NSND Bùi Đình Hạc
(Baonghean) - Trong khuôn khổ Ngày hội Điện ảnh trao giải Cánh diều vàng năm 2012 diễn ra tại Hà Nội ngày 17/3 vừa qua, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tôn vinh NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đặng Nhật Minh vì những cống hiên đặc biệt xuất sắc. Xin giới thiệu đôi nét về Đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc...
Đạo diễn Bùi Đình Hạc sinh năm 1934 ở một miền quê trung du tỉnh Phú Thọ. Ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh và trưởng thành từ làm phim tài liệu, từng là Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học nhiều năm, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh. Với 40 năm tuổi nghề, ông đã nhận 3 giải Nhất tại các Liên hoan phim (LHP) quốc tế và 7 giải thưởng Bông sen Vàng tại LHPVN. Ông vinh dự được tặng Giảỉ thưởng Hồ Chí Minh (2007) và danh hiệu NSND (1984). Tuy đã nghỉ hưu, ông vẫn được các LHPVN mời tham gia trưởng ban giám khảo phim tài liệu và phim truyện. Vợ của ông là NSƯT, biên đạo múa Nguyễn Thị Hiển, người gốc Thành phố Vinh.
Từ năm 1959, bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải đoạt giải Vàng về phim tài liệu tại LHP quốc tế Mokva trở thành hành trang để ông đi học tiếp khóa đạo diễn tại Trường Đại học quốc gia điện ảnh Liên Xô. Ông đã thực hiện thành công các bộ phim tài liệu: Nguyễn Văn Trỗi sống mãi; Sài Gòn năm 1975 (1975); Nguyễn Ái Quốc với Lê Nin (1979); Đường về Tổ quốc (1980); Hồ Chí Minh, chân dung một con người (1990) và các bộ phim truyện điện ảnh: Nguyễn Văn Trỗi (1966); Đường về quê mẹ (1971); Hoa thiên lý (1973); Hà Nội 12 ngày đêm (1988), và phim Vĩ tuyến 17, chiến tranh nhân dân, của đạo diễn Pháp Joris Iven (1967). Trong số đó, phải kể đến Hồ Chí Minh chân dung một con người là bộ phim gây ấn tượng mạnh đối với người xem!
Năm 1978, đoàn làm phi của Đạo diễn Bùi Đình Hạc được giao nhiệm vụ sang Liên Xô thực hiện bộ phim về Bác Hồ. Tại Viện lưu trữ T.Ư ĐCS Liên Xô, đoàn đã tìm thấy tấm hộ chiếu xác định chính thức Bác Hồ đến nước Nga vào tháng 6/1923. Đến Viện lưu trữ điện ảnh xem hơn 10 vạn mét phim tư liệu để chọn ra những thước phim liên quan đến hoạt động của Bác ở Đại hội Quốc tế cộng sản V, Đại hội quốc tế Nông dân, Công hội, Phụ nữ,… Sau này, những hình ảnh đó đã đưa vào 2 bộ phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin và Đường về Tổ quốc, thể hiện một chặng đường hoạt động quan trọng của Bác từ khi đến với đất nước Lê Nin, cho đến lúc trở về Pắc Bó. Nhưng trong ông vẫn nung nấu suy nghĩ cần có một bộ phim khác, có cách nhìn khác, khái quát hơn về Bác. Và hơn 10 năm sau, 1989, ông mới bắt tay vào thực hiện bộ phim Hồ Chí Minh chân dung một con người.
Một cảnh trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”.
Bùi Đình Hạc muốn cắt nghĩa sự vĩ đại của Bác bằng những hình ảnh giản dị, thân thương, đi vào từng khía cạnh tâm hồn và khám phá những chi tiết mới lạ về Người qua tư liệu khá phong phú còn lưu giữ được ở Viện phim Việt Nam, đã gần 40 năm trước đó chưa bao được sử dụng…
Khi trình chiếu vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, năm 1990, bộ phim được khán giả cả nước nồng nhiệt đón nhận, yêu mến. Nhiều chi tiết xúc động cùng những hình ảnh trong các mối quan hệ rất đời thường. Từ tấm áo nâu bạc màu, đôi dép cao su đến tình cảm Bác dành cho các cụ già, các cháu thiếu nhi, bộ đội; tình cảm với quê hương xứ sở khi Người về thăm quê đứng lặng bên ngôi nhà xưa, khung cửi dệt vải của mẹ, Bác đi bên hàng dâm bụt hỏi han bà con lối xóm, trò chuyện với những người bạn thủa thiếu thời và các hình ảnh Người trước bạn bè thế giới.
Bộ phim Hồ Chí Minh chân dung một con người là một tác phậm nghệ thuật đích thực, vượt qua thử thách của thời gian và ngày càng tỏa sáng trong tâm trí mọi người, được 70 hãng thông tấn các quốc gia sử dụng, là tài liệu minh họa sống động cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”!
Lê Lân