nấu ra tận gian khách thoáng rộng. Chị chủ nhà, thắt lại chiếc khăn buộc tóc, quệt vội mồ hôi rồi đon đả: “Nhà này một phần là tiền con cái góp vào đấy. Nhưng tôi nói thật, nếu không gặp mùa nắng nóng nấu phập phù thì tôi chả cần chúng nó góp đồng nào đâu. Ấy là vì tôi chịu khó đi nhập rượu tận nơi nên “ăn” thêm được mấy giá. Với lại, đương nhiên là phải nuôi lợn chứ! Tôi trong chuồng giờ có 20 con lợn, ăn hèm rượu cứ lớn nhanh như thổi, cả nuôi con gà, con vịt cũng vậy! Anh xuống vùng Ga Vinh, vào các quán hàng cứ hỏi “Phương rượu”, là người ta đều biết tôi hết. Rượu nhà tôi còn đóng hàng trăm lít một lứa, gửi vào cho người nhà tiêu thụ ở trong Nam...”. Ôi, là cái biệt danh nghe “bợm” thế! Nhưng rồi mai nay, làng nghề rượu Phúc Mỹ có được công nhận nhãn hiệu sản phẩm thì hẳn cũng không quên những người như nhà cái chị “Phương rượu” này. Thời rượu lậu Tây đoan bắt các cụ người làng đi bán rượu cứ nhìn mặt người là tin rượu Phúc Mỹ, thì bây giờ cạnh tranh bao làng nấu rượu thì chị Phương tạo được cái uy tín như thế không là góp phần tôn lên cái truyền thống nghề của làng là gì?

Đã là làng nghề nấu rượu thì nấu càng nhiều càng tốt, nhưng nhà nấu nhiều cũng là nuôi lợn nhiều. Cái môi trường thôn xóm thì sao? Bí thư chi bộ Vợi bảo: “Nhà báo đã đi quanh xóm, có nghe “mùi mè” lợn, gà gì không? Nhà nào cũng vệ sinh chuồng thường xuyên, nước thải cho ra đồng. Phân chăn nuôi ủ hoai kỹ bón cho đồng ruộng, cam đoan là ruộng người làng Phúc Mỹ bao giờ cũng xanh tốt vượt, năng suất hơn trong vùng. Không nói quá lắm đâu, hạt gạo nếp xay ra để dùng nấu rượu trông to hơn hạt thóc!”.

Thế là từ cái nghề nấu rượu đã cho ra mấy cái lợi. Làng nghề nấu rượu Phúc Mỹ đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “Rượu nếp Phúc Mỹ - Hưng Châu”. Mai này, đường hoàng trên thị trường rồi, rượu Phúc Mỹ bán được giá đúng như chất lượng của nó, nếu đem được cái “anh” nếp cải hoa vàng về trồng ruộng làng để đầu tư nấu theo công nghệ làng Vân ngoài Kinh Bắc, thì chắc là làng nghề Phúc Mỹ cũng có quyền mơ là điểm đến của một làng nấu rượu truyền thống trăm năm hương vị nồng nàn bên đường du lịch ven sông Lam. Tôi mạo muội góp lời với Bí thư chi bộ Lê Văn Vợi như thế, cũng bởi cái hào hứng sau chén rượu nhỏ vừa cất mà mọi cảm giác cảm nhận trọn vẹn được một hương vị tinh túy hạt gạo làng quê Nghệ An không kém phần có cái độc đáo riêng!

Bài, ảnh: Đình Sâm

LTS: Hiện nay, Nghệ An có 119 làng được UBND tỉnh công nhận, 285 làng có nghề cấp huyện công nhận; toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 phát triển 318 làng nghề, trong đó 150 làng có nghề. Nghệ An Cuối tuần, bắt đầu từ số này mở chuyên mục “Làng nghề, giữ nghề” nhằm phản ánh về hoạt động các làng nghề, đặc biệt là các nghề truyền thống, đang nỗ lực khẳng định hiệu quả trong tạo việc làm cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Mới nhất

x
Nồng nàn rượu nếp Phúc Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO