"Nứa vàng" nơi quê mới
(Baonghean) - Mùa Xuân thứ 5, hơn 50 hộ người Đan Lai đoạn tuyệt nơi “sơn cùng thủy tận” của đại ngàn Pù Mát. Ấm cúng trong ngôi nhà khang trang, đón Tết với rạng ngời ánh điện... họ đã tìm thấy “nứa vàng” nơi vùng quê mới...
Tìm được “nứa vàng”
Ngày cuối năm, cùng Bí thư Huyện ủy Con Cuông Vi Xuân Giáp vào Thạch Ngàn, một trong những xã vùng sâu của huyện. Vừa đi ông vừa trò chuyện: “Dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, hàng năm đã trợ cấp hàng chục tấn gạo, muối, dầu thắp, thuốc chữa bệnh, quần áo, vải mặc... cho người Đan Lai. Nhưng nơi họ sống trước đây địa hình quá hiểm trở, giao thông vô cùng khó khăn và họ vẫn chưa thoát khỏi cuộc sống hái lượm, mỗi năm chặt phá hàng trăm ha rừng đầu nguồn trỉa lúa, trồng ngô, sắn và khai thác lâm sản trái phép rừng nguyên sinh Pù Mát. Vòng luẩn quẩn khép kín làm ăn lạc hậu làm cho cuộc sống của bà con ở Huồi Khẳng mãi không thoát được đói nghèo.
Được Chính phủ phê duyệt dự án tái định cư người Đan Lai trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát thuộc xã Môn Sơn, nhằm bảo tồn và cải thiện cuộc sống cho tộc người này. Lúc đầu, huyện băn khoăn ở sự thành công của dự án này, vì vùng quê mới khu tái định cư được khảo sát chọn ở Kẻ Gia, Kẻ Tắt, Pá Hạ, thuộc xã Thạch Ngàn, cách vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát khoảng hơn 50 km. Tuy cũng là miền núi, nhưng hoàn toàn khác hẳn nơi cũ đã quen thuộc nghìn đời nay. Bài học trước đây cho thấy, sự tái trở lại bản cũ của họ vào những năm còn bao cấp. Nhưng khi ngồi xe vượt dốc Kẽm Nộc đã được hạ thấp và mở rộng, chuội xuống thấy dưới lòng thung lũng, gần 50 nóc hộ nhà sàn mái ngói đỏ tươi trông xa như những ngôi biệt thự xinh xắn viền quanh đồi và con suối Nậm Xan như dải lụa xanh vắt qua dưới chân bản. Và khi đến tận nơi thấy những thửa ruộng bậc thang và những luống rau... mướt xanh, đàn trâu, bò, dê đang gặm cỏ dưới chân núi, đàn gà con lích chích theo tìm mồi, chúng tôi bắt đầu tin người Đan Lai đã có cuộc sống mới!
Ông Vi Xuân Giáp kể, số người Đan Lai trong dự án di dời gần 200 hộ, hơn 1 nghìn khẩu ở 3 bản, Cò Phạt, Khe Cồn và Bản Púng. Đầu năm 2001, Chính phủ phê duyệt dự án di dời người Đan Lai ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Tháng 9 năm 2002, huyện đã di dời thành công 36 hộ về hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, thuộc xã Môn Sơn, mỗi gia đình được hỗ trợ gần như toàn bộ. Lúc đầu, do tập quán sống tự nhiên, văn hóa tiêu dùng thấp, chưa hết tháng đã hết khẩu phần lương thực được cấp, không ít người lại vào rừng chặt nứa hái măng, đào củ về ăn. Nhưng khi được cán bộ “ba cùng” kiên trì cầm tay chỉ việc và được tổ chức cho đi tham quan học hỏi các mô hình làm ăn, bà con quen dần với phương thức sản xuất mới. Việc di dời người Đan Lai được chuẩn bị rất công phu.
Trước đây, việc vận động người Đan Lai tái định cư không thành công, có thể nguyên nhân chính là do thiếu vốn đầu tư và cán bộ chưa thực sự tâm huyết với họ. Lần này, huyện giao các ngành chức năng cử cán bộ đi vận động bà con dù phải đi lại rất nhiều lần, vất vả và khá tốn kém nhưng phải kiên trì. Kiên trì thuyết phục, vận động, cuối năm 2005, người tiên phong của bản Cò Phạt có 5 đảng viên gồm bí thư chi bộ La Giang Sơn, già bản Lê Văn Tiên, trưởng bản La Văn Vinh... và sau đó thêm nhiều hộ khác cũng đăng ký di dời. Kết quả, có 42 hộ, 193 khẩu đều tự giác cam kết với huyện về nơi ở mới thuộc xã Thạch Ngàn.
