"Nóng" nợ đọng

25/07/2012 20:54

(Baonghean.vn) - Trái với dự tính ban đầu, vốn vay ngân hàng, lãi suất không phải là vấn đề nóng mà thay vào đó là các vấn đề giải quyết hàng tồn kho, các khoản nợ thuế, BHXH, BHYT... đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị tuyên dương khen thưởng thành tích nộp thuế năm 2011 và tháo gỡ khó khăn vướng mắc giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hiện nay, theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 6.410 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ, công nghiệp khai thác, chế biến. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là lãi vay ngân hàng. Nợ đọng vốn trong XDCB giao thông được ví như cái vòng luẩn quẩn, gỡ chỗ này thì rối chỗ kia. Như công tác cấp hộ khẩu: hộ khẩu đòi phải có bìa đỏ đất ở, còn cấp bìa đỏ đất ở lại đòi phải có hộ khẩu. Cái vòng đó bắt nguồn từ việc chủ đầu tư nợ khối lượng nhà thầu, kể cả ở các dự án đã nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nhà thầu không có vốn thi công lại phải vay nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp cung ứng vật liệu, nợ lương công nhân, nợ thuế nhà nước, dẫn đến chiếm dụng vốn lẫn nhau. Tình trạng nợ đọng vốn trong XDCB gây bất ổn về tài chính không chỉ cho riêng các nhà thầu xây lắp mà cho hàng loạt các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, kéo theo đó là đời sống, việc làm của người lao động bấp bênh.

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Tổng GĐ Công ty CP ĐT Xây dựng Miền Trung phát biểu ý kiến

Ông Nguyễn Xuân Phúc – Tổng GĐ Công ty CP ĐT xây dựng miền Trung phản ánh: Nhiều công trình làm xong chủ đầu tư chưa có tiền trả, việc nộp thuế của doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn. Chúng tôi thi công công trình dự án trên nhiều địa bàn, khối lượng hoàn thành lớn và kéo theo tổng nợ tương đối lớn, riêng Sở Giao thông vận tải nợ gần 14 tỷ đồng đã 1 năm nay. Lãi vay ngân hàng DN phải trả nhưng chủ đầu tư không thanh toán; khoản tiền doanh nghiệp vay ngân hàng đầu tư công trình trở thành nợ xấu, nợ quá hạn. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh có ý kiến với chủ đầu tư xử lý khoản trả nợ quá hạn đối với khối lượng đã nghiệm thu.

Ông Phan Trọng Thông - GĐ Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông Nghệ An nêu ý kiến

Còn ông Phan Trọng Thông – GĐ Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông Nghệ An lo lắng dù doanh nghiệp được khen thưởng thành tích nộp thuế năm 2011 nhưng năm 2012 còn nợ. Sau khi sản phẩm được bàn giao thì phải tính thuế là đúng nhưng đối với XDCB, nghiệm thu xong nhưng bị nợ đọng vốn. Chính vì thế đã có hiện tượng nhiều công trình thi công xong không dám nghiệm thu, vì phải nộp thuế trong khi không được bố trí vốn. "Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác buộc phải "lách luật" bằng cách: một công trình nghiệm thu nhiều lần. Bất cập này do một công trình có nhiều chủ đầu tư." Ông Thông thừa nhận.

Công trình nợ đọng cũng do đầu tư dàn trải. Vốn trải rộng ra nhiều dự án, không tập trung nên hàng loạt công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ. Nhiều dự án dù đã hoàn thành nhưng vốn cũng không được cấp nên phải nợ nhà thầu. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm, khiến tình hình nợ đọng càng thêm trầm trọng. Thông thường khi triển khai các dự án phải điều chỉnh rất nhiều lần. Khi vốn còn dư dật thì năm trước điều chỉnh, năm sau sẽ có vốn bổ sung nên không nợ đọng nhiều. Còn hiện nay, vốn rất thiếu nên chủ đầu tư không có tiền trả nhà thầu là điều dễ hiểu. Những năm gần đây, vốn dành cho công tác XDCB giao thông quá thiếu, khi điều hành cơ chế lại không rõ ràng, dứt khoát. Lẽ ra vốn đến đâu thì chỉ đạo nhà thầu làm đến đó. Tuy nhiên thậm chí nhiều chủ đầu tư còn ép nhà thầu làm dù tiền không có, do vậy khi hoàn thành chắc chắn không thể có vốn thanh toán. Đây rõ ràng là bất cập lớn cần phải thay đổi trong thời gian tới.

Về vấn đề tín dụng ngân hàng, anh Nguyễn Văn Toàn – Phó GĐ Công ty CP 471 nói: Do nợ xây lắp, công trình chưa được thanh toán nên chưa có nguồn để trả nợ BHXH, BHYT cho người lao động. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm việc với ngân hàng để được vay thanh toán các khoản này thì không được chấp thuận. Công ty chúng tôi hiện có trên 400 lao động, trước tình hình khó khăn hiện nay chúng tôi hiện còn nợ BHXH, BHYT trên 1 tỷ đồng. Bị nợ vốn, lại không được vay khiến DN bị vây bủa bởi các khoản nợ BHXH, BHYT.

Ông Võ Văn Đại - GĐ Công ty CP thủy sản Vạn phần Diễn Châu

Xung quanh vấn đề thuế GTGT, ông Võ Văn Đại - GĐ Công ty CP thủy sản Vạn phần Diễn Châu cho rằng, việc xây dựng thuế GTGT cho nông sản thực phẩm quá cao. Từ tháng 12/1998 về trước chỉ 4% sau đó vọt lên 10%, trong khi nông sản mua phần lớn từ nông dân, thời gian chế biến dài. Doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản còn phải cõng thêm thuế GTGT thay cho nông dân. Theo quy định, hàng hóa nông dân bán ra không chịu thuế GTGT (trong khi đầu vào của sản xuất nông nghiệp là giống, phân bón, máy móc nông cụ… đều có GTGT) nên tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. "Doanh nghiệp mua hàng của nông dân, sản xuất - chế biến rồi bán ra thị trường nội địa thì phải chịu 10% thuế GTGT trên sản phẩm mà không được khấu trừ đầu vào. Đây là bất hợp lý gây thiệt thòi cho doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Đề nghị giảm từ 10% xuống còn 5% là phù hợp. " Ông Đại nói.

Về chính sách tín dụng, ông Đại cho rằng, thời gian qua, chính sách tín dụng là tích cực nhưng chưa đúng thời điểm, nếu điều chỉnh sớm hơn thì sẽ cứu được nhiều DN hơn. Mặc dù lãi suất ngân hàng hiện đã giảm nhưng số DN đủ điều kiện vay vốn là không nhiều. Đối với DN không đủ điều kiện thì nên có thế chấp khác để cứu doanh nghiệp, giúp DN phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động. Tài sản thế chấp hiện nay ngân hàng đánh giá thấp so với giá trị thực tế....

Trao đổi với DN, bà Nguyễn Thị Thu Thu – Phó GĐ Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết: Về đánh giá tài sản đảm bảo không đúng thực tế, quá chặt chẽ, quan điểm chung của ngân hàng chỉ là điều kiện đi kèm, quan trọng hơn là hoạt động sản xuất kinh doanh, phương án kinh doanh, tiên lượng thị trường cả trong ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng: Ngân hàng giữ quan điểm "thà giảm lãi suất chứ không giảm điều kiện cho vay vì đảm bảo an toàn tín dụng". Do đó, dù lãi suất đã giảm mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, ghi nhận tại buổi đối thoại, chính sách thuế vẫn là vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp băn khoăn, bức xúc. Vấn đề DN XDCB vướng nhất là công trình sau khi công trình bàn giao chưa được thanh toán, DN vẫn phải vay vốn nhưng vẫn phải kê khai nộp thuế đúng hạn. Những vấn đề được nêu ra tại hội nghị, đồng chí Thái Văn Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan sớm có biện pháp giải quyết, trả lời doanh nghiệp.


Thu Huyền

Mới nhất
x
"Nóng" nợ đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO