Nụ cười du lịch
(Baonghean) - Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH - TT & DL trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An
P.V: Với tiềm năng du lịch phong phú, có thể nói thời gian qua du lịch Nghệ An đã dần khẳng định được vị thế của mình trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Ông có thể cho biết những điểm nhấn đặc trưng của du lịch Nghệ An?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Hình ảnh du lịch Nghệ An ngày càng khẳng định trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Điều đó thể hiện trên một số mặt sau đây: Chất lượng sản phẩm du lịch từng bước được cải thiện, nhiều công trình văn hoá, dự án bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử được triển khai, trong đó quan tâm chú trọng về khai thác giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá truyền thống xứ Nghệ, văn hoá tâm linh để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân và khách du lịch. Những thế mạnh về du lịch sinh thái và đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Ngoài bãi tắm Cửa Lò, đến nay, một số khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp ven biển Nghệ An đã được đầu tư; nhiều điểm tham quan, du lịch như: Khu di tích Kim Liên, bãi biển Cửa Lò, đền Quang Trung, đền Hoàng Mười, đền Cờn, đền Quả… đã trở thành điểm đến không thể thiếu trên tuyến du lịch xuyên Việt của du khách trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Nghệ An.
Các giá trị văn hoá phi vật thể đã từng bước được khai thác cho phát triển du lịch; một số lễ hội truyền thống của Nghệ An được đổi mới cả nội dung và hình thức, góp phần thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan; dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh đang trong lộ trình đề nghị UNESCO xét công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Văn hoá ẩm thực với nhiều đặc sản, món ăn dân dã nhưng độc đáo, hấp dẫn đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Nghệ An, trong đó cháo lươn là một trong 10 món ăn đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận xác lập kỷ lục châu Á.
Nhân viên Khách sạn Sài Gòn - Kim Liên tiếp đón khách du lịch. Ảnh: T.T |
Cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng phát triển và hiện đại hoá, đặc biệt là giao thông đường sắt, đường bộ, đường hàng không, nhất là sự gia tăng các tuyến bay trong nước xuất phát từ Vinh và tuyến bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn đã tạo điều kiện cho việc đa dạng hoá các loại hình và tour, tuyến du lịch của tỉnh. Dịch vụ lưu trú du lịch, ăn uống phát triển mạnh, chất lượng có bước đổi mới đáng kể. Nhiều cơ sở mua sắm hiện đại được đầu tư, góp phần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi đến Nghệ An. Môi trường du lịch có bước chuyển biến tiến bộ rõ nét; công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và bảo đảm an toàn, an ninh cho khách du lịch được triển khai tích cực, không để xảy ra các vụ việc bức xúc đáng tiếc cho khách du lịch. Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng điểm đến 3 địa bàn du lịch trọng điểm trong tỉnh là Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đàn bước đầu được triển khai, tạo nên sự liên kết nội tỉnh về xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Nghệ An được triển khai tích cực. Đến nay ngành đã hoàn thành việc công bố biểu trưng mới của Du lịch Nghệ An; xúc tiến hàng loạt hoạt động quảng bá du lịch Nghệ An ở trong nước và nước ngoài thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ cùng nhiều sự kiện văn hoá, thể thao du lịch khác theo Chương trình Xúc tiến du lịch 2011 - 2015 đã được tỉnh phê duyệt. Đặc biệt chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014, ngành đã tham mưu tổ chức Hội nghị Hợp tác và quảng bá xúc tiến du lịch tại Uđon Thani (Thái Lan) và các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch gắn với hàng không của 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh với Vietnam Airlines nhằm tăng cường liên kết đầu tư phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở kết nối điểm đến du lịch của các địa phương, của vùng.
Đội ngũ lao động ngành du lịch đã có bước đổi thay khá rõ nét cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 14 ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp làm du lịch, trong đó hàng ngàn cán bộ, công nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý, kỹ năng nghiệp vụ nghề cũng như văn hoá giao tiếp ứng xử. Công tác tập huấn nâng cao nhận thức du lịch và văn hoá ứng xử cho cộng đồng dân cư cũng được quan tâm thường xuyên. Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề về du lịch có nhiều chuyển biến mới qua quá trình sàng lọc, cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giảng viên được đầu tư, nâng cấp theo tiêu chuẩn quy định. Đó là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, xây dựng và củng cố thương hiệu du lịch của Nghệ An thời gian qua.
PV: Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thương hiệu du lịch Nghệ An đó là nhân lực ngành du lịch, cụ thể hơn đó chính là những con người trực tiếp phục vụ khách du lịch. Ông có thể đánh giá một cách tổng quát nhất về nhân lực du lịch của tỉnh ta hiện nay?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Có thể nói, những thành tích nêu trên, nhất là về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài của tỉnh, nguồn nhân lực du lịch Nghệ An vẫn còn nhiều mặt bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu trong xu thế hội nhập. Trước hết về mặt số lượng, do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch hầu hết là quy mô nhỏ nên số lao động bình quân còn thấp. Chỉ tính riêng về kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, số lao động bình quân chỉ đạt 0,5 người/phòng, trong khi tại các trung tâm du lịch lớn trong nước là 1,2 - 1,5 người/phòng.
Lực lượng lao động cũng bị biến động do tính chất mùa vụ, nhất là các địa bàn du lịch ven biển. Về cơ cấu, số đông là lao động làm việc trong các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, các ngành nghề khác còn thiếu và yếu. Chất lượng lao động nhìn chung chưa cao, thiếu lao động có trình độ quản lý kinh doanh du lịch giỏi, nhất là về quản lý kinh doanh khách sạn, lữ hành, cũng như đội ngũ các chuyên gia đầu ngành và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên giỏi... Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ của đa số cán bộ, công nhân lao động còn rất yếu nên hạn chế trong việc giao tiếp, phục vụ và quảng bá xúc tiến mở rộng thị trường khách quốc tế.
PV: Trong bài phát biểu của mình tại lễ Khai mạc Hội chợ quốc tế Du lịch Việt Nam 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Một “nụ cười” cũng là tham gia làm du lịch. Theo ông, những người làm du lịch Nghệ An cần phải nhận thức quan điểm này của Phó Thủ tướng như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Như chúng ta đã biết, sản phẩm du lịch là một loại sản phẩm đặc biệt do nhiều loại yếu tố hợp thành, nhưng về mặt ý nghĩa có thể chia làm 3 loại: sức thu hút khách du lịch (thông qua giá trị của tài nguyên), cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển du lịch và hạt nhân của sản phẩm phần lớn là dịch vụ mà chất lượng chủ yếu phụ thuộc vào người phục vụ. Đối với chất lượng phục vụ của người làm du lịch, bên cạnh sự thành thạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ (hay là tính chuyên nghiệp) thì yếu tố về phong cách, thái độ giao tiếp ứng xử có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó tạo nên dấu ấn riêng về mỗi đất nước, vùng miền.
Trong văn hoá giao tiếp ứng xử, ngoài cử chỉ, lời ăn, tiếng nói, thì “nụ cười” có vai trò như là thông điệp đầu tiên thể hiện sự thân thiện, cởi mở, mến khách mà mỗi người muốn gửi tới đối tác của mình. Mặc dù là những người xa lạ, nhưng nụ cười vẫn tạo cho ta cảm giác gần gũi và được quan tâm, trân trọng như những vị khách quý hay những người bạn thân thiết. Vì vậy, trong lĩnh vực hoạt động của ngành dịch vụ nói chung, “nụ cười” đã trở thành “phong cách kinh doanh của những doanh nhân giỏi, những thương hiệu lớn”. Đối với ngành du lịch, môi trường mà quan hệ tiếp xúc giữa người phục vụ và người được phục vụ diễn ra thường xuyên thì “nụ cười” càng có ý nghĩa quan trọng, có thể được xem như là tiêu chuẩn và điều kiện bắt buộc không thể thiếu đối với người làm du lịch.
Tại Singapore, người ta đã mở chiến dịch có tên là: “Hãy cười với Singapore” nhằm tạo cho du khách có cảm giác thoải mái và thích thú ngay khi vừa đặt chân đến đất nước này. Người Trung Hoa thì có câu phương ngôn: “Người nào không biết mỉm cười, đừng nên mở tiệm”. Còn ở Malaysia, đất nước mỗi năm đón trên 25 triệu khách quốc tế thì khẩu hiệu “Phục vụ khách với nụ cười” đã trở thành một cam kết của ngành du lịch. Đối với Việt Nam, hình ảnh về nụ cười của một cô gái đã từng được chọn làm biểu trưng của Chương trình hành động quốc gia “Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới”. Nhiều địa phương cũng đã tạo được ấn tượng về nụ cười, qua đó tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch quay trở lại. Đó là điều mà mỗi người làm du lịch ở Nghệ An cần phải nhận thức một cách sâu sắc để có hành động thiết thực.
PV: Để xây dựng con người Nghệ An thân thiện, mến khách, xây dựng một môi trường du lịch mang đậm bản sắc xứ Nghệ. Với vai trò quản lý ngành du lịch, theo ông, chúng ta nên có những giải pháp cụ thể nào?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Có rất nhiều điều cần phải làm, nhưng theo tôi trước mắt cần tập trung cho một số giải pháp: Xúc tiến nhanh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đây là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho việc xây dựng đội ngũ lao động du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong hiện tại và tương lai cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Chỉ đạo triển khai áp dụng các Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia (VTOS) vừa được Nhà nước ban hành gắn với việc tổ chức và quản lý chặt chẽ hoạt động thi tay nghề hàng năm, tôn vinh các cá nhân có trình độ tay nghề giỏi; giám sát chất lượng sản phẩm dịch vụ thông qua việc thẩm định công nhận loại hạng các cơ sở dịch vụ. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh, gắn các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, khuyến khích hình thức đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động trên cơ sở tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch phù hợp cho từng đối tượng, trong đó đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh du lịch, nhất là đội ngũ giám đốc các khách sạn nhỏ và vừa; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ và văn hoá giao tiếp ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong các cơ sở kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư, trọng tâm là Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn.
Phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các địa phương phát động phong trào “Nụ cười Nghệ An” tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và đón tiếp khách nhằm tạo hình ảnh về một Nghệ An thân thiện, mến khách; tiếp tục triển khai nhiệm vụ đột phá về xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách gắn với thực hiện Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng điểm đến, xây dựng môi trường du lịch văn minh giữa Sở VH-TT&DL và 3 địa phương: Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn. Gắn đào tạo du lịch với công tác tuyên truyền giáo dục toàn dân qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức xã hội về văn minh du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Thanh Thủy (thực hiện)