NSND Bạch Diệp nữ đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam

12/03/2013 21:46

(Baonghean) NSND Bạch Diệp - người đàn bà từng dược đồng nghiệp yêu mến nể phục gọi bằng những biệt danh “nữ tướng trường quay”, “con hổ phim trường”, “người đàn bà thép” là đều không... ngoa chút nào. bà từng “làm mưa làm gió” trên phim trường với những bộ phim như: “Ngày lễ thánh”, “Trừng phạt”, “Huyền thoại mẹ”, “Ai giận ai thương”, “Hoa ban đỏ”...

Bạch Diệp sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình làm nghề truyền thống nhiếp ảnh. Năm lên 6 tuổi, bà theo học ở Trường Tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng. Năm 1944, gia đình bà chuyển sang Hải Dương sinh sống và ở tuổi 16, bà đã đi theo Việt Minh tham gia phong trào Tổng khởi nghĩa 1945, hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc của tỉnh. Năm 1955, bà chuyển về làm phóng viên báo Nhân dân cho đến năm 1959, Bộ Văn hóa - Thông tin mở Trường Điện ảnh, bà theo học lớp đạo diễn dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô. Tốt nghiệp năm 1963, bà về làm việc ở Hãng phim truyện Việt Nam, từ thư ký trường quay, trợ lý đạo đạo diễn, phó đạo diễn cho đến đầu những năm 1970 bà mới được giao làm đạo diễn chính phim truyện.

Tác phẩm đầu tay của Bạch Diệp là phim “Trần Quốc Toản ra quân” (chuyển thể từ chèo), được giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II tại Hải Phòng. Tiếp sau đó là những phần “Người về đồng cói - 1973”; “Ngày lễ thánh - 1976”; “Câu chuyện làng Dừa - 1977”; “Người chưa biết nói - 1979”; “Ai giận ai thương - 1982”; “Huyền thoại mẹ - 1985”... Nổi bật nhất là 2 bộ phim “Ngày Lễ thánh” (chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết “Bão biển” của Chu Văn) và “Huyền thoại mẹ”, đều giành giải thưởng cao tại LHP trong nước và là cụm tác phẩm xuất sắc để bà vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2007). Bạch Diệp được phong tặng NSND đợt 4 năm 1997, là một trong số ít nghệ sỹ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư Điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, bà cùng với 11 nghệ sỹ đương đại được Hội Điện ảnh Việt Nam tôn vinh trọn đời. Về hưu năm 1992, bà vẫn được mời làm phim truyền hình và chương trình điện ảnh chiều thứ 7, phim chiếu trên Văn nghệ chủ nhật.



NSND Bạch Diệp

NSND Bạch Diệp là nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam (vị trí này thường là của nam giới). Sau bà cũng chỉ có các nữ đạo diễn Đức Hoàn, Việt Linh, Nhuệ Giang (phim truyện), Thanh Loan (tài liệu) và Phương Hoa (Hoạt hình). Niềm đam mê, tình yêu cháy bỏng nghệ thuật điện ảnh đã giúp bà vượt qua những khó khăn, mặc cảm, và cả đố kỵ để trở thành đạo diễn xuất sắc, thành đạt trong suốt năm làm nghề với 11 bộ phim truyện nhựa và 4 phim truyền hình. Nhớ lại khi mới vào trường học đạo diễn, chuyên gia điện ảnh Xô Viết đã hỏi bà: “Quyết định theo học nghề này chị đã suy nghĩ kỹ chưa? Đạo diễn là nghề của đàn ông, vì làm một bộ phim thường rất dài ngày và tốn nhiều sức lực. Ngay cả trên thế giới cũng rất hiếm phụ nữ thành danh nhờ cái nghề cực nhọc này”. Câu hỏi không làm Bạch Diệp sợ mà trở thành động lực để bà quyết liệt theo nghề và tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu. Với cương vị là tổng chỉ huy phim trường, bà tỏ rõ bản lĩnh là một đạo diễn chuyên nghiệp, rất nghiêm khắc, chỉn chu trong công việc, không dễ bị khuất phục trước khó khăn. Bà để lại dấu ấn cho làng điện ảnh một nữ đạo diễn xông xáo, không kém gì nam giới. Nhiều khi nghĩ lại, bà bảo: Nổi nóng là một tính xấu, nhưng chung quy đều mong muốn bộ phim là một sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của từng mắt xích trong một ê kíp!

