NSƯT Đình Bảo: Chảy mãi mạch nguồn dân ca
(Baonghean) - Sinh ra ở làng Trung Phường, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, quê hương của ca trù Kẻ Lứ, nghệ sĩ Đình Bảo lớn lên trong cái nôi của những câu hát giao duyên say đắm lòng người. Mạch nguồn dân ca cứ mãi dạt dào trong con người ông, thấm sâu vào huyết quản ông, tạo nên niềm đam mê cháy bỏng.
NSƯT Đình Bảo. Ảnh: N.L |
Trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể của Nhà hát Dân ca Nghệ An tại phường Đông Vĩnh, Thành phố Vinh, tài sản quý giá nhất của vợ chồng ông là những bức ảnh kỷ niệm về những chuyến lưu diễn. Ở tuổi 72, mái tóc đã pha sương, nhưng giọng hát vẫn tròn trịa, ấm áp. Ông bảo, nhờ giọng hát ấy mà ông bén duyên ánh đèn sân khấu.
Tuổi 17, ông rời làng, gia nhập vào Đoàn Văn công Nghệ An, đắm mình trong không gian rộng lớn của những điệu hò ví dặm. Sau những giờ đứng trên sân khấu, ông lại cùng các đồng nghiệp rong ruổi về các miền quê, nơi lưu dấu những khúc hát dân ca để sưu tầm làn điệu, để tìm tòi cách thể hiện sao cho đúng nhất với câu hát dân gian. Nơi đâu có hát dân ca Nghệ Tĩnh là ông có mặt. Với chiếc xe đạp, chiếc máy ghi âm, ông đã không quản ngại đường sá xa xôi hay những nắng mưa bất thường của thời tiết. Có mặt ở các vùng quê để “nhặt lấy” những đặc trưng riêng trong câu hát dân ca. Như người đi khai thác mỏ quặng quý giá, ông sung sướng khi tìm thấy những lấp lánh ánh ngọc qua những cuộc chuyện trò, những câu hát mà các nghệ nhân sẵn lòng chia sẻ. Những tập tài liệu sưu tầm của ông dày theo năm tháng. Bên cạnh kho tàng dân gian phong phú nhờ PGS Ninh Viết Giao đã dày công sưu tầm trong các chuyến điền dã, ông đã cùng các cộng sự bổ sung thêm nét hài hước, dí dỏm, chất hề dân gian uyên thâm, sâu lắng trong cuộc sống ở nông thôn xứ Nghệ.
Suốt từ năm 1962 tới năm 1973, Đình Bảo là một trong những diễn viên trụ cột của chèo. Với tính cách hài hước, hóm hỉnh, ông luôn vào vai hề chèo, một người với những câu hát dí dỏm, đưa lại tiếng cười nhẹ nhàng trên sân khấu nhưng đằng sau tiếng cười là sự đả kích trực diện, đốp chát sâu cay vào hiện thực đương thời. Ông thuộc nằm lòng hàng trăm làn điệu chèo, góp phần không nhỏ vào thành công của các vở diễn chèo những năm ấy.
Năm 1973, Đoàn Dân ca Nghệ An chính thức thành lập. Khi đó, do thể hình không phù hợp với đa vai, nghệ sĩ Đình Bảo đã tạm xa sân khấu để bước vào một công việc hoàn toàn mới: chuyển thể và lồng điệu. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người viết phải có kiến thức tổng hợp về sân khấu, về các thể loại thơ, đồng thời phải rất am hiểu các làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh. Nhưng với kinh nghiệm của hơn 10 năm gắn bó với sân khấu dân gian, nghệ sĩ Đình Bảo đã nắm chắc chắn, nhuần nhuyễn về loại hình kịch, sự phát triển của xung đột trong kịch để chuyển tải nhiệm vụ tối cao tới người xem. Hơn nữa, ông là người mà tình yêu, lẽ sống đã dành trọn cho câu dân ca, luôn lắng nghe những biến động của cuộc đời bằng tấm lòng rộng lượng và sẵn sàng chia sẻ, đồng cảm.
