Nữ sinh 12 tuổi chế tạo máy phát hiện nước nhiễm chì
Gitanjali Rao bắt đầu phát minh từ hồi còn học mẫu giáo. 12 tuổi, cô bé là "Nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ".
Gitanjali Rao lúc nhận giải.
Gitanjali Rao cho biết mình hiện đã có hơn 8 phát minh. Trong số đó, Tethys - một thiết bị in 3D có gắn những ống nano carbon và một ứng dụng trên thiết bị di động để kiểm tra nước có bị nhiễm chì hay không chỉ trong 10 giây, vừa mang về cho em danh hiệu "Nhà khoa học trẻ tuổi hàng đầu nước Mỹ" cùng số tiền thưởng 25.000 USD.
Cô bé tiết lộ mình nảy ý chế tạo Tethys khi biết các cộng đồng dân cư ở Michigan đang phải giải quyết các tác hại của nguồn nước bị nhiễm chì.
Sau khi nói chuyện này với gia đình, cô bé đã đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm bẩn. "Em suy nghĩ xem họ cảm giác thế nào khi thật sự phát hiện ra có chì trong nước mình đang dùng. Điều đó quả thật đáng sợ", cô bé tâm sự.
Thế là cô bé xem xét những tác dụng phụ nghiêm trọng do tiếp xúc với chì, như nổi mẩn ngứa, đau đầu, nôn mửa, tai biến ngập máu, và thậm chí là tử vong, rồi bắt đầu sử dụng kinh nghiệm phát minh của mình để "ra tay" giúp đỡ.
"Ban đầu em tính tìm cách loại chì khỏi nước, nhưng sau đó nhận thấy đó là một bước quá xa, cần phải rút lại. Sau đó em nghĩ đến việc chế ra thiết bị phát hiện nước nhiễm chì để mọi người phòng ngừa", cô bé nói.
Gitanjali Rao đang thử thiết bị của mình. Ảnh: CBS
Sau khi nghiên cứu những kĩ thuật phát hiện chất lượng nước, cô bé thấy rằng mình sẽ cần đến một số nguồn cung khó kiếm, như các ống nano carbon, clorua và chì axetat. May mắn thay, ba mẹ cô bé đã giúp một tay.
"Ba mẹ giúp em đi lấy chì và các ống nano carbon. Ba mẹ thật sự ủng hộ em giải quyết vấn đề lớn này. Ba mẹ thích em suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường, muốn em ý thức về những tình hình đang diễn ra trên thế giới", cô bé tâm sự.
Sau đó, cô bé nộp một ứng dụng video cho ban tổ chức cuộc thi và được chọn là 1 trong 10 người có mặt ở vòng chung kết.
Sau nhiều tháng hoàn thành ý tưởng lý thuyết và mô hình thật của mình, cô bé đi cùng ba mẹ tới trụ sở chính của 3M (đơn vị điều hành cuộc thi) ở Minnesota và thuyết trình 5 phút trước ban giám khảo, rồi sau đó là trả lời chất vấn của họ thêm 5 phút nữa.
Thiết bị của cô bé cho kết quả chỉ trong 10 giây. Ảnh: CNBC
Brian Barnhart - một thành viên ban giám khảo, chia sẻ với hãng tin ABC: "Không quá lời khi nói rằng cô bé thật sự gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi".
Kết quả cuối cùng là cô nhận được danh hiệu "Nhà khoa trẻ hàng đầu nước Mỹ", cùng một tấm ngân phiếu trị giá 25.000 USD.
Khoa học không phải là đam mê duy nhất của Gitanjali Rao. "Em thích phát minh, nghiên cứu, nhưng cũng thích marketing", cô bé cho biết.
Vào lúc này, cô đang phát triển một mô hình kinh doanh mà cô hi vọng là sẽ giúp thiết bị Tethys của mình có thể đến rộng rãi với mọi gia đình.
"Em muốn ai cũng có thể mua được Tethys vì kiểm tra nguồn nước mình đang dùng là việc quan trọng. Hiện tại, thiết bị này có giá 20 USD, nhưng khi được sản xuất với số lượng lớn, nó sẽ rẻ hơn đáng kể", cô bé nói.
Với số tiền thưởng nhận được, cô bé dự định tiếp tục dùng phần lớn số tiền nhận được để phát triển Tethys. Phần còn lại, cô bé dự định tặng cho các tổ chức mà mình đang làm tình nguyện viên, như Children's Kindness Network, và dành một ít để vào đại học.
"Khi lớn lên, em muốn trở thành một nhà nghiên cứu dịch tễ học và di truyền học", cô bé lớp 7 thổ lộ.