Phim của bà không có nhiều tiếng súng hay bom rơi, đạn lạc như phim người khác làm về chiến tranh. Nhưng “Ngày Lễ thánh”; “Huyền thoại mẹ”; “Hoa ban đỏ”; “Thời gian của dòng sông”... lại khiến người ta day dứt bởi cái nhìn sâu thẳm trước nỗi đau âm thầm của những thân phận con người sống trong một mặt trận không tiếng súng. Trong khí thế người người ra trận, ống kính của bà lại quay ngược về hậu phương để tìm cho ra cái gì lớn lao nhất trong tính cách Việt Nam, đặc biệt trong tâm hồn người phụ nữ như trong phim “Huyền thoại mẹ” có một người đàn bà chưa từng sinh đẻ, chưa một lần cho con bú mớm mà dám hy sinh tất cả để bảo vệ 3 đứa con nuôi. Khi tuổi đã cao, người yêu nằm xuống ngoài mặt trận thì bà chấp nhận trả lại con cho các bà mẹ đẻ của chúng, rồi âm thầm đứng ngoài bờ biển như hòn núi vọng phu. Hay cô gái trẻ trong “Hoa ban đỏ” giữa đêm nhạc mừng chiến thắng Điện Biên Phủ đi tìm người yêu mãi mà không thấy... Những nỗi đau lớn của người phụ nữ cứ phải âm thầm chờ đợi, âm thầm hy sinh, chịu đựng suốt cả đời luôn là vẻ đẹp, cách nghĩ đồng nhất với đạo đức truyền thống, dù ở trong chiến tranh hay hòa bình.



Cảnh trong phim “Hoa ban đỏ”.

Sự nghiệp thành công bao nhiêu thì chuyện tình cảm của Bạch Diệp cũng trắc trở bấy nhiêu. Từng trải qua nhiều mối tình đẹp, nhưng có lẽ nhắc người ta nhớ nhất vẫn là chuyện tình yêu của bà với nhà thơ Xuân Diệu. Bà tâm sự: “Ít ai biết tôi từng được làm vợ ông vua thơ tình Việt Nam - Xuân Diệu. Ngày ấy cùng làm việc ở Báo Nhân Dân, được anh Hoàng Tùng mai mối cho khi tôi 27 tuổi, anh Diệu đã ngoài 40. Nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh đem lại bao nhiêu hạnh phúc và cả khổ đau, dằn vặt tôi suốt những năm qua. Người của một thời giờ đã đi vào thiên cổ, chỉ còn tôi vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc ngọt ngào, xen lẫn đắng cay của tình yêu với hàng chục bài thơ tình anh ấy viết riêng cho tôi. Có lẽ số tôi không được làm vợ nhà thơ nổi tiếng! Cưới nhau chưa đầy 6 tháng đã phải chia tay vì định mệnh trong niềm thương và nuối tiếc...”. Mãi đến năm 40 tuổi, bà mới đi bước nữa với ông Nguyễn Đức Tường - một chuyên viên cao cấp của ngành Công an. Họ sống với nhau được 15 năm nhưng trời không cho bà có được mụn con, rồi ông mất vì bệnh ung thư. “Chúng tôi rất hiểu và biết chia sẻ nên không có chuyện giận dỗi nhau bao giờ. Anh ấy là người chồng tuyệt vời, đã giúp tôi nhiều trong việc làm phim. Trước khi mất, anh ấy còn bảo: Không buồn vì bệnh tật mà chỉ muốn sống thêm 3 năm nữa để giúp tôi làm xong bộ phim về Bác Hồ mà tôi hằng mong ước!”.

Bây giờ, người "đàn bà thép" của Điện ảnh Việt đã bước vào ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Ba năm trước, bà còn tự tay thực hiện bộ phim truyền hình 3 tập về “Hà Nội một thời” như là món quà tặng Thủ đô nhân kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. “Hà Nội là nơi sinh ra và lớn lên, tôi yêu mảnh đất này vì Hà Nội có một cái gì đó thiêng liêng, hấp dẫn với bao kỷ niệm gắn bó mà khi xa, ta không thể không nhớ về”.


Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)

Mới nhất
x
NSND Bạch Diệp nữ đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO