Nông nghiệp thông minh: Hiệu quả và thách thức
(Baonghean) - Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, tài nguyên ngày càng cạn kiệt ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp. Để né tránh thiên tai, bảo vệ đất, người nông dân và nhà khoa học đã có nhiều giải pháp để sản xuất hiệu quả. Đó chính là nông nghiệp thông minh - một trong những chủ trương lớn của nhà nước trong chống lại biến đổi khí hậu...
Từ ý tưởng sáng tạo trong trồng trọt
Trước đây, người dân xóm Tân Hải, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu - một xóm có nghề độc canh rau màu luôn bận bịu, giữa nắng trưa bỏng rát vẫn phải đứng tưới cho rau. Cứ một ngày tưới 5 lần, một lần 1 tiếng rưỡi đồng hồ, nếu không tưới lá rau sẽ cháy quăn. Để khắc phục hình thức tưới thủ công, ông Hồ Đăng Năng ở xóm Tân Hải đã đầu tư hệ thống phun sương bán tự động cho khắp khu vườn. Ngày nắng chỉ cần ngồi trong nhà cắm điện, thế là cả vườn rau như một công viên, các vòi nước thi nhau tỏa ra những tia nước đủ làm mát cho rau. Chính vì thế, chỉ 3 sào rau trong vườn nhưng cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Nguồn nước ngầm ở Tân Hải không dồi dào, cả làng đều tưới nên những năm trước thường lâm vào cạn kiệt. Nhưng nay, nhà nhà lắp hệ thống phun sương tự động, vừa cung cấp đủ nước cho lá rau, giảm bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, giữ độ ẩm cho đất, lại vừa tiết kiệm nước.
Cả xóm Tân Hải có hơn 50 hộ/106 hộ có vườn tưới tự động. Hệ thống tưới tự động này nhiều người dân làm được, đặc biệt là nông dân Quỳnh Liên. Hiện nay một số cơ sở cơ khí nhỏ tại xã đã sản xuất với giá thành hạ. Đầu tư 10 triệu đồng là có được hệ thống tưới phun sương đa lợi, vật liệu là những đoạn ống nhựa liên kết với nhau, có khóa tại các vị trí, có ống chủ, ống nhánh và các van. Nhờ hệ thống tưới tự động này mà người trồng rau Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên như đổi đời. Đó quả thật là cách sản xuất nông nghiệp thông minh từ ý tưởng của chính người nông dân.
Những năm gần đây, người dân Nghi Kim, Thành phố Vinh vẫn chăm chỉ trồng rau sạch để vừa bán, vừa phục vụ cho chính bữa ăn gia đình. Xóm 10 Nghi Kim hầu hết đều sản xuất rau- nghề đòi hỏi lao động cần cù, thức khuya dậy sớm. Họ chăn nuôi trâu bò, tận dụng phân chuồng làm phân bón hữu cơ cho rau để giảm phân hóa học. Gia đình chị Cao Thị Khoa, xóm 10, có 620m2 đất trồng rau, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bây giờ đang là thời vụ trồng rau chính trong năm, chị cùng cả làng ra đồng trồng rau. Rau đầu vụ sau mưa lụt thường có giá nên phải làm nhanh mới thắng.
Chị Khoa cho biết: “Đất trong vườn cao hơn ngoài đồng nên ngay sau khi hết mưa của cơn bão số 11, chúng tôi ra giống, khoảng chục ngày sau là đất ngoài đồng cấy được, cả nhà ra đồng làm đất và tập trung cấy rau. Mùa này không có sâu nên chỉ dùng phân bón hữu cơ bón lót trước khi cấy, sử dụng phân hữu cơ sinh học để xử lý đất. Nhờ vậy rau an toàn, chi phí thấp”. Bên cạnh chị Khoa, chị Nguyễn Thị Thanh cũng đang hối hả làm đất kịp trồng rau vụ mới. Chị Thanh tiết lộ: Rau cải nhập ở Vinh đang được 4 nghìn đồng/bó, với giá đó một sào rau một vụ cho thu nhập 10 triệu đồng, nhưng phải làm nhanh.
