Nước mắm Phú Lợi khó tìm đầu ra
(Baonghean) - Những ngày này, người dân làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi (phường Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai) đang khẩn trương đóng chai sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Là làng nghề truyền thống chế biến nước mắm hơn 100 năm và đã xây dựng thành thương hiệu Phú Lợi, nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn…
Ông Nguyễn Đức Xân – Hội trưởng Hội Làng nghề Phú Lợi kiểm tra chum ủ nước mắm nhỉ. |
Đến thăm gia đình chị Trần Thị Thường ở xóm Phú Lợi 2 (P. Quỳnh Dị) vừa đúng lúc chị đi chợ về. Trên chiếc xe máy của chị còn lại những chiếc can nhựa và chai lọ rỗng. Chị tâm sự với chúng tôi: “Hôm nay gần Tết rồi nên bán hàng nhanh hết. Không phải chạy rong nên mới về sớm thế này, chứ bình thường tôi phải chaỵ chợ cả ngày”. Gia đình chị Thường làm nghề chế biến nước mắm đã hơn 35 năm nay. Mỗi năm trung bình gia đình chị chế biến hơn 5 nghìn lít nước mắm bằng phương pháp truyền thống. Chị cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu bán lẻ cho các đầu mối trong huyện và bán ở các chợ quê. Chưa có đầu ra ổn định nên rất vất vả trong việc tiêu thụ sản phẩm”.
Quỳnh Dị có 2 khối làm nghề chế biến nước mắm đó là Phú Lợi 1 và Phú Lợi 2 với hơn 350 hộ tham gia. Mỗi hộ có cơ sở chế biến riêng nhưng đều tuân thủ phương pháp truyền thống, nên chất lượng sản phẩm tương đồng nhau. Những vị tổ sư trước đây của làng nghề đã biết tận dụng nguồn cá cơm dồi dào từ biến cả kết hợp với phương pháp truyền thống làm nên loại nước mắm dịu đặm, thơm lừng. Nước mắm Quỳnh Dị để càng lâu càng ngon, có màu vàng sẫm và sánh đặc, khác hẳn với các loại nước mắm ở vùng miền khác. Sản lượng của làng nghề đạt hơn 2 triệu lít/năm. Nguyên liệu chính dùng cho chế biến nước mắm là loại cá cơm được chính các ngư dân làng nghề đánh bắt ở vùng biển Nghệ An.
Nước mắm Phú Lợi được chế biến bằng 2 phương pháp là đánh khuẩy và phương pháp gài nén (thường gọi là nước mắm nhỉ). Đối với loại nước mắm đánh khuẩy bà con chượp chín trong vòng 7 đến 8 tháng mới cho ra sản phẩm. Còn loại nước mắm nhỉ được ủ chượp trong vòng 12 tháng cùng với thính vừng, gạo rang xay và đường kính,có giá trị đắt hơn so với loại nước mắm đánh khuẩy. Vì hai loại nước mắm này có màu sắc, hương vị, độ cô, độ đạm khác nhau. Toàn bộ các khâu sản xuất đều bằng thủ công, không có sự tham gia của bất kỳ một loại công nghệ nào.
Ông Nguyễn Đức Xân – Hội trưởng Hội Làng nghề Phú Lợi cho hay: “Khó khăn của làng nghề chúng tôi là địa phương chưa có một tổ chức chính thức nào như Hợp tác xã hay Hiệp hội để đứng ra quản lý, hỗ trợ giúp đỡ người dân làm nghề trong các vấn đề sản xuất, bảo hộ cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Nên mặc dù đã có thương hiệu nhưng sản phẩm nước mắm của chúng tôi vẫn chưa tìm được chỗ đứng ở các thị trường lớn như các thương hiệu nước mắm khác”. Năm 2011, Làng nghề Phú Lợi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng kỹ nhãn hiệu. Từ đó đến nay làng nghề có 49 hộ xây dựng được thương hiệu riêng. Còn lại hầu hết các hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm qua hình thức bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, trong xu thế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt từ những sản phẩm được chế biến bởi dây chuyển công nghệ, các sản phẩm của làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi ngày càng ít chỗ đứng trên thị trường do giá cao. Để khôi phục, duy trì các sản phẩm làng nghề, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho những người làm nghề trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ vay vốn để phát huy truyền thống của làng nghề, góp phấn giữ gìn nét văn hóa dân tộc.
Bùi Thịnh