Nước sạch về bản. |
Bình quân mỗi hộ đến nơi mới được cấp 1 nghìn đến 2 nghìn m2 đất sản xuất và được giao 2 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ. Cùng với đó, mỗi hộ được xây dựng một ngôi nhà sàn xây kiên cố: hộ bốn khẩu trở xuống được cấp nhà sàn hai gian, hai chiếc giường đôi; hộ từ 5 khẩu trở lên được cấp nhà ba gian cùng ba chiếc giường đôi kèm theo chăn màn. Các hộ đều có nhà bếp và công trình phụ... Trị giá mỗi căn hộ trên dưới 130 triệu đồng. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đình Tuấn cho biết, tổng mức đầu tư bình quân mỗi hộ gần 300 triệu đồng. Già làng Lê Văn Tiên bập tẩu thuốc nhả khói, rồi nói: "Sáng ngày 23 tháng Giêng năm 2007, là lúc 42 hộ người Đan Lai bản Cò Phạt bắt đầu đến nơi ở mới. Được nhà to đẹp, kín trên bền dưới, có điện thắp sáng, được xem ti vi, có nước về tận cầu thang, không phải nặng nhọc vác ống bương xuống suối cõng nước nữa, lũ trẻ nít có trường đẹp và ngay trong bản để học chữ. Bà con đều có ruộng nương được cán bộ bày cho cách để làm ăn mới, vụ mới qua nhà nào cũng thóc lúa ngô đầy nhà, con cháu người Đan Lai giờ sướng hơn tổ tiên nhiều lắm. Người Đan Lai “mềng” (mình) không nói hết cái ơn nầy!".
Cùng với già Tiên, ông Lê Văn Lợi góp chuyện. Sau khi ổn định, ông cùng một hộ khác cùng bỏ vốn mua giống trồng được hơn bốn vạn cây keo trên đất rừng được chia. Xã Thạch Ngàn cũng giao cho Đoàn Thanh niên xã vào phối hợp với Chi đoàn bản giúp các hộ trồng được hàng vạn cây. Những năm về bản mới, người Đan Lai thu được nhiều ngô, lúa nhất, nhà nào cũng chất đầy một gian nhà. Vào đây có đường ống dẫn nước về, một số hộ đã học người kinh, người Thái đào ao nuôi cá, nuôi vịt. Nhiều hộ đã mua xe máy để đi, có điện thoại di động để gọi cho người ở xa. Về đây ai cũng thấy khỏe ra và vui sướng...
Chưa quên chuyện xưa
Về nơi quê mới Thạch Sơn, già bản La Văn Tiên vẫn không quên kể cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn xưa của tộc người Đan Lai vì sao lại phải leo lên ở tít mãi đầu ngọn “ông Giăng”. Già Tiên kể rằng, theo “pú, nhạ, y, mệ” (ông, bà, cha, mẹ) truyền lại, xưa lãnh địa của mình ở dưới mường Trung Châu, là miền Hoa Quân (thuộc huyện Thanh Chương bây giờ). Hồi đó, có một trùm làng gian ác, tham lam chuyên vơ vét của dân làng về làm giàu riêng cho mình. Một hôm, trùm làng giao cho bà con phải vào rừng tìm cho đủ " trăm cây nứa vàng và cái thuyền liền chèo" đem về nộp, nếu không sẽ giết chết cả làng. Lo sợ, làng đã cử thanh niên trai tráng lặn lội khắp rừng sâu, núi hiểm, nhưng tìm mãi vẫn không thể tìm được cái thuyền liền chèo và trăm cây nứa vàng. Sợ bị giết chết, họ rủ nhau bỏ làng chạy trốn.
Ngày này sang tháng khác cứ ngược dòng sông Giăng lên mãi. Lòng tham và sự độc ác của trùm làng đã đẩy tộc người Đan Lai phải rời bỏ quê hương trốn vào nơi sơn cùng, thuỷ tận này. Họ Lê phải đổi thành họ La... thế là cuộc đời nơi núi cao đèo thẳm “theo dấu chân nai, bỏ vào hạt lúa; theo dấu chân cọp cắm vào hạt ngô”, như “tô ca, tô cụn, kha lăng” (lợn rừng, vượn), sáng uống “đak” (nước) khe Tàng, tối về ngủ ngọn khe Bê “lang thang đầu suối; đìu hiu lưng đèo...”. Mái nhà thường lợp bằng lá chuối cho đến khi ngả sang màu vàng, nhìn lên nóc thấy hết cả trời, rồi lại dắt díu nhau tìm đến chỗ khác. Người Đan Lai trước đây không có quần áo mặc, che thân chỉ là vỏ cây rừng, lương thực chủ yếu là sắn, khoai mài, củ nâu nướng luộc, đồ lên ăn với cá mát nướng hoặc chấm mật ong. Đêm nằm, chặt cái “cháng” cây có nạng để gác vào trán ngủ phòng thú dữ.
Tên bản Thạch Sơn là ghép tên 2 xã Thạch Ngàn và Môn Sơn lại. Mùa Xuân này là mùa xuân thứ 5, hơn 50 hộ Đan Lai được hưởng cái Tết trong sáng ngời ánh điện, họ thực sự no cơm, ấm áo, hạnh phúc trong ngôi nhà khang trang. Họ đã tìm được “nứa vàng” chính từ mảnh đất này. Ánh mắt Bí thư Chi bộ bản, La Giang Sơn, cũng rạng ngời: “Chừ bà con không những biết trồng cây, làm ruộng nước, hoa màu, trồng mía, chăn nuôi mà còn được tổ công tác gồm cán bộ là các kỹ sư, chuyên gia trên các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, quân sự, công an, đoàn thanh niên “cắm bản” của huyện, xã Thạch Ngàn hướng dẫn tổ chức sản xuất, dùng máy cày để cày ruộng, hướng dẫn cách bảo quản nông sản... Từ 42 hộ, nay bản Thạch Sơn đã tăng lên 50 hộ và có một số hộ người Thái, kinh đã đến đây chung sống hòa thuận với người dân Đan Lai. Vui lắm!”.
Bài, ảnh: Phạm Ngân