Chị Thanh còn cho hay: Mùa xuân hè có bọ nhảy, bướm sâu nhiều chị làm rau trong nhà lưới, còn bây giờ làm ngoài đồng để cây tận dụng được khí trời. Mùa hè vừa qua, gia đình chị có 200m2 rau nhà lưới trồng cúc, mồng tơi, rau mùi rất hiệu quả. Chi phí làm nhà lưới hết 7 triệu đồng, thành phố hỗ trợ một phần. Mùa hè trồng rau nhà lưới, mưa bão, mùa đông cất lưới trồng ngoài trời, chị đã tận dụng được cả kỹ thuật lẫn né tránh thiên tai để cho hiệu quả cao. Mùa hè vừa qua, gia đình anh Lê Văn Tâm cũng ở xóm 10 trồng cà chua trong nhà lưới rất hiệu quả, giờ anh đang trồng cải thìa, cải đắng ngoài trời. Quan sát kỹ cách làm của bà con thấy ở đây đúng là có rau sạch, người dân đang xây dựng thương hiệu rau sạch cho Nghi Kim.
Hệ thống phun tưới cho rau ở Quỳnh Bảng - Quỳnh Lưu. |
Đến chăn nuôi sạch bảo vệ môi trường
Đến thăm gia đình chị Ngô Thị Trang, xóm Hòa Bình, xã Giang Sơn Đông, Đô Lương - một hộ chăn nuôi có trại lợn khoảng 30 con lợn thịt và một đàn lợn con nhưng thật ngạc nhiên, chuồng lợn nhà chị sát ngay nhà ở nhưng không có mùi. Trong chuồng sạch sẽ, đàn lợn uống nước tại các vòi nước tự động mắc trên tường. Chỉ cần chúng ngậm vào nước sạch sẽ chảy ra để uống. Trên nóc chuồng là giàn ống nước mắc tự động vừa cung cấp nước uống cho lợn vừa để vệ sinh.
Chị Trang kể, cách đây hơn 10 năm, theo học cao đẳng nghề chăn nuôi, ra trường không xin được việc, chị về nhà lấy chồng và mở trang trại chăn nuôi lợn. Một năm 3 lứa lợn thịt, rồi lợn con, lợn nái, chị còn mở đại lý bán thức ăn để cung ứng cho bà con chăn nuôi trong vùng. Một tay chị vừa chăm sóc, vừa tiêm phòng cho đàn lợn. Có kỹ thuật, lại cần cù, lợn của chị nuôi nhanh lớn, giá thường cao hơn giá nuôi tập trung. Chị khẳng định thị trường đầu ra luôn rộng mở, nên lúc nào cũng bán được, mỗi lần bán luôn cả lứa. Từ năm 2009, chị đầu tư 100 triệu đồng làm bể biogas. Hiện nay nước thải, phân đều dẫn ra bể biogas và cung cấp cho chị lượng gas nấu thoải mái 3 bếp. Giờ đây, chị còn được Dự án Lipsap của Sở NN và PTNT Nghệ An hỗ trợ thêm kỹ thuật, cách bố trí chuồng trại khoa học, đặc biệt là cách chăn nuôi “ghi sổ”: Ghi các diễn biến phát triển của lợn từng tuần để có cách chăm sóc, quản lý dịch bệnh phù hợp.