Thời gian từ năm 1973 đến năm 1990, ông đã cùng các nhạc sĩ Thanh Lưu, Vi Phong, Văn Thế... tham gia chuyển thể và lồng điệu cho một loạt vở kịch hát dân ca như: “Chuyện tình ông vua trẻ”, “Linh hồn của đá”, “Vẫn còn ra trận”, “Hạt lúa quê ta”, “Khi ban đội đi vắng”, “Quyền uy và tội ác”..., lồng điệu cho:
“Chuyện tình ông vua trẻ”, “Phan Bội Châu”, “Nguyễn Biểu”, “Nguyễn Du”, “Hoa khôi dạy chồng”, “Bão táp cửa Kỳ Hoa”... Khi đã viết, NSƯT Đình Bảo cẩn trọng, nắn nót với từng câu, từng chữ. Nhiều lần ông thức trắng đêm nhưng cũng chỉ viết được dăm dòng. Phải viết làm sao để thấu đến trái tim của người khác, có nghĩa là phải thực như chính anh đang sống cuộc đời của nhân vật, đau nỗi đau của họ và thổn thức trong nỗi cách xa, chờ đợi của tình yêu. Tổ khúc dân ca “Thử lòng chung thủy” do NSƯT Đình Bảo soạn lời đã đạt HCV Hội diễn Dân ca toàn quốc năm 1968, và đã trở thành một trong những tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh được khán giả cả nước yêu mến trong hàng chục năm qua.
NSƯT Đình Bảo luyện tập cùng diễn viên Nhà hát Dân ca Nghệ An. Ảnh: Internet |
Nói về kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, ông kể: “Năm 1962, lúc đó tôi mới 18 tuổi, theo đoàn đi diễn vở “Cô gái sông Lam” ở Hà Nội. Diễn xong, trưởng đoàn thông báo là đoàn sẽ ở thêm một ngày để diễn lại. Sáng hôm sau, đoàn vào Phủ Chủ tịch, cả đoàn ai cũng mong được gặp Bác Hồ. Đang loay hoay trang điểm, bất chợt có người mặc áo nâu, chân đi dép cao su bước vào cất tiếng chào anh em. Tất cả như vỡ ào, mọi người hướng về phía Bác, ai cũng xúc động. Lúc biểu diễn, vì mải nhìn xuống dưới hàng ghế Bác Hồ đang ngồi, anh em nghệ sĩ không ai nhập tâm vào vai diễn hoàn hảo cả. Vở diễn có đoạn hát “muối 3 năm muối đương còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay” thì Bác rưng rưng nước mắt và lấy khăn lau. Diễn xong, Bác mời mọi người ăn kẹo rồi hỏi thăm gia đình, quê quán nhưng tôi không dám ăn kẹo mà chỉ chăm chăm nhìn Người”. Nói xong, ông gỡ bức ảnh được đóng khung treo trang trọng trên tường xuống để khoe với chúng tôi. Dường như niềm sung sướng, hạnh phúc trong ông vẫn còn vẹn nguyên dẫu thời gian có xóa nhòa mọi thứ.
Năm 1984, Đoàn Dân ca Nghệ - Tĩnh dựng vở “Mai Thúc Loan”. Đến đoạn Mai Thúc Loan bị tống giam, người trong ngục, kẻ ở ngoài biết bao đau xót. Sự khắc khoải của nhớ nhung, cảm xúc dồn nén nhưng cho đến thời điểm bấy giờ, dân ca Nghệ Tĩnh gốc và hơn 30 làn điệu cải biên chưa có làn điệu nào chuyển tải nổi?
Làn điệu nào có thể chuyển tải nổi tâm trạng phức tạp, đầy kịch tích này của nhân vật? Câu hỏi đó đã xoáy sâu vào tất cả những người yêu mến dân ca, thôi thúc họ tìm một câu trả lời. NSƯT Đình Bảo nhớ lại: “Chiều hôm đó, cả đoàn nghỉ sớm. 10 giờ đêm, không gian trở nên yên tĩnh, ôm đàn ghi ta ra thử giai điệu. Nếu chỉ kết hợp các làn điệu hò, ví, dặm với nhau hoặc tách ra cũng không thể chuyển tải hết tâm trạng của nhân vật. Đột nhiên, tôi nghĩ đến giai điệu quân tử phu dịch trong chèo, tuồng. Với chất liệu của ví, dặm, ngâm thơ trung của dân ca Nghệ Tĩnh, kết hợp với nhịp 4/4 chậm rãi, dùng dằng của quân tử phu dịch tạo nên giai điệu trữ tình rất phù hợp để chuyển tải sự dồn nén của cảm xúc. Sau khi thử xong giai điệu, tôi ngồi viết lời một mạch đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Sáng đó, đoàn họp lấy ý kiến, ông mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình. Ông hát xong, cả đoàn vỗ tay tán thưởng, tấm tắc khen ngợi.
Có lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, Nhà hát Dân ca Nghệ An diễn vở “Quyền uy và tội ác”. Đại tướng thấy làn điệu Tứ hoa nghe vừa lạ, vừa quen, lại đậm chất dân ca Nghệ - Tĩnh, liền cho gọi nghệ sĩ Đình Bảo đến gặp để được nghe chính tác giả hát lại làn điệu này. Lúc đó, ông đã hát bằng cả niềm xúc động, hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Thời gian trôi đi, nhưng tình yêu cháy bỏng với dân ca trong ông còn mãi...
Nguyễn Lê