Ở Nam Xuân- Nam Đàn cũng là khu vực được hỗ trợ bởi Dự án Lipsap, ở đây có nhiều trang trại chăn nuôi tập trung và nhỏ lẻ của các gia đình. Trang trại của ông Nguyễn Quang Đại được đầu tư 15 tỷ đồng trên diện tích 5 ha, qui mô 200 con lợn nái giống ngoại và hàng trăm con lợn thịt được bao quanh bởi các hồ nước lớn. Ông Đại cho biết: Để bảo vệ môi trường, thứ nhất phải xa dân, thứ hai phải bao quanh bằng các hồ nước và thứ ba là xây bể biogas. Lượng gas sản xuất ở đây đủ nấu ăn cho hàng chục công nhân, thậm chí phải cho đi. Còn nước thải, ông tận dụng cho công nhân trồng rau ngót, trồng chè, ớt xanh. Cách đầu tư khoa học để tự bảo vệ trang trại tránh dịch bệnh, đồng thời hướng chăn nuôi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường đang được ông Đại thực hiện, trở thành kiểu mẫu cho nhiều đoàn tham quan học tập.
Và vai trò của doanh nghiệp?
Nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp thích ứng với thời tiết, với biến đổi khí hậu mà Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước đang phát triển hướng tới, trong đó có phương pháp thực hành và công nghệ tốt nhất cho nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu và an ninh lương thực; nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp, đầu tư công nghệ, thông tin qua mối quan hệ công – tư để ứng dụng rộng rãi lĩnh vực này.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình, những cách làm thông minh để “sống chung với biến đổi khí hậu” nhưng nếu không có sự vào cuộc của “4 nhà” thì hiệu quả cũng không cao. Ví như ở Diễn Vạn- Diễn Châu có mô hình nuôi cua xen cá vược cho hiệu quả cao. Đầu năm nuôi cua, khi cua lớn thu hoạch xong lại nuôi cá vược. Bắt đầu tư tháng 9, tháng 10 mùa cua đẻ, người dân đi khai thác giống về nuôi, sau đó đến tháng 5 dương lịch thu hoạch cua để bán. Từ tháng 4, họ đã ương cá vược, thức ăn thừa của cá vược sẽ dùng cho cua.
Sau khi thu hoạch hết cua thì bung cá vược ra ngoài. Sau khi thu hoạch cá vược lại dùng cua để làm sạch môi trường. Cách làm này đã được Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật và cho hiệu quả về năng suất, sự bền vững vì cá, cua không dịch bệnh như nuôi tôm trước đây. Như vậy đã có nhà nông, nhà nước, nhà khoa học vào cuộc. Song lại chưa có doanh nghiệp vào để bao tiêu sản phẩm cho bà con, vì vậy cá vược khi có sản lượng lớn rất khó bán. Tương tự như vậy, các mô hình nuôi tôm thâm canh và giám sát dịch bệnh ở các vùng tôm Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Hòa, tuy nhà khoa học, nhà nông, nhà nước đã nỗ lực để có diện tích, sản lượng, năng suất cao nhưng doanh nghiệp thu mua và chế biến lại chưa tương xứng. Người nuôi tôm phải bán tôm đi ngoại tỉnh là chủ yếu.
Nông nghiệp thông minh trước hết cũng phải có một hàm lượng chất xám nhất định trong nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, trong đó nông nghiệp công nghệ cao là một giải pháp đắc lực. Hiện nay Công ty CP Lâm nghiệp tháng Năm đang làm dự án trồng rau, hoa xuất khẩu trong nhà kính ở Nghĩa Đàn, đã triển khai được 4 ha các loại cây trồng có giá trị cao và dễ bị tổn thương ở điều kiện ngoài trời như: ớt ngọt, cà chua bi, dưa vàng, cà chua cumato, hoa... hay dự án trồng và chế biến chuối theo công nghệ nuôi cấy mô tại xã Viên Thành - Yên Thành của Hàn Quốc, hay dự án chăn nuôi bò tập trung qui mô lớn của TH tại Nghĩa Đàn...
Vì vậy, để sản xuất nông nghiệp thông minh, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, chỉ mình nhà nông là không làm được. Vai trò của khoa học và doanh nghiệp là rất lớn, trong lúc đó điều kiện ở Nghệ An đang còn nhiều hạn chế, nên nông nghiệp thông minh vẫn là những thách thức lớn.
Châu Lan